Giá như cô con dâu ấy có nơi để về...

17/05/2021 - 09:18

PNO - Mặc dù rất thương con, nhưng rất ít ai khi thấy con không hạnh phúc trong hôn nhân mà bảo “thôi khổ quá thì về đây với bố mẹ”. Thay vì vậy, bố mẹ lại khuyên con chịu đựng.

Câu chuyện chị Đinh Th. Đ. (SN 1989, ở Đông Anh, Hà Nội) được tìm thấy thi thể sau khi rời nhà 10 ngày, để lại 4 trang nhật ký đẫm nước mắt làm xôn xao mạng xã hội.

Sự việc được chú ý hơn khi chị Đ. là chị họ của "người hùng" Nguyễn Ngọc Mạnh - người cứu bé gái rơi từ tầng 12 chung cư ở Hà Nội.

Theo thông tin chia sẻ, chị Đ. mồ côi mẹ từ sớm. Học hết lớp 12, chị đi làm phụ bố nuôi các em ăn học. Đến khi lấy chồng, hạnh phúc không được bao lâu thì xảy ra trục trặc với mẹ chồng. Bị mẹ chồng và chồng bạo hành, chị nuốt uất ức sống qua ngày.

Những dòng nhật ký đẫm nước mắt của chị Đ được người thân tìm thấy khi sự việc đau lòng đã xảy ra. Ảnh từ Facebook
Những dòng nhật ký đẫm nước mắt của chị Đ. được người thân tìm thấy sau khi chị mất - Ảnh từ Facebook

Trong 4 trang nhật ký, chị Đ. chia sẻ chị đã gánh chịu nhiều ấm ức và cay đắng ở nhà chồng. Điều đáng nói, những dòng tâm sự của chị chỉ được bố và em gái tìm thấy trong tập hồ sơ khám bệnh sau khi chị đã mất. Em gái chị Đ. cho biết: “Nếu nội dung tờ nhật ký này được phát hiện sớm, chắc chuyện này đã không xảy ra”.

Em gái chị Đ. thừa nhận: “Từ khi lấy chồng đến khi xảy ra sự việc, tôi ít khi tâm sự với chị gái”. Được biết, nhiều lần mâu thuẫn với nhà chồng, chị Đ. bỏ về nhà ngoại và nói: “Bố ơi con không chịu được nữa đâu”. Những lúc ấy, bố chị khuyên hãy cố gắng vì con cái.

Có lẽ những uất ức dồn nén nhiều năm không được giải tỏa đã khiến chị Đ. bế tắc đến mức chọn bước đường cùng.

Cộng đồng mạng xót xa cho hoàn cảnh của chị Đ. Ai cũng nghĩ, giá như chị bình tĩnh và nhận được sự chia sẻ từ người thân kịp thời, có thể mọi chuyện sẽ khác.

Nhiều người phụ nữ lập gia đình rơi vào lạc lõng, bơ vơ, bất lực khi hôn nhân không hạnh phúc mà không biết chia sẻ cùng ai, ngay cả những người ruột thịt. Sợ phiền, sợ bố mẹ đau lòng, những người phụ nữ đáng thương cứ thế một mình ôm lấy nỗi uất ức. Cha mẹ ở nhà thì nghĩ rằng, con gái lớn lên, đi lấy chồng là phải trưởng thành, tự xoay xở được mọi việc.

Mọi người phụ nữ đã có gia đình đều cần sự chia sẻ từ người thân khi gặp trục trặc trong cuộc sống, nhưng khi nghe con than vãn về hôn nhân, cha mẹ thường khuyên con nên chịu đựng thay vì đặt mình vào vị trí của con để thấu hiểu và cứu con. 

“Giờ bố chẳng có gì, ngoài sự già nua, giáo điều, lẩm cẩm. Nhưng bố còn tình yêu và một ngôi nhà, để bất cứ lúc nào, các con cũng có thể trở về”
Giá như cha mẹ nào cũng giang rộng vòng tay đón con về - Ảnh minh họa

Dù thương con, nhưng ít ai có thể nói: “Khổ quá thì về đây với bố mẹ”. Hầu hết cha mẹ khuyên con chịu đựng "để cho các cháu có gia đình yên ấm". Thậm chí có người “cấm” con ly hôn vì sợ ảnh hưởng đến thanh danh gia đình.

Mấy ai hiểu được rằng, đằng sau sự nín nhịn là cuộc sống đầy bế tắc không lối thoát, là ý nghĩ tiêu cực gặm nhấm tinh thần hàng ngày, để rồi những người phụ nữ khi đã quá sức chịu đựng sẽ hành động nông nổi dại dột.

Trong bộ phim Về nhà đi con từng một thời làm mưa làm gió trên sóng truyền hình, khi con gái không hạnh phúc, ông bố đã nói những lời đầy xúc động: “Giờ bố chẳng có gì, ngoài sự già nua, giáo điều, lẩm cẩm. Nhưng bố còn tình yêu và một ngôi nhà, để bất cứ lúc nào các con cũng có thể trở về”.

Giá như cha mẹ nào cũng sẵn sàng gạt bỏ điều tiếng để giang rộng vòng tay đón con về khi hôn nhân không hạnh phúc..

Thanh Tâm

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI