Các bộ phim giả tưởng về tận thế, thiên tai, dịch bệnh thì khốc liệt vô cùng so với tình trạng sống chậm dần, phong tỏa và cách ly đang là xu hướng trên toàn cầu. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, các nhà làm phim với trí tưởng tượng “ngoại cảm” đã tiên đoán được tương lai, nhìn thấy viễn cảnh xám xịt nếu loài người không biết trân trọng mẹ Trái đất.
Năm 2008, đạo diễn tài hoa người Mỹ gốc Ấn, M. Night Shyamalan đã kể một câu chuyện kỳ lạ về dịch bệnh càn quét khắp thế giới qua bộ phim The happening (Thảm họa toàn cầu).
Dịch bệnh đó đi tới đâu sẽ biến hàng ngàn người trở thành thây ma vô tri và tự sát bằng mọi cách. Loài người trở nên mong manh, yếu ớt trước thảm họa. Họ nhận ra rằng mặt trái của công nghệ hiện đại vượt bậc đã vô tình mở ra cánh cửa mà đằng sau đó, có rất nhiều điều bí ẩn vượt khả năng đối phó của con người. Giống như hiện tại, virus corona chủng mới cũng khiến giới y học ngơ ngác và chậm một bước trong cách phòng ngừa, điều trị.
|
Loài người trở nên mong manh và yếu ớt trước thảm họa (The happening - Thảm họa toàn cầu) |
Một số nghiên cứu cho rằng việc lây lan virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ loài dơi và từ một chợ bán động vật hoang dã. Thiên nhiên đã có cách đáp trả với việc săn bắt, tận diệt động vật hoang dã giống như cách thiên nhiên đã trừng phạt loài người trong The happening. Và nếu chúng ta không chấm dứt các hoạt động làm tổn hại thiên nhiên, sẽ còn nhiều kịch bản đáng sợ hơn nữa tiếp nối The happening.
Trailer phim The happening:
The Flu (2013) - đến từ các nhà làm phim Hàn Quốc, còn có cái nhìn tiên tri “lạnh người” hơn về dịch cúm giết người khủng khiếp. The Flu như một phiên bản COVID-19 hiện tại nhưng thảm khốc hơn, dữ dằn hơn. Nếu dịch bệnh xuất hiện ở vài chục năm trước có thể đơn giản và dễ dàng dập tắt, thì nay, với hệ thống giao thông hiện đại biến trái đất trở nên phẳng hơn bao giờ hết, mọi người có thể đi khắp nơi như con thoi thì nó lại bùng phát kinh khủng ở thế kỷ XXI.
|
Ra mắt năm 2013 nhưng The Flu có nhiều chi tiết tương đồng với những gì đang xảy ra ở đại dịch COVID-19 |
Dịch cúm trong phim The Flu thật đáng sợ, nhưng đáng sợ hơn là nhân tính sụp đổ trên bờ vực tử vong. The Flu khiến trái tim khán giả thắt lại khi cái chết không đáng sợ bằng việc con người mất hết nhân tính, không còn những giới hạn đạo đức, luân lý; lòng nhân ái chỉ còn lại đống tro tàn.
Những ngày gần đây, việc người trẻ, người giàu có vơ vét thực phẩm trong các siêu thị, bỏ mặc người già đứng khóc ròng trước hàng kệ trống rỗng, là một tiếng chuông cảnh báo về nhân tính. Nếu mức độ thảm họa của dịch bệnh tăng lên, có lẽ chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều câu chuyện cuộc đời còn kinh khủng hơn cả trong phim.
Tiếp nối The Flu (2013), vào năm 2016, điện ảnh Hàn Quốc có thêm siêu phẩm Train to Busan (Chuyến tàu sinh tử) cũng khắc họa khốc liệt tính thiện – ác của loài người khi đứng trước dịch bệnh, chết chóc.
Trailer phim Train tu Busan:
Tất nhiên, trí tưởng tượng siêu hạng của các nhà làm phim không khoanh vùng trong việc cảnh báo thảm họa mà còn cho thấy nhiều điều thú vị khác. Năm 1998, danh hài Jim Carey của Mỹ đã xuất sắc thủ vai chính trong bộ phim The Truman show. Bộ phim là lời tiên đoán trước cho các chương trình truyền hình thực tế đang nở rộ ngày hôm nay.
Vào năm 1998, Truman không hề biết cuộc đời của mình lại trở thành một show diễn cho hàng triệu khán giả cười nói, bàn tán, châm biếm. Nhưng hơn 10 năm trở lại đây, đã có biết bao người khao khát được phơi bày cuộc sống, cá tính, suy nghĩ của mình một cách công khai trên truyền hình, mạng xã hội.
Truman show là một show thực tế vì Truman không hề biết mình đang bị ghi hình mà anh thật sự đang sống-là-chính-mình. Còn các show mang tính thực tế hiện nay thì các nhân vật đều ý thức mình đang được ghi hình, nên họ “diễn” rất đạt theo yêu cầu của nhà sản xuất nhằm tạo ra các cuộc giật dây cảm xúc khán giả, để câu view, rating…
Sẽ không có một Truman show đích thực ngoài đời mà tất cả chỉ là những “Truman show” nhái, hàng fake, phiên bản lỗi. Các nhà làm phim The Truman show đã tiên đoán trước khao khát của khán giả được theo dõi đời sống riêng tư với đầy đủ hỉ nộ ái ố của một con người. Tuy nhiên, với khán giả hiện nay, câu chuyện thực tế của nhân vật lại không hấp dẫn bằng những chiêu trò giả tạo mà các nhà sản xuất cố tình tạo ra.
|
The Truman show đã tiên đoán khao khát của khán giả được theo dõi đời sống riêng tư với đầy đủ hỉ nộ ái ố của một con người. |
Hiện nay, các sản phẩm công nghệ như điện thoại thông minh, AI, smart home, robot… giống như bước ra từ các bộ phim giả tưởng vài chục năm trước. Và Face/Off - Đổi Mặt được sản xuất vào năm 1997 đã từ rất sớm tiên đoán được sự tiến bộ vượt bậc của ngành phẫu thuật thẩm mỹ với hai ngôi sao hành động John Travolta, Nicolas Cage.
Ngày nay, việc tội phạm phẫu thuật chỉnh ngoại hình, thậm chí giới tính để qua mặt cơ quan chức năng là chuyện không còn lạ lẫm. Nhưng hơn 20 năm trước, điều này là một ý tưởng điên rồ và thú vị. Dù là một bộ phim hành động, hình sự nhưng Face/Off vẫn khiến khán giả trăn trở với câu hỏi: đâu mới là bản sắc của một con người, gương mặt hay tâm hồn?
Ngày nay, câu chuyện cười về phẫu thuật thẩm mỹ vẫn còn được lan truyền: một người hỏi bác sĩ thẩm mỹ, mình nên sửa bộ phận nào trên gương mặt thì nhận được câu trả lời: bạn nên sửa cái nết của bạn.
Phim giả tưởng là dòng phim rất ăn khách vì ngoài yếu tố mới lạ còn dự báo rất nhiều điều tưởng chừng điên rồ, nhưng thời gian lại chứng minh nó vô cùng minh triết. Đừng để nước tới chân mới nhảy chính là thông điệp các bộ phim giả tưởng muốn nhắc nhở chúng ta, nếu muốn gìn giữ cuộc sống luôn tốt đẹp.
Đồng Tháp