Giá trị thật lên tiếng

26/01/2019 - 19:18

PNO - Giá trị của tác phẩm văn chương không thể tách rời với văn hóa, thời đại sống. Nhưng văn học hiện đại như đang rơi vào tình trạng ca tụng cái tôi cá nhân, nhất là với người cầm bút trẻ.

“Văn chương đã hết thời rồi sao?” - một nhà văn đã hốt hoảng hỏi như thế khi 2 năm rồi, giải thưởng từ các hội nghề nghiệp hầu như không tìm thấy tác phẩm hay để trao. Vậy mà, làng văn vẫn cứ ồn ào, toàn chuyện ngoài văn chương. Đến bao giờ mới trở lại được những vàng son thuở xưa của văn đàn, với bầu không khí sôi động, “nóng” nhờ những tác phẩm giá trị?

Gia tri that  len tieng

Ngày 22/1, Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức lễ trao tặng thưởng tác phẩm và kết nạp hội viên mới. Khép lại một năm của văn chương TP.HCM bằng một giải tôn vinh dành cho nhà thơ Lê Giang, vì những cống hiến của bà cho văn học và hai tặng thưởng cho nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh (tập thơ Những vàm sông đêm) và dịch phẩm Vàng trên biển đá đen (tác giả: Elena Pucillo Trương, dịch giả: Trương Văn Dân).

Giải thưởng chính thức cho văn xuôi và thơ đều bỏ trống, vì không tìm ra tác phẩm hay. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cũng thế. Điều đáng buồn vậy, nhưng có người nói: “Không có giải thưởng nhiều khi lại hay, đỡ phải nghe chuyện lùm xùm” (!). Từ bao giờ, người của văn chương lại xem việc mất mùa tác phẩm hay lại là sự… yên bình của làng văn?

Chỉ tính riêng Hội Nhà văn Việt Nam đã có hơn 1.000 hội viên. Cộng gộp cả Hội Nhà văn TP.HCM và các hội địa phương cùng đội ngũ sáng tác tự do, lực lượng văn thi sĩ phải đến hàng ngàn. Nhưng số lượng không thay đổi được thực tế eo sèo của văn chương Việt trong những năm qua. Trong một cuộc họp bàn luận về văn chương mới đây, có văn nhân phát biểu rằng, một nhà văn khi đã viết, ắt phải viết cho ra viết, phải làm được một tác phẩm nổi đình nổi đám.

Còn cứ trôi nổi lềnh bềnh thì cũng không được việc gì. Phát biểu này nhận được nhiều lời tán dương, nhưng cũng để lại những nghi hoặc; bởi chính người nói câu trên cũng đang sống bằng hào quang quá khứ, mấy năm nay chưa có tác phẩm “đình đám ra trò” nào như yêu cầu của chính mình. Văn chương là cuộc lao động sáng tạo cần mẫn, có khi dài cả đời người cầm bút. Giá trị thật không phải là những cuộc đăng đàn rổn rảng ngôn từ, mà là những tác phẩm kết tinh từ sự im lặng đơn độc của người viết.

Gia tri that  len tieng

Thật, có nhiều người vẫn cần mẫn viết. Họ im lặng trong cõi riêng sáng tạo, lao tâm khổ tứ đi thực tế, tìm nguồn tư liệu. Họ ấp ủ đề tài hàng chục năm trời, để viết một tác phẩm tâm đắc. Họ nói về những bản thảo dự kiến/còn dang dở với sự hứng khởi tràn đầy năng lượng. Họ chỉ tập trung vào sáng tác, đứng ngoài những ồn ào thị phi của làng văn, chuyện tranh chức tranh quyền, chuyện chạy chọt để được kết nạp hội viên Hội Nhà văn, chuyện mưu cầu danh lợi… Tôi cũng đã đọc được những tác phẩm thật sự hay của những người-im-lặng. Chỉ có tác phẩm - giá trị thật lên tiếng, còn người viết ẩn mình sau những tư tưởng, thông điệp họ thể hiện. Họ thậm chí không nghĩ đến những giải thưởng văn chương.

Cũng có nhiều nhà văn, nhà thơ tôi biết, từng ngưỡng mộ tác phẩm của họ. Nhưng rồi, bao nhiêu năm làm nghề, tôi nhìn thấy họ qua những cuộc bút chiến, qua những quan điểm, phán xét, soi mói, giễu nhại... mà không còn thấy tác phẩm của họ nữa. Chừng như, thế giới mạng đã xô cuốn bao ngòi bút theo sóng thị phi đến mất dấu. Những ảo tưởng sức mạnh của người cầm bút trên thế giới phẳng đã tạo nên khoảng trống văn chương vừa rộng vừa sâu, không dễ lấp đầy. Một nhà văn từng nói: “Nhiệm vụ của nhà văn là viết chứ không phải là xuất hiện để nói trước công chúng”. Thật thế. Nhiều người chỉ nói cho hay, rồi tay ngả về không.

Giá trị của tác phẩm văn chương không thể tách rời với văn hóa, thời đại sống. Nhưng văn học hiện đại như đang rơi vào tình trạng ca tụng cái tôi cá nhân, nhất là với người cầm bút trẻ. Văn trẻ đa dạng, nhưng cũng dễ nhận diện. Thể loại, phong cách viết, đối tượng tiếp cận… của người viết trẻ được phân loại khá rõ. Cuộc sàng lọc chất lượng qua thời gian, điểm danh lại những cây bút đi được đường dài không phải là nhiều. Một năm văn chương Việt mất mùa, trong tiếng thở dài, vẫn nghe lại những kỳ vọng từ năm cũ: thôi thì, hãy cứ chờ… 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI