Nước ta là một nước nông nghiệp với khoảng 75% dân số sống ở nông thôn - điều này ai cũng biết. Nhưng người nông dân vẫn còn nghèo - là một thực tế, với thu nhập bình quân khoảng 32 triệu đồng/năm. Sản phẩm đơn điệu - đúng vậy, xuất khẩu nông lâm sản chỉ chiếm 9,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
|
Nông sản và sản phẩm nông nghiệp cao cấp xuất khẩu |
Thế cho nên trong chiều hướng đẩy mạnh tốc độ phát triển nông nghiệp, từng thời kỳ chúng ta có nhiều nghị quyết. Hằng năm có nhiều hội nghị bàn về “thuận lợi và khó khăn” như một điệp khúc, để rồi cuối cùng “rủi ro và thách thức” cũng được hóa giải qua những con số đẹp của ngành thống kê.
Kinh tế nông nghiệp của nước ta từ sau năm 1975 mang nặng tư duy cây lúa. Điều này cũng dễ hiểu, bởi trong thời gian khá dài, tình hình thiếu đói đã ám ảnh triền miên khiến cây lúa trở thành cứu tinh đến mức nhiều vùng chặt bỏ cây ăn trái và cây lưu niên để trồng lúa, trong đó có vùng Đồng Tháp Mười.
Cho nên có lời than vãn trong giới chuyên gia thời ấy rằng, đổi thực phẩm lấy lương thực là có tội vì tất cả gánh nặng về cái ăn đặt lên đôi vai gầy của người nông dân, đặc biệt là nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của cả nước luôn chịu thua thiệt.
Tư duy cây lúa được lớp trung gian làm giàu trên mồ hôi của người nông dân tán đồng, đó là những tổng công ty lương thực quốc doanh làm xiếc nhảy múa trên giá cả thu mua lúa gạo, lại được sự tiếp tay của các nhóm lợi ích. Có năm người nông dân than không có tiền ăn tết, trong khi tiền thưởng cuối năm ở các tổng công ty này rất cao.
Tất nhiên, vấn đề nào cũng có hai mặt, tư duy cây lúa đã giúp Việt Nam trở thành nước xuất gạo thuộc hàng đầu thế giới, đủ để nuôi dưỡng niềm tự hào dù kim ngạch tuyệt đối không cao. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2017 có nhiều thuận lợi, chúng ta xuất khẩu 5,79 triệu tấn gạo, thu được 2,52 tỷ USD, thấp hơn nhiều các sản phẩm nông nghiệp khác. Điều này cho thấy, làm nông nghiệp mà bám vào cây lúa thì đất nước không giàu được.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông nông thôn Nguyễn Xuân Cường trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí gần đây tỏ ra vui mừng cho biết, hiện nay chúng ta đã có 10 loại nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, tất nhiên trong đó có gạo. Sao lại có thể bằng lòng với con số khiêm tốn ấy, phải chăng tư duy cây lúa đã làm yếu đi tiềm lực nông nghiệp Việt Nam?
Thật ra, vai trò cây lúa bắt đầu mờ nhạt từ năm 2000 khi thời kỳ đói ăn đã vĩnh viễn chấm dứt, người nông dân đã bắt đầu phát triển mạnh các loại cây ăn trái và cây công nghiệp kiếm được thu nhập cao hơn. Vào thời kỳ ấy, sức cạnh tranh trên thị trường lúa gạo thế giới đã trở nên gay gắt vì có thêm nhiều nước tham gia, hơn nữa khách hàng chủ lực là các nước nghèo nên giá gạo bán được không cao.
Trong khi đó, trồng lúa luôn phải đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu gây lũ lụt bất thường, lại thu hút một lực lượng lao động quá lớn để rồi xảy ra tình trạng nông nhàn lãng phí khi mùa vụ qua đi. Thế thì tại sao chúng ta lại gánh vác cái ăn cho thế giới mà không dành cho việc phát triển các ngành nghề có tính thời thượng hơn?
Thời đại công nghệ cao tạo cơ hội cho nông nghiệp của chúng ta không chỉ đổi thay cơ cấu cây trồng với nhiều loại đặc sản mà còn mở ra một hoạt động đang có thị trường lớn, đó là sản xuất hạt giống. Chẳng hạn như lúa giống chất lượng cao, nhu cầu thị trường mấy năm trước chỉ vào khoảng 10 tỷ USD thì nay đã tăng gấp đôi.
Việt Nam với điều kiện thổ nhưỡng vùng nhiệt đới có thể sản xuất hạt giống các loại cây ăn trái cho nhiều nước. Rau quả và hoa tươi cũng là một tiềm năng khi nhu cầu nhập khẩu trên thế giới hiện cả trăm tỷ đô la.
Hay như sản phẩm nông nghiệp cao cấp là gỗ nội thất, theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh, nhu cầu trên thị trường thế giới vẫn tăng đều với giao dịch vài trăm tỷ USD mỗi năm nhưng Việt Nam vốn có thế mạnh về ngành hàng này cũng chỉ mới chiếm 6% thị phần.
Dự báo kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ nội thất Việt Nam năm nay khoảng 8,9 tỷ USD, năm 2019 sẽ là 10,1 tỷ, năm 2020 sẽ lên đến 11,2 tỷ USD, dự báo này dựa trên năng lực và các hợp đồng đã được ký kết.
Ngành trà xuất khẩu Việt Nam đứng hàng thứ 5 trên thế giới, cũng là tiềm năng lớn khi có mặt trên các thị trường khó tính nhất từ Á sang Âu. Ngành này đang giải quyết công ăn việc làm cho hơn 30 triệu lao động, một con số không mấy người biết đến, đây là một giá trị không nhỏ trong nông nghiệp.
Nhìn chung, tiềm năng nông nghiệp Việt Nam thì rất nhiều, giã từ tư duy cây lúa đang là xu hướng, nhưng có cái khó hơn là đổi thay cung cách làm ăn của chúng ta. Một vài câu chuyện được các chuyên gia nông nghiệp kể lại cho thấy nông dân chúng ta làm ăn còn tùy tiện, chưa có tính khoa học, tạm gọi như thế.
Một công ty Nhật đặt hàng nhập dưa chuột loại mini với kích thước cụ thể dài 18cm, đường kính 2cm. Chúng ta cung cấp sản phẩm kích thước lớn hơn chỉ vài milimet thôi và cho rằng như vậy là có lợi cho đối tác, nhưng người ta không chịu nhận hàng. Lý do là không đúng chuẩn đóng bao bì bán ở các siêu thị, nơi mà người Nhật không có nhiều thì giờ chọn lựa. Chuyện nhỏ nhưng là vấn đề lớn khi làm ăn với bên ngoài.
Về mặt đầu tư cho nông nghiệp cũng lãng phí, thiếu hiệu quả. Các viện nghiên cứu về cây lúa rất nhiều, trong khi nghiên cứu về cây công nghiệp lại quá ít. Hay như mới đây chính phủ chi 100 tỷ đồng cho chương trình sử dụng nông nghiệp công nghệ cao nhưng không biết số tiền này chạy về đâu, không thấy kết quả cụ thể là những gì.
Trong khi đó, chỉ cần khoảng 5 triệu USD đã có thể mua được một bản đồ nông nghiệp do vệ tinh của các nước cung cấp, không chỉ giúp phân tích đặc tính đất đai từng vùng, mà còn điều phối nguồn nước tưới tiêu và bón phân tự động trên diện tích rộng, điều mà hầu hết nông dân đang làm bằng tay rất vất vả và mất nhiều thời gian.
Nhiều người đang nói đến việc ứng dụng thành tựu của nông nghiệp 4.0 (tức ứng dụng công nghiệp 4.0 vào nông nghiệp) để giảm thiểu công lao động, hạ giá thành sản phẩm. Nhưng đó cũng chỉ mới là giấc mơ bay bổng khi mà những vấn đề của nông nghiệp trên mặt đất vẫn còn ngổn ngang.
Yên Minh