Và nếu ông Hoài nhìn vào thị trường quảng cáo hình ảnh thời gian gần đây, hẳn ông sẽ nghĩ lại.
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn thi đấu tại giải U23 châu Á, trang cá nhân của Bùi Tiến Dũng đã có lượt người theo dõi tăng lên con số gần 2,7 triệu lượt. Mỗi hình ảnh chia sẻ của chàng thủ môn luôn nhận được hàng trăm nghìn lượt yêu thích, hàng nghìn lượt bình luận. Đến hiện tại, đây được xem là trang cá nhân “hot” nhất nhì ở Việt Nam.
|
Thủ môn Bùi Tiến Dũng |
Chính vì thế, mức giá mà một đơn vị tư vấn cho chàng thủ môn này rơi vào con số khoảng 2.500 USD (khoảng 60 triệu đồng) cho một post quảng cáo, 5.000 USD (khoảng 110 triệu đồng) cho 1 tiếng phát trực tiếp, một lần đăng ảnh, check-in tại sự kiện là 5.000 USD… Những con số này khi được công bố khiến không ít người phải hốt hoảng, xen lẫn bất ngờ về món lợi mà người nổi tiếng thu được khi quảng cáo trên mạng xã hội. Nhưng Bùi Tiến Dũng không phải là trường hợp duy nhất.
|
Trang cá nhân của Bùi Tiến Dũng có lượt người theo dõi cao ngất |
Theo tìm hiểu, giá quảng cáo trên mạng xã hội của Hoa hậu Phạm Hương, Trấn Thành, Noo Phước Thịnh, Đông Nhi, Chi Pu rơi vào khoảng 2.500 đến 3.000 USD, Khởi My khoảng 2.000 USD. Diễn viên Ngọc Lan cũng có mức giá quảng cáo rất cao, từ 20 đến 50 triệu đồng, tuỳ theo thoả thuận. Ca sĩ Nhật Kim Anh lại có giá mềm hơn, từ 15 đến 30 triệu đồng.
Một vài người đẹp đã đạt được danh hiệu tại các cuộc thi lớn cũng có mức giá quảng cáo trên trang cá nhân rơi vào khoảng 15 đến 25 triệu cho 1 mẩu đăng tải. MC Phan Anh cũng là một trong những người nổi tiếng bán quảng cáo trên mạng xã hội khá hiệu quả. Trong 1 tuần trở lại đây, trên trang cá nhân của anh đã xuất hiện đến 7 post có đề cập đến các nhãn hàng, từ dầu nhớt, trang phục, thức ăn cho đến dịch vụ làm đẹp.
Tùy vào yêu cầu của nhãn hàng: chỉ đăng tải bài viết, đăng tải bài viết có hình ảnh, đăng tải clip, livestream... mà mức giá cũng khác nhau.
|
Đông Nhi và Chi Pu là 2 trong những người nổi tiếng có giá quảng cáo rất cao trên mạng xã hội |
Trong xu thế phát triển của mạng xã hội, môi trường internet trong những năm trở lại đây, ngoài việc chọn gương mặt đại diện, thực hiện các chiến dịch quảng cáo thực tế, các nhãn hàng có xu hướng chọn KOLs - một người hoặc nhóm người có tầm ảnh hưởng tương đối rộng trên cộng đồng mạng. KOLs thường được các nhãn hàng chia thành 3 nhóm chính: người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng và những người có ảnh hưởng trên cộng đồng mạng, với lượt theo dõi trang cá nhân, fanpage cao.
|
Điểm chung ở những nhân vật này là số lượng người hâm mộ đông đảo, trang cá nhân, fanpage trên mạng xã hội có lượng người theo dõi lớn.
Trong đó, Hoa hậu Phạm Hương có hơn 1 triệu người theo dõi trang cá nhân, fanpage của Noo Phước Thịnh có gần 4 triệu người thích, gần 800 nghìn người theo dõi trên trang cá nhân. Con số này lại tăng khá mạnh ở fanpage của Đông Nhi, Chi Pu, Trấn Thành hay Khởi My với con số lần lượt là 8,3 triệu, 10 triệu và 11 triệu. Chính sự ảnh hưởng, có tác động lớn đến cộng đồng như thế, những nghệ sĩ này luôn trở thành lựa chọn hàng đầu của các nhãn hàng cho việc quảng cáo trên mạng xã hội.
Việc người nổi tiếng xuất hiện trong chiến dịch quảng cáo của các nhãn hàng có lợi ích rất lớn khi tạo được sự ảnh hưởng đến tâm lý người dùng.
Theo đánh giá, việc người nổi tiếng tham gia vào chiến dịch quảng cáo của nhãn hàng trên mạng xã hội có hiệu quả cao bởi cảm xúc và lòng tin mà họ mang đến. Chọn những gương mặt càng đình đám tham gia quảng cáo, giá trị thương hiệu càng có khả năng được tăng ở người dùng. Nói một cách khác, KOLs giúp các thương hiệu tiếp cận được đối tượng khách hàng mà họ mong muốn.
|
Ca sĩ Soobin Hoàng Sơn quảng cáo cho một thương hiệu giày |
Chính vì lý do này, không ít người nổi tiếng chọn đường đầu tư vào mạng xã hội bằng cách thưởng xuyên tương tác, tư vấn, trao đổi... để có thêm nguồn thu nhập không hề nhỏ.
Tuy nhiên, việc chọn người nổi tiếng làm quảng cáo lại có thể là con dao 2 lưỡi. Nếu nhân vật được chọn có hình ảnh sạch, thương hiệu sẽ được đón nhận. Nhưng nếu người nổi tiếng dính đến scandal, nhãn hàng phải đối diện với những rủi ro, ở mức cao nhất khi đánh mất lòng tin, thiện cảm của người dùng.
Các quảng cáo của một nhãn hàng nước giải khát có gas từng chịu hậu quả nặng nề đại diện thương hiệu của vướng vào kiện tụng và scandal như trường hợp của Mike Tyson, Michael Jackson và Madonna. Một hãng giày đã mất 105.000 khách hàng, tương đương 1,7 triệu USD doanh thu chỉ trong vòng 6 tháng bởi gương mặt quảng cáo vướng vào việc ngoại tình tai tiếng.
|
Thời điểm vướng scandal tình ái, nhiều thông tin cho rằng các quảng cáo có sự xuất hiện của Hồ Ngọc Hà cũng bị ảnh hưởng |
Với trường hợp của Bùi Tiến Dũng, không khó để thấy sự quan tâm của công chúng dành cho anh mang tính thời điểm như thế nào. Khác với ca sĩ hay diễn viên, hoạt động nghề (đồng nghĩa với tần suất xuất hiện và tương tác với công chúng) phụ thuộc vào bản thân là chính, thì cầu thủ lại rơi vào thế bị động hơn. Nói một cách khác, vào khoảng thời gian không có giải đấu, công chúng có sự quan tâm khác, sự tương tác của cầu thủ này với người dùng chắc chắn sẽ giảm đi. Khi ấy, Bùi Tiến Dũng có còn giữ được mức giá bán quảng cáo này hay không, không phải là là khó đoán.
Thực tế, nhiều người bất ngờ với bảng giá mà phía được cho là đại diện thương mại của Bùi Tiến Dũng đưa ra, nhưng con số này không hề quá cao so với thị trường hiện tại. Một số người trong nghề dịch vụ còn cho rằng với lượt theo dõi tự nhiên như thế, không hề chiêu trò, hiệu quả (thể hiện qua sự tương tác của người dùng) mà cầu thủ này mang lại còn hơn hẳn các ngôi sao giải trí có cùng mức giá.
|
Bên cạnh những ý kiến tranh luận vẫn có một bộ phận bênh vực, cho rằng giá quảng cáo của Bùi Tiến Dũng là hợp lý, thậm chí có thể cao hơn |
Dĩ nhiên, thật ích kỷ nếu cứ vin vào lòng yêu nước để đòi hỏi Bùi Tiến Dũng phải tránh xa việc sử dụng hình ảnh của mình để kiếm tiền. Cho đến khi nào Dũng còn tận hiến với nền bóng đá Việt, đến khi nào anh vẫn còn hồn nhiên với những cú bắt bóng... ngày đó anh vẫn cứ xứng đáng được yêu thích, và xứng đáng được nhãn hàng lựa chọn.
Đã có không ít người, thuộc showbiz hoặc không, vô tình hoặc cố tình gây ồn ào để có thể thu về lượng theo dõi khủng, hòng khiến mình tăng cấp bậc trong cộng đồng KOLs.
Thời điểm Chi Pu lấn sân ca hát, bị dư luận phản ứng, chỉ trích dữ dội, dù phải chịu những áp lực nhất định nhưng giá đi sự kiện, quảng cáo của cô lại tăng vọt, dù trước đó đã ở mức cao nhất nhì trong làng giải trí Việt. Nói về trường hợp này, một nữ nghệ sĩ đùa vui: “Để bị chửi mà giá quảng cáo, đi sự kiện tăng như thế, chắc tôi cũng phải làm liều”. Nhưng rồi, để khi sự việc “nguội” dần, sự quan tâm mà dư luận dành cho cô cũng giảm hẳn.
|
Từng bị chửi dữ dội khi lấn sân ca hát nhưng giá quảng cáo, cát-sê của Chi Pu lại tăng theo |
Thôi thì, công chúng hãy cứ đừng bất ngờ nếu một buổi sáng thức dậy, không chỉ là Bùi Tiến Dũng mà Nguyễn Quang Hải hoặc Lương Xuân Trường, một bảng giá cho mỗi lần đăng tải theo yêu cầu trên trang cá nhân!
Người nổi tiếng bị “bốc phốt” khi quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội
Việc quảng cáo trên mạng xã hội mang đến nguồn thu nhập đáng kể cho người nổi tiếng. Tuy nhiên, một thực tế đang diễn ra có không ít người không sử dụng sản phẩm lại quảng cáo, tâng bốc quá mức như đã sử dụng khiến không ít người dùng tin sái cổ. Đến khi sự việc vỡ lẽ, chất lượng của sản phẩm mới được nhìn nhận rõ.
Tháng 4/2017, hình ảnh Phạm Hương chụp quảng cáo cho một loại mỹ phẩm được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Tuy nhiên, đây lại là một loại kem trộn khiến không ít người phản ứng. Theo một nguồn tin, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015 đã được trả 6.000 USD cho hợp đồng quảng cáo này. Trước những ý kiến trái chiều, Phạm Hương giữ im lặng.
|
Hình ảnh Phạm Hương quảng cáo kem trộn |
Trước đó, Á hậu Huyền My và diễn viên Diễm My 9X cũng bị chỉ trích khi quảng cáo cho kem trộn, loại mỹ phẩm bị tẩy chay kịch liệt vì dễ mang đến những hậu quả khôn lường cho người sử dụng.
Đầu tháng 11/2017, một lô mỹ phẩm không rõ nguồn gốc trị giá 11 tỷ đồng đã bị cơ quan chức năng thu giữ. Bất ngờ hơn cả chính là những gương mặt đại diện cho công ty sở hữu sản phẩm này đều là những ngôi sao nổi tiếng trong showbiz như: Ốc Thanh Vân, Lã Thanh Huyền, Ngọc Hân, Huyền Lizzie, Jennifer Phạm, Trương Quỳnh Anh, Thuý Diễm, Tâm Tít… Sự việc này khiến dư luận phản ứng dữ dội vì chuyện người nổi tiếng bất chấp lợi ích để nhận quảng cáo sản phẩm mà không truy rõ nguồn gốc.
Hoa hậu Kỳ Duyên cũng từng bị lên án vì quảng cáo mỹ phẩm trên trang cá nhân. Gần đây nhất, người mẫu Trang Trần đã trực tiếp vào trang cá nhân để “chỉnh” đàn em vì quảng cáo mà không nắm rõ nguồn gốc của sản phẩm: “Em vừa nói sản phẩm của Việt Nam rồi nói sản phẩm của Hàn Quốc nhập khẩu Việt Nam. Trước khi em PR chị nghĩ em nên cân nhắc kỹ sản phẩm, dùng sản phẩm rồi hãy PR. Chứ nếu em chỉ dùng quảng cáo xong rửa mặt đi thì ắt sẽ không bao giờ ảnh hưởng nhưng các chị em tin thì sẽ gặp vấn đề. Mình có điều kiện để các spa giúp mình chữa trị nhưng khách hàng không phải ai cũng có điều kiện. Thà em nói em được tặng thì sẽ không bị mọi người đánh giá là không có trách nhiệm”.
|
Kỳ Duyên bị phản ứng khi quảng cáo mỹ phẩm được cho là hàng nhái |
Cách đây vài ngày, ca sĩ Sỹ Thanh chia sẻ một đoạn video clip hướng dẫn trang điểm. Nhiều người xem đã phát hiện và phản ứng bằng việc để lại bình luận khi Sỹ Thanh PR cho một hãng mỹ phẩm rởm nhưng với những lời giới thiệu vô cùng bắt tai.
|
Thụy Khuê