Giá trị cũ trở lại

26/06/2018 - 11:05

PNO - Có thể mất hàng năm trời để chăm chút bản thảo, không chờ đợi sẽ có doanh thu khả quan, thậm chí chấp nhận bù lỗ, nhiều đơn vị làm sách vẫn dành tâm huyết để mang những ấn bản xưa trở lại.

Đường tìm sách xưa

Cuốn tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Nam bộ - từng bị chính quyền thuộc địa tịch thu, tiêu hủy - Hà Hương phong nguyệt (tác giả Lê Hoằng Mưu, do Võ Văn Nhơn và Cao Tự Thanh sưu tầm, chỉnh lý và chú thích) vừa được Saigon Books và nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ ấn hành. Không nhiều người biết quyển sách này đã mất đến hơn hai năm hoàn thiện, qua nhiều công đoạn hết sức nhiêu khê.

Gia tri cu  tro lai
Những tác phẩm cũ đã trở lại với độc giả nhờ cuộc tìm về giá trị xưa

Bản gốc tiểu thuyết được tìm thấy trong một thư viện ở Pháp, nhưng chỉ là những bức ảnh chụp từng trang sách. “Chữ rất mờ, chúng tôi phải nhập liệu lại toàn bộ, kiểm tra chính tả cẩn thận rồi mới biên tập, hiệu đính. Đây lại là bản sách từng bị chính quyền thuộc địa thu hồi nên việc tái bản cũng được cân nhắc cẩn thận” - đại diện Saigon Books cho biết.

Hà Hương phong nguyệt được in lần đầu trên báo Nông cổ mín đàm vào năm 1912. Bản sách Hà Hương phong nguyệt truyện (Roman Fantasique) được in năm 1914 nhưng bị tiêu hủy vì nội dung bị cho là khai thác nhục thể và dục vọng thầm kín - điều khó chấp nhận với những quan điểm khắt khe của Nho giáo lúc bấy giờ. Nếu không có cuộc tìm lại giá trị cũ này, tác phẩm vẫn còn ngủ yên ở thư viện Pháp.

Gia tri cu  tro lai
 

Bản truyện thơ có tranh minh họa màu Lục Vân Tiên cổ tích truyện (Histoire de Luc Van Tien) cũng vậy. Sách được Lăng Vân Đường khắc in lại năm Đồng Khánh thứ nhất (1886); được mang về sau gần 120 năm nằm tại Viện Pháp (Institut de France, Paris). Ngoài bìa sách gốc có dòng chữ viết tay: “Histoire de Luc Van Tien illustreé par Le Duc Trach…”.

Đây là bản được đại úy E.Gibert lưu giữ, đã được chuyển ngữ sang tiếng Pháp và phần tranh minh họa do họa sĩ của triều đình Huế thực hiện. Nếu không có những mối duyên tình cờ cùng tâm sức của các nhà làm sách, nhà nghiên cứu từ phía Việt Nam lẫn Viện Viễn Đông bác cổ (Pháp), bản sách quý này khó đến được với độc giả hôm nay.

Lặng lẽ khẳng định giá trị

Đường tìm về sách xưa không bao giờ dễ dàng. Bản quyền, quan điểm chính trị, bản thảo gốc bị thất lạc hoặc có quá nhiều dị bản… là những vấn đề đau đầu mà đơn vị làm sách phải đối diện. Phương Nam Books từng đầu tư in lại bộ sách của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Thụy Vũ, sau đó là Tủ sách Tuổi hoa, gồm các tựa: Con đường lá me, Ngày tháng nào, Mật lệnh U Đỏ, Lòng mẹ, Ngục thất giữa rừng già

Tuy nhiên, mong muốn mang đến cho độc giả trẻ những ấn bản sách nổi tiếng một thời lại gây ra nhiều hệ lụy. Nội dung Chiếc lá thuộc bài bản in lại (của tác giả Nguyễn Thái Hải) bị chỉnh sửa đã tạo nên dư luận trái chiều. Sau vụ việc, Phương Nam Books phải cân nhắc lại nhiều thứ trước khi tái bản những cuốn sách trước năm 1975.

Một trong những đơn vị tái bản nhiều tác phẩm cũ là Công ty sách Tao Đàn. Đơn vị này đã mang “nhà văn bị lãng quên” Phan Du (1915-1983) trở lại văn đàn. Nhà báo Trần Trung Sáng cho biết, khi bài ký sự chân dung về nhà văn Phan Du của ông in báo vào năm 2013, Tao Đàn Books đã liên hệ, nhờ kết nối với gia đình nhà văn để tái bản các tác phẩm Mộng kinh sư, Hai chậu lan tố tâm

Gia tri cu  tro lai
 

Bộ truyện thiếu nhi (gồm 18 cuốn) của nhà văn Vũ Hùng được trao giải vàng Sách hay (giải thưởng sách Việt Nam 2016). Để phổ biến lại tác phẩm của ông là nỗ lực lớn của nhà xuất bản Kim Đồng, bởi nhà văn Vũ Hùng từng định cư tại Pháp. Kết quả, ta có: Mùa săn trên núi, Giữ lấy bầu mật, Con culi của tôi, Sao Sao, Sống giữa bầy voi, Chú ngựa đồng cỏ, Con voi xa đàn… Bộ truyện của Vũ Hùng hiện được xem là những tác phẩm kinh điển của văn học thiếu nhi Việt Nam.

Trong cuộc chạy đua cạnh tranh hiện nay, sách xưa chiếm một vị thế không nhỏ. Cuộc tìm kiếm những giá trị cũ vẫn đang tiếp tục. Nhiều đơn vị cho biết, trên bàn làm việc của họ còn nhiều bản thảo sách cũ đang chuẩn bị được tái bản.

Đi ngược cách làm sách hướng thị trường cũng có nghĩa là phải đối mặt với rủi ro phải bù lỗ. Nhưng đổi lại, cuộc ngược dòng ấy giúp nâng tầm thương hiệu, định vị được nhánh độc giả riêng của mỗi đơn vị xuất bản và trên hết là mang được những giá trị tinh hoa đến cho độc giả.

Diệp Nguyễn

Gia tri cu  tro lai
 

Bà Dương Ngọc Hân - Tổng biên tập Saigon Books
BÂY GIỜ KHÔNG LÀM, TRĂM NĂM SAU SẼ MẤT

Phóng viên: Tái bản các tác phẩm từ cả thế kỷ trước có khó khăn gì không, thưa bà?

Bà Dương Ngọc Hân: Không phải chuyện bản quyền mà khó ở ngôn ngữ. Các bản sách càng cũ càng khó biết đó là lỗi chính tả hay ngôn ngữ thời đó là như vậy. Chuyện này, người làm sách lâu năm cũng rất khó thẩm định, phải nhờ đến các nhà nghiên cứu, nhà ngôn ngữ chỉnh lý, hiệu đính.

* Từng có những bản sách cũ in lại gây tranh cãi, bà có lo ngại gì không?

- Khi chọn in lại những văn bản cũ, người làm sách nhất thiết phải cân nhắc kỹ. Sách xưa thường có nhiều dị bản, phải cố tìm cho được bản gốc hoặc ít nhất cũng phải gần nhất với bản gốc.

Một thời gian dài, các văn bản sách in trước năm 1975 ở miền Nam đã bị đứt mạch trong dòng chảy chung. Những bản sách lưu truyền trên mạng chưa chắc đã đúng với bản gốc. Nếu không được in sách giấy, sẽ thật khó để bạn đọc tiếp cận được văn bản chuẩn, chính xác. Chúng tôi tin rằng, việc tái bản sách cũ là rất cần thiết, nhất là cho công tác nghiên cứu các giá trị văn hóa - xã hội một thời.

* Có giá trị, rất cần thiết, nhưng chừng như sách xưa vẫn hơi lép vế trên thị trường?

- Chúng tôi làm, vì nếu không làm thì sẽ cảm thấy mình có tội. Đối với những tác phẩm cũ, đã có tuổi đời đến 100 năm, chúng tôi luôn cần những nhà nghiên cứu có kiến thức sâu rộng, uyên bác về văn hóa, ngôn ngữ xưa. Nếu bây giờ không làm, trăm năm sau, những bản sách quý có thể sẽ mất vĩnh viễn.

Chúng tôi chỉ biết cố gắng hết phần mình, còn mỗi cuốn sách hoàn thành đều sẽ có đời sống riêng. Tôi không kỳ vọng về việc “bán có lời”, chỉ mong những ấn bản cũ có thể đến được với độc giả của chúng.

Bùi Tiểu Quyên (thực hiện)

Gặp lại ngôn ngữ người xưa

Theo nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn, do điều kiện lịch sử về ngôn ngữ và kỹ thuật đương thời nên các bản sách cũ có thể có rất nhiều sai sót cần phải chỉnh lý. Ví dụ tiểu thuyết Hà Hương phong nguyệt có những lối viết không còn phù hợp quy tắc chính tả hiện nay, như: Bến-tre, bỏ lẩy, chắt lưởi, tang tát, thăm viến, sữa san, vuôn tròn… hoặc những từ Việt - Hán bị ghi lầm theo tập quán ngữ âm Nam bộ: luy tiết, tư dung, sằn dã; rồi i/y lẫn lộn; rất nhiều từ cổ, từ địa phương: mầng (mừng), miêng (minh), nhẫng (những)…

Đó cũng là lý do sách tái bản luôn phải có thêm phần phụ lục, chú thích cặn kẽ cho độc giả dễ hiểu nhưng vẫn không làm mất đi phong cách viết, ngôn ngữ thể hiện của tiền nhân, cũng là một trong những thử thách lớn với các nhà làm sách.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI