Gia trưởng và... “thầy cãi”

01/11/2014 - 07:00

PNO - PN - Một bên chỉ thích lên án, chỉ trích, kết tội. Một bên không biết lắng nghe, lại ưa lý sự. Bên nào cũng cho rằng mình đúng, vì thế mà họ “va đập” nhau như hai chú dê đen - trắng không chịu nhường bước khi cùng qua một cây...

edf40wrjww2tblPage:Content

Gia truong va... “thay cai”

CHUYỆN ĐÀN BÀ!

Chồng (đi uống cà phê về): Trời! Nhà cửa gì mà như cái chuồng heo vầy nè! Cứ bày ra rồi không chịu dọn dẹp gì ráo, thấy mà... mắc ớn.

Vợ: Mắc ớn thì dọn đi, la chi cho mệt? Sáng giờ bận làm đồ ăn cho tụi nhỏ, chưa kịp dọn đó.

Chồng: Trời đất! Mấy cái chuyện đàn bà này mà phải chờ tui nữa hả?

Vợ: Chẳng có chuyện đàn bà, đàn ông gì hết! Ai rảnh là làm. Anh không thấy tui quay suốt ngày, bữa nào cũng phải đi làm trễ sao?

Chồng: Không rảnh thì kêu mấy đứa nhỏ phụ, tập làm cho quen. Không biết dạy con hả? Con cái lớn rồi mà không biết làm gì hết. Đúng là con hư tại mẹ!

Vợ: Tụi nhỏ đi học rồi! Học suốt ngày, ăn còn không kịp... Anh có khi nào dòm ngó tới con cái, xem tụi nó học hành ra sao đâu. Cuối năm con được học sinh giỏi thì nở mày nở mặt, khoe tùm lum, còn điều gì không vừa ý thì đổ thừa tại mẹ.

Chồng: Thì đúng rồi! Chuyện con cái, nhà cửa là chuyện đàn bà, chẳng lẽ tui phải... “nhúng tay” vào nữa sao? Mà nè, (gằn giọng) nói cho mà biết, chồng nói thì cứ im mà nghe. Hở cái là cãi, chẳng ra cái thể thống gì hết...

Vợ (lầm bầm): Đúng là gia trưởng! Khoái nghe “gọi dạ, bảo vâng” sao hồi đó không kiếm người dại dại, khờ khờ một chút mà cưới...

Chồng (trừng mắt, quát): Có im ngay cái miệng lại không?

Gia truong va... “thay cai”]

“BÌNH ĐẲNG”

Chồng (đang vui): Tại sao mỗi lần trả lời anh em không dạ mà cứ ơi, ừ, hả, hử... nghe không có cảm tình chút nào hết.

Vợ (liếc, cười): Bình đẳng mà! Bằng tuổi người ta thôi mà cứ thích làm... “lớn”! Được kêu bằng anh là đã “lời” lắm rồi đó.

Chồng: Sao em cố chấp quá, chồng kêu vợ dạ thì có mất mát gì đâu. Nhất là những lúc nhà có khách, em làm anh mắc cỡ với người ta.

Vợ: Thì... tại em quen rồi! Mà mắc cỡ gì chứ? Nói mới nhớ, chính anh làm em mắc cỡ thì có. Cứ nhè lúc có khách là lớn tiếng với vợ. Anh còn nhớ bữa về quê đám giỗ ông nội không? Cần gì thì nhắc nhỏ người ta một tiếng, có đâu mà quát nạt như quát người ở không bằng! Muốn người ta tôn trọng mình thì mình phải biết tôn trọng người ta chứ...

Chồng (bực mình): Nhà đông khách, bận rộn đủ thứ mà không chịu dòm ngó gì hết. Cứ lo nhiều chuyện, ai mà không nổi điên!

Vợ: Lâu ngày gặp chị em cũng phải hỏi han, chuyện trò chút xíu, không người ta lại nói tui ở thành phố về chảnh, chẳng biết hỏi han ai. Mà muốn gì thì từ từ nói, cứ phải quát nạt mới được sao? Thiệt là bất lịch sự...

Chồng: Đã nói bao nhiêu lần rồi, nhà có công có chuyện, lâu lâu về quê, chịu khó nhìn ngó mà xáp vô. Con gái quê tui ai cũng đảm đang, nhà có khách là quán xuyến trong ngoài đâu ra đó.

Vợ: Vậy sao? Gái quê anh giỏi vậy sao hồi đó không cưới vợ quê cho khỏe?

Chồng: Thì cũng tại cái duyên cái số. Con gái quê tui vừa giỏi, vừa hiền, lại chả bao giờ... “lý sự” này nọ.

Vợ: Tiếc quá ha! Phải chi hồi đó anh an phận ở nhà mà cưới gái quê, biết đâu tui gặp được người đẹp trai, tài giỏi lại biết cưng vợ con, chẳng bao giờ lớn tiếng quát nạt.

Chồng: Ờ... ờ... Chuyện gì cũng ăn thua đủ! Sao hồi đó không học làm “thầy cãi” mà cãi cho sướng miệng?

Vợ: Vợ chồng bình đẳng mà, anh nói được mà không cho người ta nói là sao. Ở nhà tui, cha mẹ con cái đều “dân chủ”.

Chồng (quắc mắt): Nhà cô khác, nhà này khác... Mà có im ngay không! Chỉ được cái... già mồm!

***

Cuộc khẩu chiến của vợ chồng nhà này luôn được kết thúc bằng sự áp đặt của người chồng gia trưởng, trong khi cô vợ là mẫu người ưa lý sự, không quen nín nhịn, luôn cảm thấy ấm ức vì bị chèn ép.

Chợt nghĩ, hai con người sống trong môi trường, điều kiện, hoàn cảnh và nếp gia đình khác nhau, về sống chung dưới một mái nhà chắc chắn không tránh khỏi những va chạm, thậm chí đụng nhau nảy lửa. Tìm được người bạn đời “mười phân vẹn mười” hoặc hợp nhau hoàn toàn là điều không thể. Nhưng người ta thường bảo “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, hiểu nhau, chấp nhận nhau, cùng bớt dần đi cái tôi để từ từ hòa hợp nhau hơn, là việc hoàn toàn có thể làm được. Vấn đề là mỗi người trong cuộc phải biết tự cố gắng.

 HOÀI THU

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI