Gia súc chết thảm do trời quá rét

13/01/2021 - 06:33

PNO - Hàng trăm con trâu bò, dê, tại các huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) chết rét do trời lạnh kéo dài nhiều ngày.

Chiều 12/1, ông Trần Ngọc Chinh - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn H.A Lưới - cho biết mặc dù người dân đã chủ động phòng, chống rét cho gia súc nhưng tính từ đầu mùa lạnh đến nay, đã có hơn 500 con trâu, bò, dê trong toàn huyện bị chết, tập trung nhiều ở các xã Đông Sơn, Lâm Đớt, A Roàng.

Người dân xã Lâm Đớt, H.A Lưới đưa trâu bò nuôi thả tự do về nhà tránh rét
Người dân xã Lâm Đớt, H.A Lưới đưa trâu bò nuôi thả tự do về nhà tránh rét

Để chủ động đối phó với rét đậm, rét hại kéo dài nhiều ngày, phòng đã bố trí ngân sách của địa phương để phục vụ công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ diện chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn gia súc.

Do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại những ngày qua, ở huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, đã có hàng chục con trâu, bò bị chết rét. Ông Đào Văn An - Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị - cho biết ngày 12/1, chi cục đã cùng chính quyền địa phương kiểm tra tình trạng trâu, bò bị chết rét tại xã Pa Tầng, H.Hướng Hóa. “Ngoài xã Pa Tầng, chúng tôi cũng nhận được thông tin trâu, bò chết rét ở xã Húc, nhưng địa phương này chưa có số liệu thống kê thiệt hại” - ông An thông tin.

Những ngày qua, tại xã Pa Tầng có mưa dầm, nhiệt độ xuống thấp, như ngày 12/1 xuống dưới 100C trong khi trâu, bò ở đây được chăn thả tự do, không có chuồng trại.

Theo thống kê của UBND xã Ba Tầng, từ ngày 25/11/2020 đến ngày 12/1/2021, toàn xã có 375 con gia súc bị chết, gồm 52 con trâu, 38 con bò, 41 con heo, 244 con dê. Riêng trong hai ngày 11 và 12/1, xã có 16 con gia súc chết do đói, rét (gồm 7 con trâu, 5 con bò, 4 con dê). 

Ông Hồ Văn Bằng - Chủ tịch UBND xã Pa Tầng - thông tin, vẫn còn một số hộ ở xa trung tâm xã chưa khai báo được nên số liệu vẫn đang được cập nhật. Ngoài nguyên nhân thời tiết, đàn gia súc bị chết phần lớn là do tập quán chăn nuôi lạc hậu của người dân. Họ chủ yếu chăn thả tự do trên các đồi, nương chứ không làm chuồng trại kiên cố, khiến gia súc không chống chọi được với giá rét. Bên cạnh đó, do sự tàn phá của mưa lũ dài ngày nên thức ăn của gia súc cũng bị thiếu.

Ông Lê Quang Thuận - Phó chủ tịch UBND H.Hướng Hóa - cho biết đến nay, vẫn chưa có số liệu thống kê số trâu, bò bị chết rét do nhiều thôn, bản vùng sâu chưa báo cáo; nhiều gia đình thả rông trâu, bò trên núi cũng chưa biết trâu, bò của mình còn sống hay đã chết. 

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn H.Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế, toàn huyện có khoảng gần 2.500 con bò, hơn 1.700 con trâu, 8.700 con heo và hơn 320.000 con gia cầm các loại. Trước tình hình thời tiết hiện nay, UBND huyện đã có văn bản yêu cầu UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt các biện pháp chống rét và phòng tránh dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, đồng thời phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm các biện pháp kỹ thuật để giảm thiểu thiệt hại về tài sản. 

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI