Giá USD tăng, doanh nghiệp càng thêm khó

27/03/2025 - 07:41

PNO - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa niêm yết giá USD bán ra ở mức 26.039 đồng/USD, tăng 589 đồng so với đầu năm 2025 và cao hơn 1.000 đồng so với cách đây 1 năm. Giá USD tăng gây thêm nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Chi phí tăng, lợi nhuận giảm

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM - cho biết, về lý thuyết, giá USD tăng sẽ có lợi cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nhưng trên thực tế, cả DN xuất khẩu lẫn nhập khẩu đều gặp bất lợi.

Ông lý giải, 70 - 80% nguyên liệu trong ngành dệt may là nhập khẩu, chi phí vận tải cũng tính bằng USD, lãi suất vay cũng bằng USD nên khi giá USD tăng, các chi phí này đều tăng, khiến lợi nhuận giảm. “Có DN dự toán nhập khẩu nguyên liệu khoảng 5 tỉ đồng, nhưng nay USD tăng giá, tiền nhập khẩu nguyên liệu tăng lên 5,3-5,4 tỉ đồng. Cũng do giá USD tăng nên các đối tác nhập khẩu yêu cầu DN giảm giá đơn hàng. DN nào không chấp thuận giảm giá thì khó giữ được đối tác” - ông nói.

Biến động tỉ giá đang gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp ngành dệt may (ảnh chụp tại Công ty May Sài Gòn 3)
Biến động tỉ giá đang gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp ngành dệt may (ảnh chụp tại Công ty May Sài Gòn 3)

Ông Phạm Hải Long - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Agrex Saigon - cho rằng, khi tỉ giá tăng, DN xuất khẩu có thể hưởng lợi nhưng điều này có thể gây bất lợi cho đối tác nước ngoài. DN xuất khẩu đơn hàng trị giá 10 triệu USD, nhờ chênh lệch tỉ giá mà lợi nhuận có thể tăng thêm 3-5 tỉ đồng so với lúc tỉ giá chưa tăng. Tuy nhiên, mức tăng này có thể làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường quốc tế nên chưa chắc DN Việt hưởng được lợi.
Theo ông, nếu tỉ giá biến động quá lớn, DN xuất khẩu thực phẩm cũng sẽ gặp khó khăn trong việc hạch toán và dự đoán dòng tiền, bởi phải giảm giá xuất khẩu, tăng thu mua nguyên liệu. Do đó, việc duy trì ổn định tỉ giá là rất quan trọng trong bối cảnh đơn hàng giảm. Tỉ giá ổn định như giai đoạn trước dịch COVID-19 sẽ mang lại lợi ích cho cả DN trong nước lẫn đối tác nước ngoài.

Ông Trần Như Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Dệt may, Đầu tư và Thương mại Thành Công - cho biết, công ty ông cũng gặp áp lực tài chính do biến động tỉ giá, buộc phải cân bằng giữa tỉ lệ vay nội tệ và ngoại tệ ở mức 50/50. Theo ông, trước đây, khi tỉ giá ổn định, lãi suất vay ngoại tệ thấp hơn, tỉ trọng vay ngoại tệ của DN luôn cao hơn. Còn hiện tại, lãi suất vay tiền đồng Việt Nam cao hơn nhiều so với ngoại tệ nhưng DN vẫn quyết định giảm vay ngoại tệ để tránh rủi ro về tỉ giá.

Mong được hỗ trợ thủ tục, lãi suất

Kỹ sư Trương Quốc Hùng - Chủ nhiệm Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại Tấn Thành - thông tin, trước đây, hợp tác xã chủ yếu vay bằng tiền USD bởi lãi suất thấp hơn vay bằng tiền đồng, chỉ trong mức 4 - 5,5%/năm. Nhưng hiện nay, hợp tác xã cũng phải giảm tỉ lệ vay tiền USD. Khi tăng tỉ lệ vay tiền đồng, điều bất lợi là lãi suất vay khá cao. Chẳng hạn, lãi suất vay ngắn hạn diện ưu tiên là 5,5 - 6,6%/năm nhưng điều kiện vay quá khó nên các xã viên đành chấp nhận vay của các ngân hàng thương mại với lãi suất 8 - 11%/năm. Sức mua hàng hóa giảm, lãi suất vay cao nên các DN, hợp tác xã ngày càng hụt hơi. Do đó, việc giảm lãi suất cho vay bằng tiền đồng sẽ hỗ trợ họ rất nhiều.

Tiến sĩ Phan Phương Nam - Phó trưởng khoa Luật Thương mại, Trường đại học Luật TPHCM - nhận định, tỉ giá hối đoái là một công cụ quan trọng để Ngân hàng Nhà nước điều tiết thị trường. Việc điều chỉnh tỉ giá trong thời gian gần đây của cơ quan này có thể xuất phát từ các yếu tố khách quan của thị trường thế giới. Điều chỉnh tỉ giá có thể để hạn chế nhập siêu, nhất là khi nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có giá trị gia tăng không cao. Bên cạnh đó, việc này cũng tạo điều kiện cho người dân bán USD với tỉ giá tốt hơn, khuyến khích họ đưa vốn vào nền kinh tế.

Theo ông, việc ứng phó với biến động tỉ giá là một thách thức lớn đối với DN, thường khiến họ rơi vào thế bị động, thậm chí là lỗ nặng. Như trong năm 2022-2023, có DN lỗ hàng chục, hàng trăm tỉ đồng do giá USD tăng quá cao. Để giảm rủi ro, DN có thể dự trữ ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu trước đó hoặc ký kết các hợp đồng dài hạn. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có đủ tiềm lực tài chính để làm được điều này. Nhiều DN đang phải đối mặt với khó khăn do đơn hàng nội địa lẫn xuất khẩu đang giảm, lãi suất vay cao, thiếu vốn, các thủ tục hành chính còn phức tạp.

Cũng theo tiến sĩ Phan Phương Nam, để giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, DN cần tái cơ cấu chiến lược kinh doanh. Tuy nhiên, việc này rất khó nếu chỉ dựa vào nỗ lực tự thân của DN. Nhiều DN đang chật vật trả nợ các khoản vay trước đây và bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh. Không ít chủ DN đã phải thế chấp tài sản cá nhân để vay vốn tiêu dùng hoặc vốn để đầu tư cho DN.

Ông đề xuất, các cơ quan quản lý có giải pháp giúp DN giảm thời gian và chi phí liên quan đến thủ tục hành chính, các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hoặc giảm lãi suất cho các DN có lịch sử tín dụng tốt để hỗ trợ DN trong giai đoạn khó khăn này.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI