Phó giáo sư - tiến sĩ Lê Ngọc Văn (Viện Xã hội học) là chủ nhiệm đề tài này và cũng là người đi tiên phong trong khoa học nghiên cứu hạnh phúc tại Việt Nam sẽ trò chuyện với độc giả Báo Phụ Nữ TPHCM nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2021).
Phóng viên: Hạnh phúc thuộc về cảm nhận của mỗi người, là khái niệm có vẻ “động”, không ngừng biến đổi. Bộ tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc vừa đề xuất có độ bền và độ phủ như thế nào, thưa phó giáo sư?
-Phó giáo sư - tiến sĩ Lê Ngọc Văn: Khi khảo sát, chúng tôi không hỏi câu chung chung “gia đình bạn có hạnh phúc không?” mà đưa ra khung phân tích bao trọn khái niệm hạnh phúc gia đình với 32 tiêu chí cụ thể thuộc ba lĩnh vực: đời sống kinh tế, vật chất và thể chất; các mối quan hệ gia đình và xã hội; đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh tín ngưỡng.
Độ bền của kết quả này tùy thuộc vào sự phát triển của thành phố. Ở vào những giai đoạn phát triển khác nhau thì quan niệm và mức độ hạnh phúc có thể khác nhau, nhưng khung phân tích thì không thay đổi. Nghiên cứu này ở TPHCM vào năm 2020, nhưng về sau khi nghiên cứu lặp lại, TPHCM vẫn có thể sử dụng khung phân tích này. Và các tỉnh, thành khác có thể tham khảo.
* Ông bà ta thường nói “có thực mới vực được đạo”, theo kết quả nghiên cứu, những người giàu thì nắm chắc phần hạnh phúc không?
- Trong ba lĩnh vực thì đời sống kinh tế, vật chất và thể chất được đánh giá là quan trọng nhất. Và, có tới 75,9% người khẳng định đây là nhóm tiêu chí gây ra nhiều đau khổ, bất hạnh nhất nếu không được đáp ứng. Công ăn việc làm, thu nhập, nhà ở, ăn mặc, phương tiện đi lại… là cơ sở nền tảng, đầu tiên của hạnh phúc gia đình.
Khi mới bắt tay vào nghiên cứu, tôi nghĩ TPHCM phát triển như thế, yếu tố vật chất tương đối tốt thì mức độ quan tâm về vật chất sẽ không cao nhưng kết quả lại khác. Vật chất vẫn rất quan trọng và TPHCM vẫn nằm trong quỹ đạo chung của đất nước đang trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tuân theo quy luật “tăng vật chất thì sẽ tăng hạnh phúc rất nhanh”.
Phỏng vấn sâu, một số chủ tiệm tạp hóa, cửa hàng dịch vụ ăn uống, cắt tóc… khẳng định nếu không có tiền dự trữ thì sẽ không có hạnh phúc. Họ cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19, gia đình đã tiêu hết tiền, vét sạch nguồn dự trữ, thậm chí phải đi vay để mà ăn.
Tương quan giữa tiền bạc và hạnh phúc tùy quan niệm của mỗi người. Người thì bảo có tiền mới có hạnh phúc, cố gắng kiếm tiền và kiếm thật nhiều tiền. Những người khác cho rằng, suy cho cùng tiền bạc, vật chất cũng chỉ là phương tiện sống chứ không phải mục đích cuối cùng của cuộc sống. Nghiên cứu cho thấy tiền rất quan trọng nhưng không là tất cả.
Nhiều nhóm xã hội, trong đó có nhóm học vấn cao, thu nhập cao, nhóm trí thức… ngoài vật chất họ còn quan tâm đến những tiêu chí khác: vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường trong lành, có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, chính quyền trong sạch, không tham nhũng, xã hội dân chủ, được cống hiến, đóng góp cho xã hội…
* Có cả hạnh phúc theo nghĩa “cho đi”?
- Nhiều người chỉ thấy cái lợi cho bản thân, những người khác lại thấy phải hài hòa, mình có lợi thì người khác cũng có lợi. Hạnh phúc không chỉ là thỏa mãn của bản thân mà còn đến từ sự chia sẻ về vật chất lẫn những giá trị tinh thần khác như kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm sống, tài năng, năng lực của mình để giúp thành viên trong gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, học trò… có được thành công trong cuộc sống. Khi mang lại thành công cho người khác là mình có một phần hạnh phúc trong đó rồi.
|
Gia đình anh Thái Huy và Ngọc Tuyên (Q.4, TPHCM) đi chơi cuối tuần -Ảnh: Hồ Nguyễn Hoàng Hùng |
* Thưa phó giáo sư, có phải rất khả quan khi tiêu chí “vợ chồng yêu thương, hòa thuận” được chọn đứng đầu với 87,2% trong lĩnh vực các mối quan hệ gia đình và xã hội?
- Con số này cho thấy chất lượng mối quan hệ vợ chồng mang tính cốt lõi trong đảm bảo hạnh phúc gia đình mà nền tảng của nó là giá trị truyền thống “hòa thuận” cần được giữ gìn, tiếp nối “thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn”. Điều đó thể hiện bản sắc Việt Nam, nêu cao giá trị gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Hòa thuận là thống nhất quan niệm, ý chí, hành động. Quan hệ vợ chồng phải xây dựng trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và nhường nhịn lẫn nhau.
Tuy nhiên, hạnh phúc của mỗi con người được xây dựng trên nhiều khía cạnh, đừng nghĩ chỉ vợ và chồng. Mối quan hệ vợ chồng không thành công thì bị ảnh hưởng nhưng không có nghĩa là mất hết hạnh phúc, bởi mỗi cá nhân là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Hạnh phúc như viên kim cương đa diện.
* Gia đình khuyết thiếu sao tránh bị thiệt thòi, “lề hóa” khi bình xét?
- Không phân biệt gia đình nào cả, cấu trúc gia đình không nên đưa ra làm tiêu chí để bình chọn. Có khi không đầy đủ vợ chồng… người ta lại hạnh phúc hơn đầy đủ thì sao? Ly thân, ly hôn cũng không phải xấu hay thất bại. Thậm chí, ly hôn với cuộc hôn nhân không hạnh phúc thì đấy lại là thành công. Thành công ở chỗ họ không chấp nhận cuộc hôn nhân nếu không có hạnh phúc và họ xây dựng cuộc hôn nhân khác để nó đúng với quan niệm hạnh phúc của mình hơn.
* Có người cho rằng hạnh phúc là chuyện riêng của mỗi gia đình nên phải tự phấn đấu, người khác lại nói cần có Nhà nước làm “bà đỡ”. Phó giáo sư có đề xuất gì để TPHCM trở thành thành phố đáng sống và hơn thế nữa, là thành phố hạnh phúc?
- Trong xã hội hiện đại, gia đình phụ thuộc vào Nhà nước rất nhiều với vai trò phân phối sản phẩm, an sinh xã hội, phúc lợi… Tuy nhiên, Nhà nước không thể mang lại hạnh phúc cụ thể, trực tiếp cho từng người mà bằng pháp luật, chính sách, chủ trương, Nhà nước tạo điều kiện, cơ hội hạnh phúc cho các cá nhân, còn hạnh phúc hay không là do ở mỗi người. Ví dụ Nhà nước cho vay tiền lãi suất thấp để phát triển sản xuất, nhưng cá nhân lại ăn chơi, đánh bạc hết thì chỉ bất hạnh thêm thôi.
Để người dân hạnh phúc hơn, TPHCM cần ưu tiên giải quyết các vấn đề: việc làm, giảm tệ nạn xã hội, nhà ở, chống ô nhiễm môi trường, chống ùn tắc giao thông, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cải thiện hệ thống dịch vụ xã hội, thời gian lao động hợp lý, chính quyền cần sâu sát với dân…
Đặc biệt, nếu TPHCM khuyến khích sinh 2-3 con/cặp vợ chồng là rất kịp thời để nâng mức sinh hiện quá thấp. TPHCM là vẫn còn nhiều phụ nữ muốn sinh con nhiều hơn nhưng không có điều kiện kinh tế vật chất. Thành phố cần dành nhiều ưu đãi hơn về chính sách nghỉ thai sản, y tế, nhà ở, học hành… để không đánh đổi quá đắt với hậu quả của già hóa dân số. Đến 5-10 năm nữa, “văn hóa sinh đẻ” thay đổi, người phụ nữ mất say mê sinh con thì mọi ưu tiên đổ dồn sẽ không còn ý nghĩa.
* Xin cảm ơn và kính chúc phó giáo sư - tiến sĩ Lê Ngọc Văn luôn vui khỏe, hạnh phúc.
Để tiếp tục hưởng ứng dự thảo Tiêu chí Gia đình Hạnh phúc, ban Hôn nhân gia đình mở chuyên mục Gia đình yêu dấu.
Mời bạn đọc chia sẻ những câu chuyện về gia đình thân yêu của mình, với những điều khiến bạn cảm thấy hạnh phúc.
Mong nhận được bài của các bạn qua địa chỉ: honnhangiadinh@baophunu.org.vn.
|
Tô Diệu Hiền (thực hiện)