Giá phải trả!

29/04/2013 - 14:40

PNO - PN - Hơn bốn ngày sau khi xảy ra vụ sập tòa nhà tám tầng Rana Plaza ở ngoại ô thủ đô Dhaka (Bangladesh), có 378 người chết (tính đến sáng 29/4), hơn 2.400 người được cứu sống. Công tác cứu nạn vẫn đang tiếp tục, số người thiệt...

Gia phai tra!

Xác một nạn nhân được tìm thấy ngày 28/4 (ảnh: CNN)

Gia phai tra!

Lực lượng cứu hộ vẫn tiếp tục tìm kiếm nạn nhân (ảnh: CNN)

Tai nạn là thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử ngành dệt may Bangladesh, bởi trong tòa nhà phức hợp này có các xưởng may gia công hoạt động với 3.122 nhân công. Ít nhất 10.000 người đã tham gia cuộc biểu tình kéo dài ở thủ đô Dhaka, nhằm yêu cầu bắt giữ chủ tòa nhà Rana Plaza và cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân may. Vụ sập nhà này là “giọt nước tràn ly” vì từ năm 2005 đến nay, hơn 700 công nhân may mặc tại Bangladesh đã chết vì hỏa hoạn trong lúc làm việc, theo Diễn đàn quốc tế về quyền lao động (có trụ sở tại Washington, Mỹ). Cách nay năm tháng, vụ hỏa hoạn tại xưởng may Tarzeen Fashion (cũng ở ngoại ô thủ đô Dhaka) đã giết chết 117 người, 200 người khác bị thương.

Gia phai tra!

Một chủ xưởng may bị bắt ngày 27/4 (ảnh: CNN)

Ngày 27/4, cảnh sát đã bắt giám đốc điều hành, chủ tịch cùng hai kỹ sư phụ trách an toàn sản xuất của Công ty New Wave Apparels Ltd - đơn vị có xưởng may trong tòa nhà bị sập. Cuối ngày này, cảnh sát tiếp tục bắt một chủ xưởng may và vợ của người chủ sở hữu tòa nhà. Riêng ông Mohammed Sohel Rana, chủ sở hữu Rana Plaza, cũng là một chính trị gia địa phương, đã bỏ trốn ngay sau khi xảy ra tai nạn.

Theo thông tin ban đầu, tòa nhà này được xây dựng trái phép từ năm 2007. Rajdhani Unnayan Kartripakkha (Rajuk), cơ quan chịu trách nhiệm về an toàn xây dựng ở thủ đô Dhaka không hề cấp phép cho tòa nhà này xây dựng xưởng may bên trong, nhưng ông Sohel lại có được giấy phép từ người phụ trách đô thị ở địa phương - cũng là đồng minh chính trị với ông. Điều tệ hại là, một ngày trước khi xảy ra tai nạn, khi phát hiện các vết nứt nguy hiểm, một ngân hàng có trụ sở tại Rana Plaza đã quyết định tạm đóng cửa, trong lúc quản đốc các xưởng may lại “phán” là không hề hấn gì và buộc công nhân phải tiếp tục làm việc. Theo lời kể của cư dân địa phương, người ta đã dùng vũ lực thúc ép công nhân không được rời tòa nhà.

Gia phai tra!

Nỗi đau mất người thân trong vụ sập tòa nhà tám tầng - Ảnh: Internet

Với giá nhân công rẻ mạt (khoảng 38 USD/người/tháng), Bangladesh trở thành nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới, đem lại 80% doanh thu xuất khẩu hàng năm của nước này. Với 60% tổng sản phẩm được xuất khẩu sang châu Âu, còn lại là sang Mỹ (23%), Canada (5%)… Bangladesh hiện có hơn 4.000 xưởng may với bốn triệu nhân công làm việc trong môi trường vô cùng tồi tàn.

Lợi nhuận làm mờ mắt cả quan chức địa phương lẫn các thương hiệu lớn là đối tác của ngành công nghiệp may mặc Bangladesh. Trong lúc các đối tác cắt giảm tối đa chi phí sản xuất, thì viên chức chính phủ Bangladesh mặc sức tham nhũng để nhắm mắt làm ngơ cho các quy chuẩn về an toàn bị “xé rào”. Mọi hậu quả đổ lên đầu người lao động!

Sam Maher, thuộc tổ chức Labour Behind the Label cho biết: “Thật không thể tin nổi các công ty sở hữu những thương hiệu lớn vẫn từ chối ký một thỏa thuận ràng buộc với công đoàn và các nhóm đại diện quyền lợi của người lao động ở Bangladesh để ngăn chặn tình trạng không an toàn tại đây. Bi kịch nối tiếp bi kịch cho thấy quy trình giám sát đã không bảo vệ được người lao động”.

VĨNH LINH
(Theo AP, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI