Nhiều loại thuốc trị ung thư, hen phế quản, vảy nến, chàm thể trạng, kháng sinh... đồng loạt giảm giá sau khi trúng thầu tập trung tại Sở Y tế TP. HCM với gía cao ngất ngưởng. Đặc biệt, không ít mặt hàng sau khi được điều chỉnh thì giảm xuống hàng trăm triệu đồng. Vì sao?
Giá trúng thầu không giống giá cam kết
Sau khi Sở Y tế công bố kết quả thuốc trúng thầu với gói biệt dược (thuốc gốc) vào ngày 22/6/2015 và gói generic (thuốc có chất lượng tương đương với thuốc gốc) ngày 28/7/2015, thì đến ngày 1/9/2015, Sở lại gửi công văn số 6097/SYT-QLD đến các cơ sở y tế thông báo giảm giá 13 mặt hàng đã trúng thầu do… giá cao.
Trong đó Công ty TNHH MTV dược Sài Gòn có đến ba mặt hàng, Công ty cổ phần dược Pha Nam, Công ty TNHH dược phẩm và hóa chất Nam Linh, Công ty TNHH MTV Vimedimex Bình Dương mỗi công ty “dính” đến hai mặt hàng.
Công ty TNHH MTV dược Sài Gòn trúng thầu 475 lọ thuốc tiêm Chemodox 10ml (hoạt chất doxorubicin, điều trị ung thư) do Ấn Độ sản xuất với giá 3,9 triệu đồng/lọ. Sau khi điều chỉnh giảm bớt 100.000đ/ lọ, ngân sách nhà nước đã tiết kiệm thêm khoảng 47,5 triệu đồng. Công ty này cũng trúng 50 lọ thuốc tiêm Urokinase Green Cross Inj 60.000IU do Đài Loan sản xuất với giá 991.515đ/lọ. Sau khi điều chỉnh giảm giá, người bệnh chỉ còn “gánh” 819.210đ/lọ, giảm hơn 172.000đ/lọ.
Công ty cổ phần dược Pha Nam trúng 200.450 lọ thuốc tiêm Akedim (hàm lượng 1,5g, điều trị các bệnh nhiễm khuẩn), do Công ty cổ phần tập đoàn Merap của Việt Nam sản xuất, với tổng giá trị trúng thầu hơn 12,2 tỷ đồng.
Sau khi điều chỉnh, giá xuống còn 58.000đ/ lọ thay vì 61.000đ, giá trị thực của mặt hàng này “bốc hơi” khoảng 600 triệu đồng. Hoặc Công ty cổ phần dược liệu Trung ương 2 trúng thầu 5.800 lọ thuốc Fucidin (2% dạng tuýp 15g, chữa bệnh da liễu) với giá cao 68.250đ/tuýp. Sau đó Sở Y tế giảm còn 62.300đ/tuýp, tiết kiệm được cho người bệnh gần 35 triệu đồng.
Dù vậy, đến ngày 11/9/2015, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM vẫn gửi công văn số 2937/BHXHNVGĐ1 cho Sở Y tế TP.HCM thông báo việc giá thuốc trúng thầu năm 2015 vẫn chưa phù hợp.
|
Thuốc Domitral (chống đau thắt ngực) của Công ty Domesco bị điều chỉnh còn 559đ/viên sau khi trúng thầu giá 756đ/viên |
Theo BHXH, có 166 trường hợp biệt dược gốc và 389 trường hợp thuốc generic có giá trúng thầu cao hơn cam kết của nhà thầu rằng sẽ giữ giá thấp nhất mặt hàng thuốc từng trúng thầu ở các tỉnh thành khác (trong vòng sáu tháng) để dự thầu tại TP.HCM. BHXH TP.HCM đã “điểm mặt” một số mặt hàng ở gói biệt dược gốc như: thuốc trị bệnh vảy nến Daivonex (hoạt chất calcipotriol) do Ai-len sản xuất khi “đấu” tại tỉnh Lâm Đồng vào ngày 2/3/2015, chỉ trúng với giá 270.000đ/tuýp, nhưng ba tháng sau lại trúng tại TP.HCM vớ i mứ c 273.000đ/tuýp.
Hay thuốc điều trị co thắt phế quản Ventolin Inhaler (hoạt chất salbutamol sulfat 100mcg/liều) trúng thầu tại tỉnh Yên Bái ngày 2/5/2015 với giá 71.524 đồng/ bình, nhưng tại TP.HCM lại bỏ với giá 76.379đ. Chỉ tính riêng giá chênh lệch 4.855đ/bình, với số lượng 66.244 bình đã trúng thầu, TP.HCM mất trên 321 triệu đồng cho mặt hàng này...
Riêng nhóm thuốc generic, có nhiều mặt hàng bị đội giá như thuốc mỡ Tacropic, Olesom, Zilvit… Đáng chú ý Hà Nội cũng đòi hỏi số lượng thuốc cung ứng rất nhiều cho các bệnh viện nhưng giá thuốc trúng thầu rẻ hơn nhiều so với TP.HCM. Thuốc điều trị bệnh hô hấp Olesom (hoạt chất ambroxol 15 mg + salbutamol 1mg) do Ấn Độ sản xuất trúng thầu với giá 44.800đ/chai ở Hà Nội, nhưng tại TP.HCM cao hơn gần 5.000đ/chai.
TP.HCM đã chọn mặt hàng này với 23.400 chai nên tổng tiền chênh lệch lên gần 110 triệu đồng. Hay thuốc kháng sinh Zilvit (hoạt chất amikacin 500mg/100ml) trúng thầu ở Hà Nội 45.000đ/ lọ nhưng ở TP.HCM cao hơn 5.000đ/lọ, khiến ngân sách đội thêm 105 triệu đồng cho 21.000 lọ. Hay như loại thuốc mỡ Tacropic (hoạt chất tacrolimus 0,1%, trị bệnh chàm) giá trúng thầu của Công ty TNHH dược phẩm Đạt Vi Phú ở tỉnh Quảng Ninh vào ngày 21/1/2015 chỉ 180.000đ/tuýp nhưng trúng thầu ở TP.HCM “nhảy dựng” lên 214.900đ/tuýp.
Ngoài ra, theo BHXH TP.HCM, kết quả trúng thầu năm 2015 của Sở Y tế TP.HCM còn đến 31 biệt dược gốc, 24 trường hợp thuốc generic có giá trúng thầu chênh lệch nhiều. Vì vậy BHXH yêu cầu Sở Y tế phải làm rõ vấn đề để xác định lại giá trúng thầu thấp nhất.
Hạ giá cho đúng với giá trị thuốc
Qua công văn 7132/SYT-QLD gửi phản hồi BHXH TP.HCM, PGSTS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: Theo quy định của hồ sơ mời thầu do Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công của ngành y tế TP (bên mời thầu) phát hành, các nhà thầu khi dự thầu đều cam kết giá dự thầu không cao hơn so với giá trúng thầu mặt hàng đó tại các đơn vị khác trong vòng sáu tháng trở về trước thời điểm đóng thầu (ngày 27/4/2015).