Nhiều nhãn hiệu sữa nhập khẩu bán giá quá cao so với giá nhập khẩu - Ảnh: Thanh Đạm
Có loại giá nhập khẩu chỉ hơn 100.000 đồng/hộp nhưng ra thị trường bị đẩy lên cao gấp sáu lần. Dẫn đầu về chênh lệch giá nhập khẩu so với giá bán lẻ là các sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em của những tập đoàn sản xuất sữa hàng đầu thế giới như Abbott, Mead Johnson, Nestlé.
Sốc với giá nhập
Nhiều bà mẹ nuôi con nhỏ bằng sữa bột hiện rất tin tưởng một nhãn hàng có xuất xứ Pháp tên Gallia. Được nhiều người bán giới thiệu là hàng xách tay, nên giá Gallia số 1 đang rao bán lẻ ở mức rất cao từ 600.000-605.000 đồng/hộp 900g. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, sữa Gallia lại đang nhập khẩu chính ngạch về VN. Và điều khá bất ngờ là giá nhập khẩu so với giá bán lẻ trên thị trường chênh lệch một trời một vực. Cụ thể, giá nhập khẩu (đã có thuế nhập khẩu) sữa Gallia số 1, hộp 900g chỉ 117.500 đồng/hộp. So với mức giá bán lẻ 605.000 đồng/hộp, giá nhập khẩu đã có thuế thấp hơn tới 487.500 đồng/hộp.
Một loại sữa khác cũng có mức chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá bán lẻ có thể gây choáng váng cho nhiều người, đó là sữa Nestlé Nido Kinder loại 1,6kg/hộp. Trên thị trường, một số cửa hàng sữa bán lẻ sản phẩm này ở mức 600.000 đồng/hộp. Thế nhưng, giá nhập đã có thuế của Nestlé Nido Kinder chỉ khoảng 115.300 đồng/hộp. Như vậy, mức chênh lệch giá từ khi hàng ra khỏi cảng nhập khẩu đến tay người tiêu dùng lại tới 484.700 đồng/hộp!
Tương tự, một số sản phẩm của Abbott cũng có chênh lệch giá rất lớn. Similac Advance, Similac Go&Grow có giá bán lẻ phổ biến 540.000-560.000 đồng/hộp, cao hơn giá nhập 420.300-440.300 đồng/hộp. Sữa Enfamil Infant loại 663g/hộp của Hãng Mead Johnson có giá nhập khẩu chỉ khoảng 4 USD/hộp. Nếu tính cả thuế nhập khẩu, giá nhập vẫn thấp hơn giá bán lẻ tới 467.800 đồng/hộp. Một sản phẩm khác cũng của Mead Johnson là sữa bột Enfagrow Older Todder hộp 680g có giá nhập khẩu thấp hơn giá bán lẻ khoảng 444.800 đồng/hộp. Như vậy, giá bán lẻ những mặt hàng này cao hơn từ 350-500% so với giá nhập khẩu. Theo tìm hiểu, nhiều mặt hàng khác như sữa Ensure dạng bột, sữa non Pro Care, sữa Guigoz, sữa Nutrilatt, sữa XO... cũng có giá bán lẻ cao gấp 2-3 lần so với giá nhập khẩu về cảng VN. Đa số mặt hàng này có xuất xứ Mỹ, Pháp, New Zealand, Hàn Quốc...
Đại lý chỉ được chiết khấu 1%?
Chênh lệch cao giữa giá nhập khẩu và giá bán lẻ khiến nhiều người đặt câu hỏi: khoản lợi này đang chảy vào túi ai? Thông thường các hãng sữa lớn sẽ phân phối hàng theo các tầng nấc gồm: nhà nhập khẩu - nhà phân phối - đại lý bán lẻ. Tuy nhiên, theo giới kinh doanh sữa, chiết khấu được các đơn vị phân phối áp dụng cho các hệ thống phân phối, bán lẻ lại đang ở mức khá thấp. Lãnh đạo một hệ thống siêu thị tại TP.HCM cho biết mặc dù mức chiết khấu kinh doanh ở các hệ thống siêu thị là khác nhau nhưng thường khá thấp. Đại diện này cho biết hiện Abbott thực hiện chiết khấu khoảng 0,7%, trong khi Mead Johnson ở mức dưới 1,5%. Như vậy tại siêu thị này sau khi nhập hàng, cộng thêm các khoản chi phí quảng cáo, quầy kệ và marketing, giá sữa đến tay người tiêu dùng chênh lệch với giá nhập vào siêu thị chỉ khoảng 4%. Tuy nhiên, đại diện siêu thị này cho biết mặt hàng sữa kinh doanh tại các hệ thống siêu thị sức mua yếu, chủ yếu do giá khá cao so với ngoài thị trường.
Tại hệ thống bán lẻ, đại diện nhiều cửa hàng kinh doanh sữa cũng tiết lộ hiện mức chiết khấu mà đơn vị phân phối dành cho đại lý bán lẻ là không đáng kể. Chủ một cửa hàng sữa trên đường Nguyễn Thông (Q.3, TP.HCM) cho hay hiện nhãn sữa Abbott đang áp dụng chiết khấu khoảng 0,3%, hàng loạt nhãn hiệu khác cũng áp dụng mức chiết khấu chưa tới 1%.
Trong khi đó, một số loại sữa mới nhập khẩu vào VN lại áp dụng mức chiết khấu mạnh tay hơn, mặc dù chênh lệch giá nhập khẩu và giá bán lẻ không có khoảng cách xa như ở một số hãng sữa lớn nêu trên. Trong vai một người chuẩn bị mở cửa hàng kinh doanh sữa và thực phẩm chức năng, chúng tôi đến showroom của một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu các loại sữa xuất xứ New Zealand. Nhân viên showroom khẳng định chi mức chiết khấu 10%, và nếu hàng bán chạy mức chiết khấu có thể tăng lên 15% so với giá bán lẻ.
Còn tại một công ty nhập khẩu và phân phối độc quyền một nhãn hiệu sữa nhập khẩu nguyên lon từ Mỹ, khi chúng tôi đặt vấn đề muốn trở thành đại lý, ông Thành - phụ trách kinh doanh của nhãn hiệu sữa này - khẳng định mức chiết khấu ban đầu là 7% áp dụng cho tất cả mọi khách hàng mua sỉ. Còn trường hợp khách hàng muốn có chiết khấu cao hơn, công ty vẫn có chính sách giải quyết riêng. Tuy nhiên cụ thể bao nhiêu, tổng giám đốc công ty quyết định dựa trên cam kết về số lượng hàng tiêu thụ.
Theo BẠCH HOÀN - DŨNG TUẤN (Tuổi Trẻ)
Không nhớ nổi giá sữa tăng mấy lần? Theo thống kê của nhiều đại lý sữa, kể từ tháng 7/2012 đến nay, giá sữa ngoại nhập đã tăng nhiều lần, đẩy giá bán lẻ lên mức rất cao. Cụ thể, nhãn hàng Abbott đã tăng giá mặt hàng sữa tới hai lần. Khoảng giữa tháng 9/2012, một số nhãn hàng đổi mẫu và áp dụng giá mới, đến khoảng tháng 2/2013 nhãn hiệu này tiếp tục áp dụng tăng 7-9% so với giá cũ ở một số mặt hàng dòng Gain IQ, Similac và Abbott Grow... Giá Gain Plus IQ loại 1,7kg hiện được bán ở các đại lý với mức 808.000 đồng, tăng thêm 70.000 đồng/hộp so với trước đây. Tương tự, Pediasure loại 1,7kg tăng từ 896.500 đồng lên 981.500 đồng/hộp, tăng 85.000 đồng/hộp so với trước khi tăng giá. Không riêng gì Abbott, hàng loạt nhãn sữa như XO, Mead Johnson, Nestlé, Physiolac...cũng điều chỉnh tăng giá với mức 5-15% tùy hãng trong khoảng một năm qua. Cụ thể, vào ngày 27/3 nhãn hàng Physiolac nhập khẩu từ Pháp tăng thêm 15%. Sản phẩm dinh dưỡng 900g cho trẻ dưới 6 tháng tuổi tăng từ 412.000 đồng lên 474.000 đồng/hộp. Trước đó, vào ngày 1/11/2012, sữa XO của Hãng NamYang (Hàn Quốc) do Công ty cổ phần Nam Dương phân phối đã được điều chỉnh giá với mức tăng gần 10%. Anh Nguyễn Mười, chủ cửa hàng sữa trên đường Nguyễn Thông (Q.3), cho biết bản thân đại lý không nhớ nổi các hãng sữa tăng giá bao nhiêu lần, chưa kể một số nhãn còn liên tục đổi mẫu, tăng giá. “Phân phối đưa bảng thông báo tăng giá xuống thì mình áp dụng giá mới chứ không thể nhớ cụ thể ra sao hết” - anh Mười nói. |