Bố chồng tôi là "anh chàng đẹp trai vui tính" như lời ông thường tự "nổ" cùng tràng cười sảng khoái, dù ông chỉ cao mét năm lăm và cân nặng sáu mươi tư ký. Thời trẻ ông từng vào Nam ra Bắc nên ông khá tự tin và xông xáo, đi đến đâu cũng mang lại tràng cười sảng khoái cho mọi người.
Đi đến đâu cũng lạc quan về những tấm bằng đại học của con. Hình minh họa
Ông có ba người con, một trai hai gái. Mặc kệ khó khăn đói khát, mặc kệ làng xóm nói con gái cần gì cho học nhiều, ông vẫn quyết cho con cái ăn học.
Không phụ lòng ông bà, chồng tôi và hai cô em gái học hành rất khá, cô gần út còn học hai trường đại học một lúc. Khỏi nói ông bà vui thế nào, ngày chồng tôi tốt nghiệp đại học, ông đã thuê hẳn một chiếc xe ô tô vượt hơn hai trăm cây số ra thủ đô, chở theo bà con trong họ "ra mừng cho cháu nó". Khi về quê, ông đi khoe khắp làng, thằng cả nhà tôi là đứa cháu đầu tiên trong họ, thậm chí trong làng có bằng đại học. Có người hùa theo, có khi cả huyện cả xã luôn cũng nên. Ông đi "điều tra" thật, may mà trong xã có vài người, chồng tôi không phải người đầu tiên, nhưng điều đó không làm ông bớt vui.
Trong những bữa tiệc, bên những chén trà trong nhà hay bên bờ ruộng, đề tài này cũng được ông lôi ra, ông tự hào về mấy đứa con ông thì thôi, ông còn khuyên bảo mọi người nên đầu tư cho con cái, còn "đầu tư cho giáo dục là đầu tư không bao giờ lỗ!", và có khi ông còn chỉ thẳng mặt từng người: "Chú, chú, và cậu, Nam Bắc gì cũng đi rồi mà không chịu mở mắt, đời mình nghèo cũng cố cho con cái ít chữ chứ? Chưa gì đã cho chúng nó ở nhà, rồi chồng chồng vợ vợ rồi muôn đời đầu cúi xuống đít nhỏng lên!". Người thân quen nghe ông nói vậy chỉ vâng dạ cho qua, người không đủ thân thì tím mặt giận dữ, có người ném đũa giữa bữa tiệc bỏ về.
Ông như hổ thêm cánh khi niềm vui nối tiếp niềm vui, con gái lớn cũng tốt nghiệp sau đó một năm, lần này ông còn làm to hơn lần trước, ông hể hả: "Con gái con trai gì cũng cần chữ nghĩa bằng cấp, có bằng cấp mới mở mặt được!". Đến nhà bạn có con bằng tuổi con gái đầu mà đã có hai đứa con, ông chép miệng: "Chưa gì đã bệu rệu thế này, ít học khổ thế đấy!". Đến nhà khác ông than khéo: "Con nhà tôi mải học chẳng chịu lấy chồng cho, đâu như con anh, thua con tôi một tuổi mà sắp hai con!".
Đến độ, cô em út không dám nói cho ông biết ngày tốt nghiệp, lấy bằng xong là cuốn gói chạy vào với vợ chồng tôi, sợ bị bố mang "bêu" khắp làng như phạm tội gì ghê gớm. Tôi đùa: "Được khen mà không thích!", cô thở dài, giờ bằng đại học có là gì mà bố cứ làm quá, xấu hổ chết đi được.
Cô Út thấy xấu hổ khi bố cứ khoe bằng đại học của các con. Ảnh minh họa
Cơ quan chồng tôi bị thanh tra gì đó, tạm ngừng hoạt động, nhân viên phải nghỉ không lương chờ đợi, chồng tôi chủ động xin nghỉ ra ngoài làm, bố nghe được mắng xối xả nói làm tư nhân thì làm làm gì, phải nhà nước mới oai. Chồng tôi bảo tư nhân lương gấp rưỡi nhà nước, ông hùng hổ, tư nhân làm gì có quyền. Mỗi khi gọi điện về hỏi thăm là ông lại cằn nhằn đến nỗi anh không muốn nói chuyện, phải đẩy cho vợ! Và dù chồng tôi đã nghỉ nhà nước năm năm, công ty cũng giải thể nhưng bố chồng vẫn kể con tôi làm phó phòng của công ty nhà nước, rằng chức phó phòng ấy, mấy chục năm trước là có tiêu chuẩn phân nhà...
Cô em gần út với hai bằng đại học vào công ty nước ngoài làm lương tháng cả ngàn đô bố chồng tôi gần như mọc cánh bay được, nhưng tội cho ông là ông chưa kịp khoe thì nghe tin cô con gái út đã có bầu ba tháng.
Khỏi nói ông giận dữ thế nào, mặc con bé đang vật vã sợ hãi, ông nói nó bôi gio trát trấu vào mặt ông, rằng ăn học phí tiền. Mặc gia đình cậu trai bên kia xin cưới, ông khăng khăng không đồng ý vì có học mà vác bụng trước khi cưới thì nhục nhã biết vứt mặt vào đâu. Ông còn nghĩ đến chuyện bắt cô út phải "xử lý sạch sẽ" rồi sau đó có cưới mới cưới, đứa trẻ chỉ được phép đến sau đám cưới ít nhất mười tháng, "gia giáo nhà này không cho phép vậy!", ông gầm lên với tôi.
Tất nhiên đám cưới vẫn diễn ra, vợ chồng tôi làm đại diện nhà gái vì ngoài quê không có ai vào, bố chồng tôi không báo cho ai biết, ông cấm bà không được đi.
Không hiểu sao chuyện này vẫn truyền về làng, y như ông dự đoán người ta bắt đầu cười cợt bóng gió. Ông nằm bẹp ở nhà không đi đâu, thậm chí ra vườn cũng không, ông cằn nhằn bà không biết dạy con, ông mắng bà không dặn dò chú ý con, thêm tội dung túng nuông chiều con khiến chúng hư hỏng, mọi tội lỗi do bà gánh hết.
Nhục thế này sao dám nhìn ai. Hình minh họa
Mẹ chồng tôi lấy nước mắt rửa mặt, ông nói ông phải bán xới xứ này mà đi chứ nhục thế này sao dám nhìn ai. Mỗi ngày ông mỗi cằn nhằn bà, không đi đâu được chỉ quanh quẩn trong nhà nhìn thấy bà nên ông càng điên tiết, càng tìm chuyện chửi.
Người ta không rảnh đi bàn tán chuyện nhà tôi mãi, nhưng vì sĩ diện, quen "nổ" nên bố chồng tôi luôn tưởng tượng ra, làm như chỉ cần ông ra đến ngõ, lập tức có đám đông ùa tới cười nói giễu cợt. Đến lúc này, tôi có cảm giác ông đã mắc bệnh "tưởng" nghiêm trọng.
Thật lòng tôi thấy thương ông dù ông thật đáng trách, kết quả hôm nay là do ông đan kết thành, nhưng ông vẫn không chịu hiểu.
Sau buổi tối bàn bạc, chồng tôi được cử về quê "bứng" ông vào trong này, cách ly ông khỏi bầu không khí đặc quánh ở nhà. Khi vào với con cháu, ông sẽ bình tâm lại và dần quên. Quan trọng là bản thân ông phải tự nhận biết mới có thể thay đổi.
Tôi tiếc những ngày ông hào sảng, đi đến đâu mang tiếng cười cho người khác, tự khen mình đẹp trai chỉ thua thằng Tèo con tôi...