Giá như ba mẹ dám sống khác…

07/09/2024 - 15:01

PNO - Trong thẳm sâu, sự nuối tiếc về một phần cuộc đời lẽ ra đã có thể rất vui vẻ, hạnh phúc vẫn luôn ám ảnh anh.

Hôn nhân bế tắc là thực trạng khá phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay. Hay nói cách khác, nhiều cặp vợ chồng đang “mắc kẹt” trong hôn nhân ở nhiều mức độ, tính chất riêng. Chất lượng hôn nhân xấu không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của vợ chồng mà cả con cái.

Báo Phụ nữ TPHCM mở diễn đàn Hôn nhân “mắc kẹt” - đâu là lối thoát? nhằm chia sẻ đến bạn đọc những bài viết của người trong cuộc, qua trải nghiệm, mỗi người có cái nhìn, cách xử lý để tìm lối ra cho hôn nhân, cho cuộc đời mình.

Bài viết cho diễn đàn xin bạn đọc gửi đến email: toasoan@baophunu.org.vn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Hôn nhân mắc kẹt”. Đọc chủ đề của diễn đàn, điều đầu tiên tôi nghĩ tới là tình cảnh của Vũ - cậu bạn thân chơi với tôi hơn 20 năm. Lần nào gặp nhau, sau những cuộc trò chuyện trên trời dưới đất, lúc tôi quay lưng chuẩn bị về, Vũ lại sẽ nhìn theo và nói: “Ở lại ăn cơm với tao. Ăn một mình buồn quá”.

Gia đình của Vũ, theo lời bạn kể, có khoảng hơn 10 sổ đỏ ở TPHCM và nhiều cơ ngơi khác mà Vũ thực ra cũng chẳng mấy quan tâm. Căn nhà của gia đình bạn, nơi tôi có dịp ghé thăm từ thời sinh viên, là một tòa nhà 4 tầng bề thế, tọa lạc ngay trung tâm quận Phú Nhuận, TPHCM. Nhưng mỗi lần ghé thăm, sự lạnh lẽo có lẽ là điều dễ nhận thấy nhất trong căn nhà rộng lớn ấy. Vũ có tất cả những thứ mà đám sinh viên tỉnh lẻ như chúng tôi mơ ước: máy tính, xe máy, điện thoại đời mới nhất, máy ảnh xịn…

Vậy mà ít thấy khi nào Vũ cười. Nếu có cười thì chỉ là khuôn miệng thay đổi, còn ánh mắt lại không cười. Trong đôi mắt đó luôn phảng phất nét nhìn cô đơn, tuyệt vọng.

Có lần sinh nhật Vũ, ngồi giữa đống quà đắt tiền, Vũ chỉ buông một câu nghe thật buồn: “Món quà lớn nhất mà tao ao ước, thèm muốn nhất có lẽ chỉ là những bữa cơm chung”. Quả thật, tôi đã ghé nhà Vũ nhiều lần, nhưng chưa bao giờ thấy gia đình bạn ngồi ăn chung.

Rất lâu sau này, khi đã chơi với nhau gần 20 năm, chắp nối những tâm sự rời rạc của Vũ, tôi mới biết ba của Vũ dù đã gần tuổi về hưu nhưng vẫn cặp bồ, thường xuyên đổi xe, đổi điện thoại đời mới cho tình nhân.

Chuyện này kéo dài nhiều năm khiến mẹ Vũ chết tâm. Bà sống như một cái bóng: không phản kháng, không kêu gào, không tranh đòi, không ghen tuông, không ly hôn, nhưng cũng không để tâm vào vun xới cho tổ ấm nữa. Vị thế của ba Vũ ngoài xã hội, khối tài sản quá lớn của gia đình, công việc buôn bán bất động sản và những rắc rối nếu ly hôn; cùng với sự chia rẽ của anh em Vũ khi phải chọn ba hay chọn mẹ… khiến mọi việc trở nên phức tạp. Bản thân Vũ, dù mạnh mẽ đến đâu, cũng không thể đưa ra lựa chọn hay tư vấn gì đối với ba mẹ.

Giờ đây, mẹ Vũ dọn về căn nhà ở ngoại thành. Lễ, tết, đám tiệc… bà lại về nhà nấu nướng, xuất hiện như một nữ chủ nhân toàn vẹn trong mắt người ngoài. Nhưng bản thân Vũ hiểu tất cả chỉ là sự gắng gượng. Anh em Vũ, ba mẹ Vũ đều ngầm hiểu như thế, nhưng không ai có động thái gì để thay đổi. Sự bế tắc như một khối ung nhọt được bao bọc, vùi sâu quá lâu trong lòng tất cả thành viên, đến mức không ai dám động chạm dao kéo để cắt bỏ hoặc chữa lành nữa.

Vũ bây giờ đã có vợ và 2 con. Anh đưa vợ con về Cần Giờ sinh sống, như muốn dứt bỏ quá khứ bế tắc và mong muốn có một khởi đầu mới. Vũ nâng niu cuộc sống gia đình, nhưng trong thẳm sâu, sự nuối tiếc về một phần cuộc đời lẽ ra đã có thể rất vui vẻ, hạnh phúc vẫn luôn ám ảnh. Bạn nói mình không có quyền trách ba hay mẹ, nhưng giá như họ trách nhiệm hơn, mạnh mẽ hơn để dám sống khác thì có lẽ cuộc đời tất cả đã rất khác…

Viễn Đông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI