Gia tài của doanh nhân trẻ Út Trung

03/12/2024 - 09:38

PNO - Người ta thường có câu “Giàu út hưởng, nghèo út chịu” để chỉ số phận của một đứa con út trong một gia đình đông anh em, nó có thể giàu sang hay khó khăn đều phụ thuộc vào những gì thừa hưởng cuối cùng của bố mẹ. Thế nhưng chàng trai Phạm Quang Trung (sinh năm 1991 - Giám đốc Công ty TNHH Trung Phạm) con trai út của một gia đình nghèo đông con ở Quảng Ngãi thì khác.

Hãnh diện vì mình từng nghèo khó

Ấn tượng buồn nhất trong lòng cậu bé Trung những ngày đi học chính là gia đình phải sống xa nhau vì nghèo. Cha làm rẫy, mẹ bán gà vịt ngoài chợ. Đời sống khó khăn đến mức mỗi người phải tự tìm cách kiếm sống. Chị gái vào TPHCM bán hủ tiếu gõ, cha cũng bỏ ruộng vườn vào TPHCM chạy xe ôm, kiếm tiền gửi về gia đình.

Gia tài của Trung không chỉ là sự nghiệp mình gầy dựng được mà còn mang đến sự an yên cho gia đình, cha mẹ.
Gia tài của Trung không chỉ là sự nghiệp mình gầy dựng được mà còn mang đến sự an yên cho gia đình, cha mẹ

Trung thương cha, thương chị, nhưng cậu chỉ hình dung được những khổ cực vất vả đó rõ nét nhất khi 15 tuổi, lên lớp 10 vào TPHCM ở, rồi sau đó vừa học đại học vừa cùng cha chạy xe ôm. Những buổi trưa hai cha con ngả lưng trên chiếc xe giữa những ngã ba, ngã tư đường đầy nắng và nóng bức. Trung thương cha, thương mẹ, 1 ngọn lửa nhỏ âm ỉ nhen lên trong lòng cậu "phải làm gì cho mẹ cha bớt khổ".

Nghĩ thế, nhưng lúc đó trong đầu cậu đã có được ý tưởng gì đâu. Cha và chị đi làm, Trung ở nhà nấu ăn chỉ dám ăn cơm với mắm, dành thức ăn ngon hơn cho cha và chị. Chị gái biết được, la quá chừng.

Con đường mà Trung chọn cho mình lúc đó chỉ có hai chữ "nỗ lực". Trong 7 anh em, chỉ có Trung được học đại học, Trung hiểu rằng mình là ước mơ của gia đình, phải đền đáp lại bằng một điều gì đó.

Ước mơ lớn nhất của Trung khi đó gói gọn trong 1 căn nhà đàng hoàng cho cha mẹ ở, Trung đâu ngờ chỉ hơn 10 năm sau, cậu đã làm được nhiều điều lớn hơn, mang đến cho cha mẹ không chỉ 1 mái nhà mà cả niềm vui, tự hào về đứa con giỏi giang, bản lĩnh.

Trung thường bảo: "Người ta nói sợ, ghét, khinh đói nghèo, còn mình cảm ơn điều đó. Chính nó đã giúp mình biết phải làm gì để thoát được nó".

Gia tài của cha mẹ để lại

Thời của Trung, người trẻ đua nhau học Công nghệ thông tin. Trung cũng thích vì thấy nó hiện đại, mới mẻ. Thời học cấp 3, Trung say mê học tiếng Anh, coi đó là một trong những cánh cửa đưa mình tới thành công.

Không có tiền theo học các trung tâm, cậu mua băng đĩa, sách vở về tự học. Rồi cũng tự đăng ký đi thi. Kết quả kỳ thi tuy chưa phải là cao nhất nhưng cũng đủ giúp chàng trai 19 tuổi tự tin xin vào dạy ở các trung tâm ngoại ngữ. Nhìn cậu quá trẻ, chưa có bằng cấp dạy học, người ta không nhận, Trung gặp thẳng Giám đốc trung tâm xin dạy thử miễn phí. Chứng minh được năng lực của mình Trung được nhận vào dạy. Chàng thanh niên bắt đầu con đường vừa học, vừa kiếm tiền. Kỷ niệm buồn cười nhất của Trung khi đó là cảm giác mất tự tin khi dạy những sinh viên trẻ bằng tuổi mình, anh phải… dán râu giả cho mình già đi vài tuổi mà “thị uy” với học trò.

Cha mẹ luôn căn dặn Trung: Làm gì thì cũng phải làm bằng cái Tâm và cái Đức. Phải chân thật, nỗ lực cố gắng hết mình, gầy dựng uy tín rồi từ đó mà đi lên.
Cha luôn căn dặn Trung: Làm gì cũng phải bằng cái Tâm, cái Đức

Bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của Trung lại bắt đầu từ một… tai họa. Chị gái Trung buôn bán phế liệu, bị cháy kho. Trung quyết định mang hết 100 triệu đồng dành dụm từ việc dạy học vào giúp chị gầy dựng lại. Từ đây, Trung mới biết đến một thị trường vô cùng tiềm năng lúc đó: Buôn bán palet nhựa.

Nhìn Trung cả gan “chụm” hết số tiền không phải quá lớn với người khác, nhưng là tất cả của Trung, vào một công việc mà các đại gia khác phải có tới tiền tỉ mới dám đầu tư, ai cũng lo, ngăn cản. Thế nhưng với trình độ hiểu biết công nghệ thông tin, có phương tiện mạng để thâm nhập vào thị trường quảng cáo, PR, tìm khách hàng, Trung quyết tâm làm thử. Chỉ 1 tháng, Trung thu về cả tỉ đồng với nhiều đơn hàng bất ngờ. Thành công nhỏ cho Trung sự tự tin vào bản thân mình.

Thành phố đất chật, người đông, chàng thanh niên 22 tuổi biết ở đây không có mặt bằng kho bãi nào đủ cho việc chứa các sản phẩm cồng kềnh của mình. Anh quyết định ra quốc lộ 51 thuê một căn nhà mặt tiền để làm ăn. Cha mẹ lo cho cậu con Út có những quyết định mạnh mẽ đến mức liều lĩnh nên thu xếp về ở với Trung, vừa để hỗ trợ, vừa hãm bớt tham vọng của con.

Nhìn cha mẹ tuổi đã lớn mà chấp nhận cực khổ sống trong căn nhà mái tôn, tường chưa tô, lót gạch đơn sơ, Trung thương cha mẹ. Để tiết kiệm tiền bạc, cậu vừa bán hàng, vừa bốc xếp, vừa lái xe chở hàng đi khắp nơi. Ngày nào Trung cũng bắt đầu công việc từ 4g sáng, 12g khuya mới xong.

Năm 22 tuổi, để có tư cách pháp nhân giao dịch và làm việc với những công ty lớn, Trung lập công ty. Nghe quyết định của Trung, ai cũng cản, cũng bảo mở ra là chết, cứ túc tắc cò con mà an toàn. Nhưng Trung nghĩ khác: Phải dám làm. Biết người ta chưa thể tin vào 1 giám đốc công ty mặt “búng ra sữa”, đi đâu, giao dịch với khách hàng, Trung chỉ dám nhận mình là nhân viên sale của công ty. Làm nhiều, làm việc có uy tín, đến khi khách hàng biết Trung chính là chủ công ty, lại một lần nữa mọi người ồ lên: “Sao giỏi vậy, chắc công ty này là cha mẹ để lại cho làm phải không?” - Trung chỉ mỉm cười.

Nói chuyện với bạn bè, Trung thường bảo cậu nhận được hai tài sản quý giá nhất từ cha mẹ: đó là tình yêu thương, sự hy sinh và tấm lòng chân thật. Cha mẹ luôn căn dặn Trung: Làm gì cũng phải bằng cái Tâm, cái Đức.

30 tuổi, nhưng Trung đã có thể cảm nhận được một điều vô cùng sâu sắc: Có người già trong nhà như có vàng trong tâm trí. Chính ba mẹ đã dẫn dắt, làm động lực cho tôi làm việc và đạt được những thành công nhỏ hôm nay.

Trái ngọt lành nhất dành cho cha mẹ

Hỏi Trung về nhưng thành công hôm nay, Trung bảo: "Em đã có gì đâu. Một công ty nhỏ với hơn 20 chục nhân viên thôi mà". Thế nhưng nếu biết đến những khách hàng của Trung, là những công ty lớn như Vingroup, Sharp, Kinh Đô, Sam Sung, Thế giới di động… mới hiểu được những nỗ lực của chàng giám đốc trẻ công ty TNHH TMV Trung Phạm.

 hạnh phúc lớn nhất của Trung không phải là tiền bạc hay vị trí xã hội, mà là anh đã mang đến cho cha mẹ sự bình yên, an hưởng
Hạnh phúc lớn nhất của Trung không phải là tiền bạc hay vị trí xã hội, mà là anh đã mang đến cho cha mẹ sự bình yên, an hưởng

Ngay cả trong những thời gian dịch bệnh nặng nề, công ty của Trung cũng chưa hề ngừng nghỉ việc ngày nào. Những kho hàng của Trung luôn ngồn ngộn những chồng hàng palet cao ngất và rộng lớn. Xe chở hàng nườm nượp đi khắp nơi.

Từ việc thiếu thốn kho bãi, Trung mở rộng tìm mặt bằng và từ đó mà lấn sân sang lĩnh vực bất động sản. Nhanh nhẹn, táo bạo, quyết tâm, Trung thu được không ít thành công trong lĩnh vực này, dù khi đó thấy Trung dám vay mượn 5, 10 tỉ để đầu từ đất đai, nhiều người lo lắng, sợ hãi. Trung bảo: Có lúc mình phải có lỗi với ba mẹ, cứ giấu bớt đi chuyện làm ăn, lẳng lặng mà làm. Xong hết rồi mới báo. Cũng may là mọi việc đều suôn sẻ.

Làm palet, kinh doanh bất động sản, có được những kết quả ban đầu tốt đẹp, Trung lập tức mua đất, xây nhà cho ba mẹ ở. Nhìn niềm vui, niềm xúc động của ba mẹ, thấy ba mẹ chạy đôn đáo xem ngày, mua nguyên vật liệu, chuẩn bị xây dựng căn nhà riêng đầu tiên của con trai, Út Trung hạnh phúc lắm. Anh nói đó chính là thành công lớn nhất của anh từ ngày khởi nghiệp đến giờ. Năm đó Trung mới được 25 tuổi, năm thứ 3 sau khi Trung thành lập công ty riêng của mình. Với Trung, đó chính là thành công lớn nhất mà anh đạt được cho đến giờ phút này.

Thể lệ cuộc thi Doanh nhân với chữ hiếu và gia đình

Bài viết tham dự cuộc thi phải giới thiệu những tập thể, cá nhân điển hình trong việc giữ gìn nếp sống hiếu đạo đối với bậc sinh thành và người thân trong gia đình, đóng góp cho cộng đồng. Họ có thể là doanh nhân người Việt, gốc Việt đang sinh sống, kinh doanh trong nước và/hoặc các quốc gia khác.

Bài viết thể hiện lối sống của doanh nhân đối với người thân là: ông bà, cha mẹ, vợ con, cháu trong gia đình; thông qua các câu chuyện/tình huống ứng xử trong gia đình, giúp doanh nhân luôn cân bằng giữa công việc ngoài xã hội với việc chăm sóc gia đình.

Tác phẩm dự thi phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi nào khác, chưa được đăng báo. Nhân vật trong bài viết có thể đã được ghi nhận gương điển hình trong các bài viết trên báo chí, là nhân vật trong các cuộc thi viết khác, giải thưởng khác. Bài viết về doanh nhân phải được sự cho phép của nhân vật.

Mỗi tác phẩm từ 800 đến không quá 2.000 chữ, được đánh máy bằng tiếng Việt. Bài viết có hình ảnh (nhân vật, hoạt động liên quan tới việc chăm sóc bậc sinh thành, người thân...) phù hợp với nội dung (cần ghi rõ nguồn, tên tác giả ảnh).

Cơ cấu giải thưởng:

- 1 giải Đặc biệt trị giá 20 triệu đồng.

- 1 giải Nhất trị giá 15 triệu đồng.

- 2 giải Nhì, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 3 giải Ba, trị giá 5 triệu đồng/giải.

- 5 giải Khuyến khích, trị giá 3 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết được yêu thích do bạn đọc bình chọn (tính theo lượt like lượt share trên fanpage Báo Phụ nữ TPHCM) trị giá 1 triệu đồng.

Cùng với giải thưởng hiện kim, các tác giả còn được trao giấy chứng nhận của ban tổ chức cuộc thi.

Các tác phẩm được trao giải và đạt chất lượng sẽ được tuyển chọn để xuất bản thành sách (sách giấy và sách điện tử).

Bài dự thi (bao gồm file bài viết, file hình ảnh) gửi về email: doanhnhanvachuhieu@baophunu.org.vn.

Điện thoại: 0966182727.

Thúy Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI