“Gia sư áo xanh” dạy học hè cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn

03/08/2024 - 06:48

PNO - Không cần bảng đen, phấn trắng, suốt những ngày hè, các “gia sư áo xanh” cần mẫn kèm cặp, phụ đạo kiến thức cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại TPHCM.

Lớp học trong phòng khách

Gần 18g một ngày cuối tháng Bảy, trẻ nhỏ lục tục cắp sách đến khu lưu trú văn hóa số 48 (số 85 Trần Thanh Mại, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TPHCM). Vừa bước vào cổng, em Đặng Kim Ngân - học sinh lớp Năm Trường tiểu học Tân Tạo A - đã vội chạy đến chỗ các “gia sư áo xanh” líu lo: “Hôm nay, mình học bài gì vậy chị, rồi mình chơi gì nữa?”. Ngân ríu rít kể về những việc đã làm trong ngày, những kiến thức của buổi học trước…

Lớp học kéo dài từ 18g đến 19g30 tối thứ Hai, thứ Tư với 12 gia sư và 15 học sinh. Em nhỏ nhất vừa vào lớp Một, em lớn nhất vừa học xong lớp Chín. Trong phòng khách chưa đầy 20m2 của khu lưu trú, học sinh và gia sư ngồi xen kẽ nhau trên những chiếc ghế nhựa.

Sinh viên Đỗ Hoàng Phát - Trường đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM - bắt đầu buổi học: “Giờ mình ôn lại bài cũ nha. Bài viết các tích sau dưới dạng lũy thừa và nêu cơ số, số mũ của chúng phải làm như thế nào đây Thiện?”.

Lướt qua đề bài, em Nguyễn Hồ Phước Thiện - học sinh Trường THCS Tân Tạo - nhanh nhẹn đáp: “Dạ là 7 mũ 5 và 12 mũ n”… Sau vài bài tập nhỏ, “thầy trò” bước vào bài học toán hình. Vừa kẻ hình vào tập, Hoàng Phát vừa định nghĩa về hình thang. Nghe xong, Thiện hỏi ngay: “Vậy hình thang có gì đặc biệt so với những hình khác hả anh?”… Cứ như thế, bài học mới cuốn hút Thiện và các em khác.

Học sinh học cùng “gia sư áo xanh” tại khu lưu trú văn hóa số 48
Học sinh học cùng “gia sư áo xanh” tại khu lưu trú văn hóa số 48

Thiện bộc bạch: “Em rất thích các anh chị nên đã học 2 mùa hè rồi. Không khí học tập ở đây rất vui vẻ nên em không thấy áp lực như ở những nơi khác”. Còn em Nguyễn Lê Đức Thịnh - vừa học xong lớp Chín - chia sẻ: “Em không vào lớp Mười mà đi học nghề, nhưng em vẫn muốn học ở đây để có thêm kiến thức. Các anh chị còn chia sẻ nhiều kinh nghiệm, kỹ năng sống cho em”.

Chị Nguyễn Thị Kim Hồng - chủ khu lưu trú, có 2 con đang học tại lớp - cho biết, có nhiều học sinh không chịu đi học với giáo viên mà chỉ thích học ở đây. Phụ huynh cũng thích vì tiện đưa đón và không tốn chi phí.

Là điểm trưởng của lớp học, Nguyễn Thiên Phú - sinh viên năm 3 ngành ngôn ngữ Trung Quốc, Trường đại học Sư phạm TPHCM - thông tin: Đầu hè, học sinh khu vực xung quanh sẽ đến gặp chủ khu lưu trú để đăng ký ôn luyện môn học mà mình học kém nhất. Mỗi gia sư kèm từ 1-2 học sinh theo phân môn mà mình giỏi.

Ngoài ra, lớp học còn có các hoạt động về an toàn giao thông, chủ quyền biển đảo, đạo đức và pháp luật… để rèn luyện kỹ năng, phát triển tư duy cho học sinh.

“Gia sư áo xanh” là chương trình tình nguyện thường niên do Ban Công nhân lao động Thành đoàn TPHCM phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM và Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM tổ chức. Chương trình nhằm hỗ trợ phụ đạo, ôn tập kiến thức cho con em công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TPHCM.

Giảng cho đến khi các em hiểu mới thôi

Năm nay, chương trình thu hút hơn 1.000 sinh viên tham gia phụ đạo kiến thức tại 52 khu lưu trú, khu nhà trọ tại TPHCM. Toàn bộ gia sư đều phải tham gia lớp tập huấn về nghiệp vụ sư phạm, cách nắm bắt tâm lý lứa tuổi và xử lý các tình huống trong giờ học.

Nguyễn Thiên Phú chia sẻ: “Các bạn nhỏ học chương trình mới nên chúng tôi phải chủ động tìm hiểu bài trước, bảo đảm nắm chắc kiến thức để dạy cho các em. Những kiến thức nào còn mơ hồ thì hỏi những người có chuyên môn”.

Tại khu lưu trú văn hóa số 24 (63A Lê Trọng Tấn, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú) cũng có một lớp học “gia sư áo xanh”. Lớp học diễn ra từ 8g đến 9g30 sáng thứ Bảy, Chủ nhật và thứ Hai hằng tuần.

Nguyễn Gia Bảo - sinh viên năm 2 Trường đại học Ngoại ngữ Tin học TPHCM - kể: “Lúc đầu, tôi nghĩ mình sẽ được dạy ở một lớp học có phấn trắng, bảng đen. Nhưng thực tế đây chỉ là khu nhà được người dân cho mượn, có vài cái bàn và ghế nhựa. Dù vậy, học sinh ở đây rất ngoan. Chúng tôi chia nhau hỗ trợ ở 3 môn toán, ngữ văn và tiếng Anh cho các em”.

Mỗi ngày đi dạy, “gia sư” Nguyễn Gia Bảo đều chuẩn bị tài liệu riêng, không lấy hoàn toàn bài giảng trong sách giáo khoa. Ví dụ, với môn tiếng Anh thì phải có các hình ảnh minh họa, giúp học từ vựng dễ hơn. Với môn toán, chủ yếu làm những dạng bài mà học sinh còn yếu…

Có định hướng theo ngành sư phạm nên với Nguyễn Gia Bảo, đây là cơ hội thực hành rất tốt. Bảo nói: “Mỗi khi có học sinh không hiểu bài, tôi lại về nghiền ngẫm lại. Vì sao ngày xưa thầy cô giảng như vậy thì mình hiểu mà áp dụng với các em thì lại không hiểu? Cứ như vậy, tôi nghĩ cách mới để giảng lại cho đến khi các em hiểu mới thôi. Nhờ đó, tôi có thêm kinh nghiệm cho tương lai”.

Thầy Lê Tấn Phát - giáo viên Trường trung học Thực hành (Trường đại học Sư phạm TPHCM) - điểm trưởng của lớp học - chia sẻ: “Ở đây, lứa tuổi và khả năng tiếp nhận kiến thức của học sinh rất đa dạng, đòi hỏi người dạy phải nghiên cứu kỹ để soạn bài giảng phù hợp. Đôi khi cũng xảy ra tình trạng người dạy truyền đạt mà học sinh không hiểu, buộc mình phải tìm nhiều cách giải thích để các em nắm bắt được”.

Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn chưa có điều kiện tiếp cận với những môi trường học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng và hoạt động ngoại khóa trong dịp hè. Do đó, chương trình “gia sư áo xanh” rất ý nghĩa, không chỉ giúp đỡ các em mà còn nêu cao tinh thần thiện nguyện của sinh viên TPHCM.

Ông Lê Hoàng Minh - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Thanh niên công nhân TPHCM


Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI