Gia phả thời nào cũng cần thiết

02/02/2016 - 07:14

PNO - Gia phả ghi lại lịch sử chi họ, gồm lai lịch ông bà thủy tổ và công lao của ông bà đối với chi họ, sự phát triển của các thế hệ.

Thạc sĩ Phan Kim Dung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu & thực hành gia phả, thuộc Viện Lịch sử dòng họ TP.HCM, cho biết:

- Gia phả là quyển sách ghi lại lịch sử chi họ, bao gồm lai lịch ông bà thủy tổ và công lao của ông bà đối với chi họ, sự phát triển của các thế hệ từ thủy tổ đến hiện tại, lịch sử tổ quán và truyền thống tốt đẹp của chi họ, đặc biệt là phải có ngày giỗ của những người đã qua đời trong chi họ.

Mục đích của gia phả là xác định huyết thống, cội nguồn; phân biệt bà con xa gần, biết ngày giỗ để tổ chức giỗ. Gia phả có rất nhiều lợi ích: giúp gia đình, dòng họ biết cội nguồn, nuôi dưỡng đạo lý uống nước nhớ nguồn, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống; học tập gương sáng của tổ tiên và sự giáo dục của tổ tiên được lưu giữ trong gia phả; biết được truyền thống tốt đẹp của dòng họ để giữ gìn và phát huy, tránh kết hôn trong họ. Gia phả còn bổ sung cho chính sử, là tài liệu để các nhà khoa học nghiên cứu.

Gia pha thoi nao cung can thiet
Ảnh minh họa: Internet

Từ hơn 150 bộ gia phả trung tâm đã dựng từ năm thành lập (1992) đến nay, chúng tôi nhận thấy các chi họ để lại những truyền thống quý báu đáng được con cháu trân trọng và phát huy. Đó là sự cần cù và sáng tạo trong lao động sản xuất; lòng hiếu thảo, sự tôn kính phụng thờ tổ tiên; tinh thần bất khuất, kiên cường, quả cảm trong đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm cho dân tộc trường tồn…

* Công việc của trung tâm là một sự “ngược dòng” trước cuộc sống lao nhanh về phía trước với nhịp điệu ngày càng hối hả…

- Chúng tôi có chăng chỉ là đi ngược dòng thời gian, giúp tìm về nguồn cội. Giới trẻ nhạy bén với cái mới, dám nghĩ dám làm, có óc sáng tạo nhưng ánh sáng văn hóa thời mở cửa thu hút một bộ phận của giới trẻ khiến họ dễ lãng quên văn hóa dân tộc, lãng quên quá khứ dẫn đến mất bản sắc.

Thời hiện đại, con người mới được xây dựng theo tiêu chí có tri thức khoa học đồng thời phải kế thừa truyền thống tốt đẹp của chi họ mình, những điều này được lưu giữ trong gia phả. Vì thế, lập gia phả là rất cần thiết trong thời kỳ mới. Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển cùng nhiều phương tiện hiện đại tạo nhiề u thuận lợi cho việc kết nối lập phả.

* Các gia đình có thể tự dựng phả hay phải nhờ đến chuyên gia, thưa bà?

- Các chi họ có thể tự dựng phả nếu biết được cấu trúc bộ gia phả và phương pháp dựng phả. Cấu trúc của bộ gia phả, ngoài lời tựa – nêu lý do dựng gia phả, phần chính phả gồm các nội dung: phả ký là viết lịch sử dòng họ, phả hệ phải ghi hậu duệ các đời cùng hành trạng (tiểu sử thu gọn) của các thành viên, phả đồ thể hiện bảng vẽ trực hệ các đời.

Để gia phả thêm đầy đủ, sinh động, cần có cả phần ngoại phả gồm những bài viết có liên quan đến chi họ. Ngoài ra, cần thêm phần phụ khảo là đưa các loại giấy tờ: khai sinh, khai tử, giấy tờ tương phân ruộng đất, chúc thư chia gia tài cho con, di chúc, bản đồ… có liên quan đến dòng họ.

Việc dựng phả thực hiện tuần tự các bước. Bước đầu tiên là lấy thông tin tìm tư liệu bằng phương pháp điền dã phỏng vấn những bậc lão thành và người hiểu biết về dòng họ; sưu tầm tư liệu có liên quan đến chi họ, dòng họ; khảo sát mồ mả họ tộc, chi họ. Tiếp đó, phân loại và phân tích thông tin tư liệu để lấy thông tin chính xác. Bước cuối cùng là lập đề cương và viết theo cấu trúc trên bằng thể loại tường thuật, trần thuật, miêu tả.

Nếu gặp khó khăn trong việc dựng phả, có thể đến trung tâm để được chúng tôi tư vấn miễn phí: 275B Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM. ĐT: 08.39203667; 0916251750.

Hoài Nhân (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI