Giá vàng quay đầu giảm

01/11/2024 - 10:06

PNO - Sau hai ngày giữ ở mốc 90 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC sáng ngày 1/11 quay đầu giảm 500.000 đồng/lượng, còn 89,5triệu đồng/lượng.

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang niêm yết giá vàng miếng mua vào – bán ra là 87,5 – 89,5 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với ngày hôm qua.

Các công ty khác như Tập đoàn DOJI, công ty PNJ, hiện cũng niêm yết giá vàng giảm 500.000 đồng/lượng so với ngày hôm qua, mức giá giao dịch đang bằng Công ty SJC.

Giá vàng nhẫn 9999 cũng biến động giảm so với ngày hôm trước. Như giá vàng 9999 tại SJC đang là 87,4 – 88,9 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 300.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với hôm qua. Tại DOJI, giá vàng nhẫn 9999 đang mua – bán là 88,25 – 89,25 triệu đồng/lượng, cũng giảm 400.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với hôm qua.

Trong năm vừa qua, nhu cầu vàng trang sức và vàng miếng tại Việt Nam đều giảm - Ảnh: Thanh Hoa
Trong năm vừa qua, nhu cầu vàng trang sức và vàng miếng tại Việt Nam đều giảm - Ảnh: Thanh Hoa

Giá vàng trong nước đảo chiều giảm sâu là do ảnh hưởng đà giảm của giá vàng thế giới. Hiện giá vàng thế giới đang giao dịch mức 2.745 USD/ounce, giảm 32 USD/ounce so với ngày hôm qua.

Quy đổi theo tỉ giá ngoại tệ Vietcombank (1 USD = 25.454 VND), giá vàng thế giới tương đương 84,1 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng miếng SJC bán ra là 5,3 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới quay đầu giảm là do chịu áp lực chốt lời của nhà đầu tư trong bối cảnh hàng loạt sự kiện trong vài ngày tới có thể tác động đến hướng đi của giá vàng, là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Mới đây, Hội đồng Vàng Thế giới công bố Báo cáo về Xu hướng nhu cầu vàng trong quý III/2024 thì cho thấy, căng thẳng địa chính trị toàn cầu đã duy trì sự quan tâm của nhà đầu tư ASEAN đối với vàng trong quý III/2024. Các nước Thái Lan, Indonesia và Malaysia đều ghi nhận mức tăng trưởng về nhu cầu vàng, trong khi tại Việt Nam lại giảm.

Trong quý III/2024, nhu cầu trang sức tại Việt Nam giảm 15% so với quý trước và giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Còn so với quý III/2023, nhu cầu vàng miếng của Việt Nam giảm 33% và so với cả năm 2023 là giảm 10%. Sự sụt giảm về nhu cầu vàng tại Việt Nam có thể là do giá vàng tăng mạnh làm hạn chế hoạt động mua mới.

Báo cáo cũng nêu rõ, tổng nhu cầu vàng thế giới đã tăng thêm 5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.313 tấn, ghi nhận mức tăng kỷ lục trong quý III. Lần đầu tiên trong lịch sử, tổng nhu cầu về vàng vượt hơn 100 tỷ USD do các khoản đầu tư mạnh mẽ trong bối cảnh giá vàng tăng cao kỷ lục.

Giá vàng tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục trong quý III, đạt mức trung bình 2.474 USD/ounce, khiến nhu cầu toàn cầu đối với vàng trang sức sụt giảm. Tổng mức tiêu thụ vàng trang sức giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái về khối lượng, nhưng tăng 13% về giá trị, cho thấy người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm vàng có khối lượng ít hơn.

Bà Louise Street - Nhà phân tích thị trường cấp cao tại Hội đồng Vàng thế giới - nhận định: Tâm lý “sợ bỏ lỡ” trong giới đầu tư là yếu tố chính làm tăng nhu cầu vàng trong quý này. Nhiều nhà đầu tư vẫn muốn mua vào khi giá vàng tăng.

Theo dự báo trong thời gian tới, nhu cầu đầu tư vàng vẫn duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, triển vọng nền kinh tế sẽ là yếu tố có thể làm thay đổi tình hình.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI