Giá thuê mặt bằng không giảm, hàng quán, dịch vụ... sẽ "chết" sau cách ly xã hội

17/04/2020 - 17:00

PNO - Xác định mở cửa lại sau cách ly xã hội, nhưng hoạt động kinh doanh khó khôi phục ngay nên không ít nhà đầu tư muốn được hỗ trợ giảm tiền mặt bằng nhưng không phải "chủ nhà" nào cũng sẵn sàng chia sẻ.

Nhà giàu cũng khóc

Theo ghi nhận, các ngành hàng như ăn uống, thời trang, giải trí trong 3 tháng đầu năm có doanh thu giảm 50-80% do ảnh hưởng dịch COVID-19. Một vài thương hiệu lớn buộc phải cắt giảm hoạt động, thậm chí đóng cửa… chưa hẹn ngày mở lại.

Chia sẻ với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, một đối tác của hệ thống văn phòng cho thuê The Address cho biết, mức thuê mỗi tòa nhà tại trung tâm TPHCM dao động từ 40-47 ngàn USD/tháng, hợp đồng ký dài hạn. Khi hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, lãnh đạo hệ thống The Address có gửi văn bản đến chủ các tòa nhà với mong muốn giảm tiền thuê nhà, nhưng hầu hết không được chấp nhận.

Nhiều đơn vị kinh doanh buộc trả mặt bằng vì chủ thuê không giảm tiền nhà mùa dịch. Ảnh: Quốc Thái
Nhiều đơn vị kinh doanh buộc trả mặt bằng vì không được giảm tiền nhà mùa dịch - Ảnh: Quốc Thái

"Hệ thống gồm 3 tòa nhà cho thuê, hiện một tòa nhà đang cho thuê nguyên căn, hai tòa còn lại đang cho khách lẻ thuê nhưng buộc phải đóng cửa vì dịch bệnh", vị này cho hay.

Ngay cả các doanh nghiệp lớn, có cả chuỗi cửa hàng cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (MWG), đơn vị vận hành hệ thống Thế giới di động và Điện máy xanh có văn bản gửi cho các đối tác là những chủ nhà cho thuê mặt bằng với mong muốn được chủ nhà giảm 50% giá thuê trong 12 tháng và miễn phí tiền thuê nhà đối với các cửa hàng buộc phải tạm dừng kinh doanh để chống dịch COVID-19. MWG đã cân nhắc chuyển sang địa điểm cùng khu vực với chi phí hợp lý hơn với các trường hợp không chia sẻ cùng công ty.

Theo MWG, mặt bằng là một trong những chi phí lớn, chiếm từ 15-40% doanh thu. Doanh nghiệp này có nhiều điểm kinh doanh trong tổng số gần 2.000 cửa hàng Thế giới di động và Điện máy xanh đã và sẽ có thể tiếp tục đóng cửa tạm thời.

Các hệ thống Starbucks, The Coffee House, Trung Nguyên… có không ít địa điểm đã đóng cửa hoặc chuyển sang mô hình "cầm cự" (như bán mang về), đồng thời gửi yêu cầu đề nghị các đối tác cho thuê mặt bằng giảm tiền. Tuy nhiên, bên cạnh một số đối tác sẵn sàng đồng hành, chia sẻ thì không ít đối tác cho thuê "làm ngơ" trước yêu cầu của các hệ thống này. Đây đều là những thương hiệu đồ uống nổi tiếng chịu chi cho những vị trí kinh doanh đắc địa tại hầu khắp các địa bàn. 

Người thuê bất lợi

Có một thực tế là không ít mặt bằng đã được người thuê trả lại từ một vài tháng trước hiện vẫn đóng cửa, treo biển cho thuê. Với những trường hợp này, chủ đầu tư các tòa nhà, trung tâm thương mại hầu hết đã giảm giá thuê hoặc bằng các hình thức ưu đãi khác. Chẳng hạn, có nơi giảm 15-30% so với mức giá thuê cũ, có nơi giữ giá nhưng miễn phí 2 tháng thuê đầu... để có thể sớm lấy được khách thuê.

Tuy nhiên, những địa điểm kinh doanh chỉ đóng cửa mà chưa vội trả mặt bằng thì nhận được ít sự chia sẻ từ "chủ nhà" hơn. Người thuê nào may mắn thì được giảm 50% giá thuê từ 1-3 tháng, hay chỉ giảm tiền thuê trong tháng 4 vì có đợt cách ly xã hội. Có những chủ nhà "rắn" không chấp nhận việc giảm giá, người thuê cũng đành chấp nhận vì bao nhiêu vốn đã bỏ ra hết để đầu tư cả tạo mặt bằng. Không ít người cạn vốn đành chấp nhận đóng cửa, mất tiền cọc.

Theo vị đối tác của hệ thống văn phòng cho thuê The Address, phải chấp nhận đóng cửa tạm thời hệ thống văn phòng cho thuê do không thương thảo được với chủ nhà. Hướng giải quyết của doanh nghiệp này tìm đối tác khác cho thuê lại khai thác, nhưng phương án này không hề dễ trong bối cảnh hiện nay khi biển cho thuê mặt bằng tràn ngập các tuyến phố. "Khả năng lớn là chúng tôi phải thanh lý hợp đồng thuê, chấp nhận mất hàng tỉ đồng số tiền cọc...", vị này cho hay.  

Nhiều cửa hàng trong hệ thống trung tâm thương mại tại TPHCM đóng cửa nhiều cửa
Nhiều cửa hàng trong hệ thống trung tâm thương mại tại TPHCM tạm đóng cửa vì dịch COVID-19 - Ảnh: Quốc Thái

Theo báo cáo diễn biến thị trường bất động sản thương mại tại TPHCM của CBRE Việt Nam, tính đến giữa tháng 3, nhiều chủ tài sản thương mại ở phố đã áp dụng giảm giá thuê mặt bằng trung bình 10-30% cho khách thuê, phụ thuộc vào nhiều ngành khác nhau. Mức giảm giá cao nhất là miễn phí giá thuê cho ngành hàng buộc đóng cửa đối với mảng bán lẻ, một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng trong đại dịch.

Đến cuối quý I, giá thuê tầng trệt và tầng một tại các khu thương mại nằm ở lõi trung tâm giảm 11,4% so với cuối năm 2019 và giá thuê mặt bằng ở các quận rìa trung tâm giảm 15,9%. Các mặt bằng bán lẻ nằm ở tầng trên của trung tâm thương mại ghi nhận đà giảm mạnh hơn tầng trệt. So với cùng kỳ năm trước, giá thuê mặt bằng bán lẻ khu vực ngoài trung tâm giảm 17,6%.

Cụ thể, nhiều trung tâm thương mại lớn đã chủ động giảm giá thuê mặt bằng hỗ trợ đối tác như Vincom - miễn 100% phí thuê mặt bằng cho nhiều cửa hàng, một số khác sẽ được giảm 10-20% chi phí. Vạn Hạnh Mall, đối với các gian hàng phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của UBND TPHCM như ngành F&B, rạp chiếu phim, gym… sẽ miễn 100% tiền thuê mặt bằng, đồng thời hỗ trợ cho các đối tác khác theo tình hình thực tế. Với Lotte, doanh nghiệp thông tin đã giảm 10-20% cho các đơn vị kinh doanh và đang xây dựng tiếp kế hoạch giảm thêm theo từng trường hợp cụ thể…

Theo dự đoán của CBRE Việt Nam, riêng tại TPHCM, nếu dịch bệnh không được kiểm soát trong quý II, nguồn cung mới 2020 có thể chỉ còn bằng 20% con số dự đoán vào cuối năm 2019 (152.000 mét vuông), một số dự án đã hoàn công và đang cho thuê có thể buộc phải dời ngày khai trương.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI