Sự kiện thêm 13 kênh YouTube của Việt Nam giành được nút bạc (silver play button) từ mạng chia sẻ video lớn nhất thế giới này là một chỉ dấu cho thấy sự dịch chuyển trong phương thức giải trí của khán giả, sự phát triển của các kênh truyền thông Việt Nam. Song điều đó cũng cho thấy một số vấn đề đáng suy ngẫm về gu thưởng thức của công chúng.
Để giành được nút bạc từ YouTube, các kênh YouTube chính thức phải đạt được số lượng đăng ký theo dõi là 100.000 người. Đây là con số ấn tượng cho bất cứ cá nhân, đơn vị cung cấp nội dung số nào.
Bởi, đồng thời với số lượt người đăng ký theo dõi là số lượt xem các video được chia sẻ trên kênh, cũng chính là số tiền mà cá nhân, đơn vị đó sẽ nhận được từ YouTube (Google) - phần trăm trích lại từ các quảng cáo chèn trên clip.
Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay các nhà sản xuất chương trình truyền hình, các nghệ sĩ, ngoài việc phát hành chương trình, sản phẩm lên các kênh chính thống còn chia sẻ sản phẩm của mình lên YouTube như một kênh quảng bá mở rộng và gián tiếp bán sản phẩm. Cũng không phải ngẫu nhiên mà hiện nay xuất hiện rất nhiều cá nhân, nhóm đầu tư thực hiện các video clip chỉ để phát hành lên YouTube.
|
Các nghệ sĩ vui mừng nhận được nút bạc trên YouTube - Ảnh: Internet |
Những khoản tiền hàng chục ngàn USD mà các nghệ sĩ nhận được từ YouTube trở thành động lực lớn để nhiều người hăm hở bước vào cuộc chơi. Từ ca sĩ Mỹ Tâm, Tuấn Hưng đến “Hoa hậu hài” Thu Trang, từ Người bí ẩn đến Ơn giời, cậu đây rồi!... đều đã có mặt trên YouTube và đã thu được lợi nhuận.
Trước đó, có những kênh YouTube Việt đạt được lượng người đăng ký trên một triệu và giành được nút play vàng. Dù chưa có kênh nào đạt được trên 10 triệu lượt đăng ký để giành biểu trưng kim cương song có thể thấy khán giả hôm nay đã dịch chuyển mạnh từ phương thức giải trí truyền thống (xem ti vi, ra sân khấu ca nhạc...) sang giải trí trực tuyến.
Việc hãng công nghệ Apple phải tung ra Apple Music - nghe nhạc trực tuyến dạng streaming để bổ sung, bù trừ cho thị trường tải nhạc iTunes đang dần bị thu hẹp trước sức cạnh tranh từ những trang nghe nhạc khác, là minh chứng rõ rệt nhất cho xu hướng giải trí đã được dự báo từ nhiều năm trước.
Thế nhưng, điều đáng lo ngại là gu thẩm mỹ và khuynh hướng hưởng thụ các giá trị văn hóa, nghệ thuật của khán giả đang dần bị thu hẹp và hết sức dễ dãi. Thách thức danh hài, Cười xuyên Việt thuần túy là những chương trình hài, trong khi văn hóa giải trí không hề chỉ là tấu hài để cười rồi thôi.
Những tuồng cải lương, những bộ phim lừng danh của điện ảnh Việt một thời khi được chia sẻ cũng không đạt quá 50.000 lượt xem. Nội dung của Ghiền mì gõ, Hay nhức nhối hay Hữu Công có khá nhiều lần khai thác khía cạnh giới tính - đồng tính hay vẻ sexy của phụ nữ qua những trang phục thiếu vải, những khơi gợi giới tính.
Không ít video đạt số lượt view và chia sẻ chóng mặt trên YouTube, qua facebook là những clip đánh nhau, hài nhảm, thậm chí những trò lừa đảo, những nội dung bôi bác lẫn nhau. Nếu chỉ nhìn trên những video này, khán giả sẽ dễ có cảm giác người Việt rất tham lam nên dễ bị lừa, đồng thời cũng có xu hướng bạo lực rất cao, vì những thèm khát giới tính mà bất chấp chuẩn mực, sức khỏe, thậm chí tính mạng.
Với việc những video ấy được phát đi từ những kênh ăn khách, mang nút bạc, nút vàng - có lượng người xem cao thì tầm ảnh hưởng của chúng đối với đại chúng chắc chắn không hề nhỏ.
Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những tác động ấy lên giới trẻ? Ai sẽ giữ gìn sự sạch sẽ cho văn hóa giải trí khi các quy định của pháp luật hiện nay đều chưa thể đụng tới những video clip tự sản xuất, tự phát hành này?
Một Căn hộ số 69 bị dừng sản xuất so với hàng chục kênh ra mắt gần đây (mỗi kênh đã thực hiện hàng chục clip truyền đến công chúng) thì có vẻ như hệ thống quản lý đã bất lực.
Một chiếc nút bạc, nút vàng hay nút kim cương mang giá trị về sức hút công chúng của kênh YouTube, của những video được chia sẻ. Chiếc nút ấy cũng kéo theo nó giá trị vật chất mà nhiều người khao khát. Song giá trị đóng góp cho văn hóa nghệ thuật lại là câu chuyện hoàn toàn khác, khi nó mang đến những giá trị tiêu cực gieo hậu quả không chỉ trong một ngày một buổi mà cả tương lai.
Phạm Thành Nhân