Hai giờ sáng, tôi thức dậy vì nghe tiếng rấm rứt. Vợ tôi đang ngồi khóc, những dồn nén của một giai đoạn khó khăn về tài chính và đời sống đã gây nên cơn trầm cảm nhẹ, làm những tiếng khóc tủi thân bật ra lúc nửa đêm, khi về sáng, giữa cơn làm lụng. Nỗi khó đã xâm nhập đến từng nhà, vào trong từng người tưởng mạnh mẽ nhất…
Những vỗ về an ủi trong cơn tấm tức ấy không thấm được bao nhiêu vào bên trong khi một người thấy mình đột ngột rơi vào hoàn cảnh quá khác biệt, quá nhiều điều phải suy nghĩ.
Cơn trầm cảm có thể làm đậm thêm nỗi khó khăn khi người chịu cơn đau khổ không thể nhìn ra khỏi bản thân mình, cảm giác như cả thế giới đã quay lưng, đã bỏ sót mình lại trong nỗi cô đơn không thể giải tỏa.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Vợ tôi học 10 năm về mỹ thuật, niềm yêu thích của cô là vẽ, là tạo ra các hình thức mới từ một bức tranh cho đến một chiếc túi da được thiết kế riêng theo cá tính người dùng.
Giữa mùa giãn cách, công việc của cô đình trệ, việc của tôi thu nhập không ổn định, vợ tôi nghĩ cách đi qua. Cô nấu các món ăn quê nhà và giao đi, kèm với các đặc sản nhà quê.
Nói thì đơn giản nhưng với công việc mới, do không có bếp đúng nghĩa, vợ tôi phải dậy từ bốn giờ sáng, luôn tay nấu nướng, soạn hàng, ủ sữa chua… ngẩng lên nhìn thì đã 10 giờ tối.
Tôi cố gắng giúp những việc xung quanh, bưng bê… nhưng nào có được bao nhiêu việc bởi tính vợ tôi cầu toàn, cô nấu ăn và làm hàng theo cách của một họa sĩ chăm chút cho một bức tranh hay nhà thiết kế cố gắng hoàn thiện một mẫu túi mới.
Sự cầu toàn ấy khiến cô giành nhiều việc hơn về mình, thêm nỗi lo lắng về sự không hoàn hảo của món ăn, đơn hàng… thành một áp lực vô hình khổng lồ. Áp lực ấy còn được nhân lên vì hình dung sinh hoạt phí gia đình, tiền học sắp tới của con, khoản tiền dành cho khi đau bệnh… luôn hiện diện sau mỗi nỗ lực lao động tay chân.
“Sao em khổ quá vậy, em đứng 16 tiếng mỗi ngày, làm luôn tay mà vẫn không hết việc, không hoàn hảo”, cô lại khóc.
Tôi biết, cô chỉ muốn ngồi với giá vẽ của mình, muốn miệt mài trên máy tính cho từng nét phác họa một mẫu túi mới. Tôi còn biết, nếu không có cách giải tỏa, cơn trầm cảm sẽ vươn dài hơn cánh tay, vây bọc, xé nát mối quan hệ gia đình, để lại những thương tổn vĩnh viễn, khiến chúng tôi không thể đi qua giai đoạn này.
“Em ạ, anh sẵn sàng đứng thay em 20 tiếng mỗi ngày, nếu việc ấy có thể đỡ đần em, nếu em biết san sẻ việc cho anh. Em đừng khóc nhé! Những ngày này, anh đã gặp nhiều người khó vì không còn được đứng 16 tiếng mỗi ngày, những người khóc vì người thân xa cách ra đi mà không có một vòng tay ôm, không một ai dỗ dành…”, tôi nói, lời sáo nhưng thật.
Rồi tôi kể vợ nghe chuyện ông mù bán vé số xóm trên cả tháng nay không bán được, tiền nhà trọ đã thiếu mà tiền ăn cũng hụt, may còn có những suất cơm từ thiện.
Rồi tôi kể vợ nghe chuyện cô công nhân nhà sát vách cả năm nay vẫn phải đi làm cầm chừng, không tăng ca, không phụ cấp; cô nuôi đứa con nhỏ bằng sữa đặc có đường.
Tôi lại kể vợ nghe chuyện cô gái phụ quán cà phê tôi hay uống, quán đóng cửa, chồng cô ấy là công nhân cũng không còn việc. Để nuôi được con nhỏ, cả hai vợ chồng đã xoay ra làm đủ việc nhưng ai cũng ở nhà, ai thuê mướn ai. Cô ấy đi nhặt ve chai, phế liệu ít, người nhặt đông, cô ấy nói “gắng thôi anh, mong qua được đận này”.
Rồi tôi kể… những phận người rầm rì, những phận người nhỏ nhoi mọc lên trong đêm, ngơ ngác đi qua nỗi khó khăn, buồn bã, trầm cảm của vợ chồng tôi.
Chúng tôi còn may mắn hơn họ, dù có phải đứng từ bốn giờ sáng, dù giấc ngủ nặng nề, mộng mị nhưng chúng tôi còn đang có việc, chúng tôi còn có chút hy vọng, chúng tôi còn có nhau.
Những ước tính từ cuộc giãn cách dài, năm ngoái, trên toàn cầu cho thấy tỷ lệ ly hôn trong và sau giãn cách tăng, có lẽ chính từ những bức bí đời sống, những khó khăn bất thình lình lộ diện, những nhu cầu chia sẻ mà cuộc sống “bình thường cũ” giúp che khuất, không xuất hiện.
Vợ tôi lau nước mắt, cùng tôi xuống nhà xem đơn hàng, sắp xếp hàng hóa, nấu nướng. Không khí sáng sớm trong lành, thơm nhẹ mùi đêm chưa tan, dù giữa những ngày dịch giã.
Vợ tôi giữa đống chảo nồi, giữa nghi ngút khói thức ăn, bỗng nói “anh nói đúng, mình thật may khi còn có thể làm việc thế này, còn có những đơn hàng đặt mình nấu món ăn cho bữa sáng”. Tôi gật đầu.
Tôi hiểu cô đang nghĩ đến một bữa sáng quây quần của một gia đình khách hàng nào đó, vẫn còn những đầm ấm giữa mùa dịch, vẫn còn những cố gắng giữ hy vọng. Chúng tôi là người giữ đầm ấm, chúng tôi là người nuôi hy vọng cho người và cho chính mình.
|
Ảnh minh họa |
Trời sáng, tôi xếp đồ lên xe đi giao hàng cho khách. Khi về, tôi lại lột hành tỏi, rửa chén, giặt đồ, nấu nước, nhặt rau cho các món ăn vợ nấu. Những công việc tôi vốn xa lạ trước đây, những công việc khác hẳn chuyên môn tôi đã được đào tạo, thật may, tôi học nhanh.
Tôi học cách đọc tuyến đường để sắp xếp chuyến đi, học cách dùng dao để bóc hành thay vì ngồi tỉ mẩn lột vỏ, học cách canh thời gian hầm xương để nước dùng ngọt hơn…
Sự học ấy có kết quả lớn, không phải chuyện tài chính đã ổn hơn mà là vợ tôi đã cười thay vì khóc, cô ấy đã tin giữa khốn khó này vẫn có chỗ cho cảm tình nảy nở, đó là khi người ta hiểu “rằng trong nỗi khó có người có ta”, để đi qua thì xóa bớt cái tôi, bỏ bớt áo mũ, ta và người nương dựa vào nhau.
Còn vợ chồng, “giá ta khổ được thay mình” - đã gọi nhau bằng mình nghĩa là chính máu thịt rồi thì còn có cơn dịch nào, giãn cách nào, nỗi khó khăn nào có thể chia cắt, làm tan vỡ được nữa?
Phan Thành