PNO - Những năm cuối đời, NSƯT Phương Quang bị đãng trí. Một lần ông chở vợ đi chợ ở Q.7, TP.HCM vào sáng sớm, nhưng khi đi chợ xong, bà ra chỗ hẹn thì ông không còn đứng đó nữa.
Cả nhà sốt vó đi tìm, gọi điện thoại khắp lượt họ hàng, bạn bè vẫn không thấy tăm hơi. Đến khi mặt trời đứng bóng, gia đình bất ngờ nhận được cuộc gọi từ Long An. Thì ra nhờ xem ti vi, người dân ở Long An nhận ra ông là một nghệ sĩ nổi tiếng và tìm cách liên lạc với gia đình.
Cố NSƯT Phương Quang cùng tổ ấm yêu thương
Thèm một lần được đứng cùng sân khấu với ba
“Tôi là con trai nên cố gắng không khóc. Quả thực là tôi không cầm được nước mắt khi kể về ký ức này. Lúc tôi chạy gần đến địa chỉ nơi người dân báo tin (là một cây xăng), từ xa, ba đã nhìn thấy tôi và ngoắt quyết liệt: “Bảo! Bảo! Ba nè con. Ba nè…”.
Dù ba có thể quên mọi thứ, nhưng không thể quên được con mình và ba luôn hướng về gia đình. Ngồi sau xe, ba kể ba chạy hoài tới một lúc sực tỉnh, hoảng hồn không còn thấy người thân đâu hết, cảnh vật thì lạ lẫm. Nghe mà thương…” - anh Tô Quang Bảo (con của NSƯT Phương Quang) nghẹn ngào nói.
Cảm giác xót xa đó cũng hiện hữu khi anh thấy ba bắt đầu quên lời khi ca những bài ruột vốn nhuần nhuyễn mấy chục năm. Vì thế, gia đình từ chối những lời mời ông hát bất kể thù lao bao nhiêu, để giữ hình ảnh NSƯT Phương Quang năm nào, và để ông được nghỉ ngơi, an dưỡng. Ông từng thuộc tuồng rất nhanh và nhớ giỏi. Nhẩm qua hoặc thu băng cassette nghe vài bận là in sâu. Thời gian thật khắc nghiệt… Ông cũng nhẹ nhàng đón nhận quy luật muôn đời của trời đất. Đồng nghiệp trẻ xin tuồng, xin trang phục, ông sẵn sàng cho hết.
Chị em Quang Bảo thừa hưởng của ông làn hơi ấm, nhưng ông luôn căn dặn: “Con ráng học, sau này làm nghề gì cũng được, miễn đừng đi hát”. Ông còn nhận xét giọng ca của Bảo “như vịt đực” để con đừng mon men bước vào con đường chông gai như ba đã từng.
Lúc nhỏ Quang Bảo theo xem ba tập tuồng, biểu diễn, các cô chú đạo diễn nhờ Bảo vào vai mục đồng hay quân sĩ trong một phân cảnh nhỏ, ông đều lắc đầu. Lúc đó Quang Bảo ấm ức vì những vai đó quá dễ, quá đơn giản, sao ba không cho tham gia? Nhưng sợ ba buồn nên Bảo không hờn dỗi. Anh chỉ lặng im, chăm chú xem các cô bác tập tuồng, hóa trang, thầm nuôi hy vọng một ngày được bước lên sân khấu.
Khi đã là một thạc sĩ ngành ngôn ngữ học, là một thầy giáo dạy tiếng Anh của Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), niềm đam mê nghệ thuật bùng cháy thôi thúc anh đăng ký học khóa đào tạo diễn viên sân khấu của Nhà hát Trần Hữu Trang.
Thời điểm đó, NSƯT Phương Quang đã quên nhiều và sức khỏe kém, Quang Bảo vừa chăm sóc ba, vừa đi dạy, vừa âm thầm học ca học diễn. Vai đầu tiên đánh dấu tuổi đời 30, đã không còn trẻ so với nghề hát, nhưng cũng đủ để anh choáng ngợp với niềm hạnh phúc muộn màng. Chưa bao giờ anh thèm được đứng chung sân khấu với ba như lúc này.
Ráp buổi đầu vai Hội đồng Thăng (vở Đời cô Lựu - cố soạn giả Trần Hữu Trang), anh đã thuộc tuồng và có những nét diễn riêng, độc đáo. Không chỉ chuyên trị những vai đặc biệt, vai tính cách, Quang Bảo còn là tác giả của nhiều bài vọng cổ, ca cảnh, trích đoạn, cải lương ấn tượng. Dù tác phẩm được biểu diễn tận tỉnh xa, anh cũng tranh thủ đến xem trực tiếp các buổi tập để cùng khai phá, xây dựng một chương trình chỉn chu, sắc sảo nhất.
Cố NSƯT Phương Quang và con trai Quang Bảo
Mỗi người không giữ mình thì gia đình sẽ... toang
Nhiều người lầm tưởng là con nhà nòi, Quang Bảo sẽ được ba dìu dắt, chỉ dạy cặn kẽ lối ca cách diễn, nhưng không! Nhiều người mến NSƯT Phương Quang vì tài đã đến xin thọ giáo, nhưng ông không nhận vì kém tự tin về khả năng truyền đạt của mình.
Ngăn cấm các con theo nghiệp diễn, ông càng… “giấu nghề” với con. Khi ông đã khuất bóng, xem lại clip, tự mày mò nghiên cứu, Quang Bảo mới nhận ra ba đã vận dụng các kỹ thuật mà mình vừa được học.
Khi viết tuồng, Quang Bảo tưởng tượng nếu là ba hát sẽ xử lý đoạn này thế nào, từ đó hoàn thiện hơn. Và anh gợi ý cho những nghệ sĩ thể hiện để đem lại hiệu quả cảm xúc tốt nhất. Trước khi diễn, thắp hương khấn nguyện Tổ nghiệp, Quang Bảo không quên thắp nén hương tưởng nhớ đến ba. Chỉ thắp hương chứ không cầu ba phù hộ cho mình hát hay diễn giỏi và sáng sân khấu. Vì quá đam mê mà cãi ba đi hát, biết nơi xa ba có vui không, lòng anh vẫn xốn xang.
Quang Bảo đoán ba ngăn cản con theo nghề hát vì sợ các con còn quá non dại, chưa nhận thức đúng và bản lĩnh vững vàng trước những cám dỗ. Ba yêu con vô vàn, ba yêu nghề vô tận, nhưng nào biết hai tình yêu này của ba có chung sống “hòa bình” với nhau hay không. Nên ba đành nén lòng dập tắt ngọn lửa nghệ thuật nhen nhóm trong con từ những ngày còn thơ.
Trong ký ức của Quang Bảo, ba là người khắt khe với chính mình, biết điều gì có hại là nói “không” ngay từ đầu. Ông rất ít ăn cay, uống nước đá, rượu bia để giữ sức khỏe, giữ giọng, đem đến cho khán thính giả làn hơi đẹp trời phú. Nhiều lần, ông vui miệng tuyên bố: “Ba là “thần bài”, chơi bài lận là không ai chơi lại, nhưng ba không chơi. Ba chơi bài là sự nghiệp và gia đình tan hoang hết”.
“Gia tài” ba để lại cho anh không chỉ là những vai diễn khuôn vàng thước ngọc, mà là một cốt cách ngay thẳng, khiêm nhường. Gặp các cô chú đồng nghiệp của ba, ai cũng nhắc “ảnh hiền sao mà hiền quá” rồi ngậm ngùi thương tiếc. Ông không bao giờ so đo, giành vai. Vai nào ai chê thì ông nhận (nếu hợp), đồng nghiệp góp ý thì vui vẻ tiếp thu, nghiêm túc chỉnh sửa. Phòng hóa trang chật chội, ông lặng lẽ leo cầu thang lên phòng tầng lầu trên, nhường cho lớp trẻ với những vai chính cần hóa trang kỹ lưỡng, rườm rà.
Là một nghệ sĩ nổi tiếng nhưng có thời gian kinh tế eo hẹp, ông không quản ngại cùng vợ con thức khuya dậy sớm bán nước giải khát tại nhà. Hình ảnh người cha với chiếc xe số màu đỏ cũ kỹ chen chúc trong dòng người đưa rước con đi học, hoặc ròng rã chờ mua hồ sơ cho con thi vào trường tốt, mãi mãi không phai nhòa trong lòng chị em Quang Bảo. Tất cả những điều ấy dệt nên niềm tự hào về ba, chứ không phải là nghệ danh với ánh hào quang.
Quang Bảo học tính nhẫn nhịn và nhẹ nhàng của cả ba và mẹ. “So với ba, tôi còn thua xa vì chưa khắc phục được tính nóng. Khi nóng thì suy nghĩ không thấu đáo, dễ có những lời nói, hành động khiến người khác tổn thương. Tôi đang tập như ba, nghiêm khắc với chính mình, tìm hiểu, lắng nghe và rỉ rả với con cái, với học trò ở trường” - anh Quang Bảo chia sẻ.
Thuở nhỏ, chị em Quang Bảo vẫn bị ba mẹ trách phạt khi mắc điểm xấu, nhưng ba mẹ luôn tìm hiểu xem cùng bài kiểm tra đó, các bạn chung lớp có kết quả thế nào, vì sao con mình chưa học tốt… Từ những thông tin nắm bắt được, ba mẹ thường xuyên rỉ tai, nhắc nhở, nâng đỡ và khích lệ khi con tiến bộ hơn.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.