Gia nhập TPP, ngành nông nghiệp có thua trên sân nhà?

18/11/2015 - 07:12

PNO - Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa, dù AEC và TPP chưa có hiệu lực, nhưng ngành nông nghiệp  đã phải cạnh trạnh gay gắt của hàng ngoại.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trong phiên họp Quốc hội ngày 17/11, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) đặt câu hỏi: Dù AEC và TPP chưa có hiệu lực, nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam đã phải đối mặt trước việc mía đường không cạnh tranh được, gạo chất lượng cao của Thái Lan và Camphuchia, trái cây của Thái Lan được bày bán ngày càng nhiều trên thị trường. Thịt gà Mỹ, thịt bò Úc được nhập khẩu ngày càng nhiều và được nhiều người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn.

"Tất cả đang gây áp lực lớn lên nền nông nghiệp Việt Nam. Theo Bộ trưởng, ngành nông nghiệp Việt Nam có bị thua trên sân nhà hay không. Bộ trưởng có giải pháp gì để giúp chúng ta không bị thua trên sân nhà?" - Đại biểu TP. HCM thẳng thắn đưa ra câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng: “70% sản phẩm chăn nuôi của nước ta là do các hộ gia đình nông dân rất nhỏ sản xuất, trong khi cả nước Mỹ chỉ có 40 công ty và 29.500 hộ chăn nuôi, nuôi một năm 9 tỷ con gà.

Chúng ta có 8 triệu hộ nông dân nuôi một năm 320 triệu con gà, mỗi hộ rất ít, nên năng suất, chất lượng thì thấp mà giá thành thì cao. Nhưng rõ ràng, chúng ta không thể để ngành chăn nuôi của chúng ta thất bại trên sân nhà, vì đây là cuộc sống của người dân, của hàng triệu hộ nông dân”.

Gia nhap TPP, nganh nong nghiep co thua tren san nha?
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát - Ảnh: VTV.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng thừa nhận các giải pháp chỉ thực hiện ở mức độ kiềm chế tình hình chứ chưa có cải thiện đáng kể. Thậm chí gần đây một số việc còn xấu đi như việc sử dụng kháng sinh, chất cấm chăn nuôi đang bùng phát.

Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, người tiêu dùng cũng đang mất lòng tin vào những người chăn nuôi trong nước khi chính họ đang tự đánh mất uy tín của mình.

Bộ trưởng dẫn báo cáo giám sát an toàn thực phẩm 9 tháng đầu năm cho thấy, 1% thủy sản, 10% rau, 7% thịt có dư lượng vượt mức cho phép, nguyên nhân theo Bộ trưởng Phát không phải là thiếu quyết tâm hay cơ sở pháp lý mà bởi việc triển khai hướng dẫn tổ chức sản xuất, kiểm tra giám sát tới hàng triệu hộ nông dân và hàng chục nghìn cơ sở sản xuất vật tư chưa đủ sâu rộng để tạo ra chuyển biến căn cơ.

Giải pháp, tựu trung lại là phải tổ chức lại sản xuất và hỗ trợ nhân dân nhanh chóng ứng dụng khoa học - kỹ thuật để sản xuất ra các loại nông sản, kể cả những nông sản đang yếu thế cạnh tranh cũng cần phải tập trung nhiều hơn để hỗ trợ nhân dân.

“Phải hỗ trợ các hộ nông dân nhỏ để có năng suất cao hơn, chất lượng cao hơn, giá thành hạ hơn để cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Mặt khác, tạo điều kiện để cho các hộ sản xuất lớn, các công ty sản xuất theo kiểu công nghiệp đạt trình độ của các đối tác”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Từng trả lời Zing về việc gia nhập TPP sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP. HCM đưa ra nhận định: Giống như bất kỳ một cuộc chơi lớn nào, TPP đem đến cả cơ hội và thách thức. Điều đó có nghĩa là khi chấp nhận tham gia thì ta cũng phải chấp nhận một xác suất thua cuộc nào đó.

Gia nhap TPP, nganh nong nghiep co thua tren san nha?
Ngành chăn nuôi được đánh giá sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn khi gia nhập TPP.

"Từ góc nhìn cục bộ của các ngành kinh tế, từ trước khi ký TPP, chúng ta đã biết rõ là sẽ có những ngành được lợi và có những ngành thua thiệt. Chẳng hạn như một số nghiên cứu đến thời điểm này cho thấy, một số ngành chúng ta có thể được lợi nhiều là dệt, may, và da giày… Bên cạnh đó, một số ngành có thể chúng ta chịu thiệt nhiều là chăn nuôi, thức ăn gia súc, sản xuất thép, lắp ráp ôtô…", ông Tự Anh nhận định.

Tuy nhiên, dưới quan điểm trên, áp dụng với thực tế Việt Nam, nước ta hầu như không có gì nhiều ngoài những ngành hàng nông nghiệp.

Mặc dù vậy, thực tế cho thấy, không dễ để thực hiện các giải pháp này. Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp nhưng tiến trình còn chậm trễ. Nguy cơ thua trên sân nhà vẫn luôn được dư luận và các chuyên gia trong ngành nhắc tới.

Hoàng Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI