Giá USD liên tục tăng có kéo giá sữa tăng theo?

30/06/2018 - 06:00

PNO - Giá USD vượt mốc 23.000 đồng/USD và theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, sẽ tiếp tục tăng 1 - 3% từ nay đến cuối năm.

Điều này tác động mạnh đến giá nguyên liệu đầu vào, sản phẩm nhập khẩu và người tiêu dùng đang lo sẽ có một đợt tăng giá sữa theo đà tăng giá USD.

Ngày 28/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ (USD) ở mức 22.655 đồng (tăng 15 đồng); tỷ giá tham khảo tại sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước hiện mua vào ở mức 22.700 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.299 đồng (tăng 15 đồng).

Sau khi USD tự do trên thị trường vượt mốc 23.000 đồng/USD thì nay đến lượt giá USD giao dịch tại các ngân hàng thương mại cũng đang tiệm cận ngưỡng này. Đầu giờ sáng 28/6, một số ngân hàng thương mại giữ tỷ giá ngoại tệ đồng USD không đổi so với cuối phiên liền trước, phổ biến ở mức 22.905 đồng (mua) và 22.975 đồng (bán).

So với trước tết, giá USD trong hệ thống ngân hàng tăng 215 - 245 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Giá USD trên thị trường chợ đen hiện ở mức 23.050 - 23.080 đồng/USD.

Gia USD lien tuc tang co keo gia sua tang theo?
 

Theo tiến sĩ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, tỷ giá USD từ nay đến cuối năm sẽ còn tăng cao, dự báo có thể tăng từ 1 - 3%. “Đây là biến động mạnh so với năm ngoái do những nguyên nhân chủ quan, khách quan. Tỷ lệ lạm phát có khả năng tăng cao hơn năm ngoái, giá trị tiền đồng giảm đi so với các đồng tiền khác, nên giá USD sẽ tăng.

Bên cạnh đó, nếu nhập siêu tiếp tục tăng, cũng sẽ đẩy giá USD tăng. Ngoài việc Cục dự trữ liên bang Mỹ đánh tiếng sẽ tiếp tục tăng lãi suất lần hai thì tác động từ xung đột thương mại giữa Mỹ và các nước sẽ ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, ngành nhôm, thép chịu thuế tới 25%, thu nhập ngoại tệ qua xuất khẩu giảm sẽ tạo áp lực lên tỷ giá USD” - tiến sĩ Hiếu phân tích.  

Trước tác động tăng giá đồng USD, các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Nếu tỷ giá USD tăng 1 - 3% trong khi tất cả nguyên liệu đầu vào của DN đều nhập khẩu, lợi nhuận của DN sẽ giảm nếu không thể tăng giá đầu ra. Đặc biệt, đối với những DN có mức lợi nhuận thấp, mức lợi nhuận giảm xuống dù chỉ 1% cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến DN. 

Lo giá sữa tăng theo

Thông tin từ các siêu thị Co.opmart, Lotte Mart, Big C cho hay, hiện giá mặt hàng sữa vẫn ổn định, chưa có thông báo từ nhà cung cấp về việc tăng giá sữa do giá USD tăng.  

Ông Đỗ Thanh Tuấn - Giám đốc đối ngoại Tổng công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) - cho biết, tỷ giá USD tăng đã làm cho chi phí nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào tăng, trong đó có nguyên liệu bột sữa. Công ty đang tiếp tục theo dõi biến động tỷ giá ngoại tệ để có kế hoạch sử dụng nguồn ngoại tệ thanh toán một cách hợp lý, nhằm hạn chế mức chi phí tăng làm ảnh hưởng đến giá bán sản phẩm.

Sự tác động của giá USD đến giá đầu vào đối với các sản phẩm nhập khẩu khá rõ ràng, nhưng người tiêu dùng (NTD) đang vừa lo vừa hy vọng các DN nhập khẩu, nhà bán lẻ lớn sẽ có biện pháp bình ổn giá thị trường, khi mà sữa luôn được xếp vào nhóm dễ biến động giá nhất sau mỗi đợt tăng giá USD, xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào.

Đại diện Công ty NutiFood cũng cho biết “luôn cố gắng giữ giá như hiện tại để không ảnh hưởng đến NTD và cũng mong Chính phủ có những chính sách ổn định tỷ giá như những năm qua”.

Theo ông Đoàn Diệp Bình - Trưởng phòng Truyền thông và thương hiệu Lotte Mart - khi nhà cung cấp đề nghị tăng giá sữa, Lotte Mart sẽ rà soát kỹ lý do tăng, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của NTD. Siêu thị chỉ chấp nhận tăng giá khi thị trường đã tăng hoặc có lý do chính đáng phù hợp, như giá xăng dầu tăng, nguyên vật liệu đầu vào tăng… và bàn bạc với nhà cung cấp để kìm giá trong vòng 30 ngày trước khi tăng giá. 

Ông Nguyễn Anh Đức - Phó tổng giám đốc thường trực Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) - cũng cho biết, thông thường, siêu thị Co.opmart ít khi tăng giá sữa vì hầu hết các đơn vị cung cấp ngay từ đầu đều có cam kết không tăng giá khi đưa hàng vào siêu thị.

Đối với những trường hợp đặc biệt bắt buộc phải tăng giá, căn cứ trên những thông tin mà nhà cung cấp đưa ra, siêu thị sẽ phân tích và đánh giá từng trường hợp cụ thể. Nếu có tăng giá, lộ trình tăng thường trung bình từ 1 - 3 tháng tùy từng dòng sản phẩm.

“Thông thường, nếu có biến động về giá, siêu thị và nhà cung cấp sẽ bắt tay cắt giảm lợi nhuận để giá sữa không bị đẩy lên cao. Đây là chủ trương và là cam kết ngay từ đầu. Ngoài ra, hiện hệ thống siêu thị Co.opmart cũng tham gia phân phối 9 nhóm hàng thiết yếu bình ổn giá để can thiệp thị trường và hỗ trợ NTD, trong đó có một số sản phẩm thuộc nhóm sữa” - ông Đức nói. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI