|
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo tại phiên họp, sáng 13/5 |
GDP cải thiện nhưng chưa đột phá
Sáng 13/5, tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024.
Theo Ủy ban Kinh tế, năm 2024, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, GDP Quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất trong Quý I từ năm 2020 đến nay và vượt kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
Vốn FDI đăng ký mới đạt hơn 7,1 tỷ USD; thu NSNN 4 tháng ước đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Xuất khẩu hàng hóa 4 tháng tăng 15%; nhập khẩu tăng 15,4%; xuất siêu 8,4 tỷ USD.
“Hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì, một số lĩnh vực tăng khá, khu vực công nghiệp và xây dựng dần lấy lại được đà tăng trưởng. Khách quốc tế đạt hơn 6,2 triệu lượt người, tăng 68,3% so với cùng kỳ và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019”, ông Vũ Hồng Thanh chỉ ra hàng loạt “tín hiệu” tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức.
Trước hết, theo Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP Quý I/2024 dù cải thiện nhưng chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững và chưa thể giúp nước ta thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Tổng cầu trong nước yếu, chậm hồi phục trong bối cảnh áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng.
Thứ hai, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (86,4 ngàn doanh nghiệp) cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (81,3 ngàn doanh nghiệp).
Thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức, tỉ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng đã buộc các tổ chức tín dụng phải có giải pháp kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động cho vay để giảm bớt rủi ro. Tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã giảm cho thấy khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế...
Bên cạnh đó, việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn chậm.
“Nhiều dự án cao tốc, đường giao thông trọng điểm, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực phía Nam bị thiếu cát san lấp, ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng như việc giải ngân vốn đầu tư công”, ông Vũ Hồng Thanh nêu.
Người mua nhà phải trả khoản tiền lớn cho giới đầu cơ
|
Người có nhu cầu ở đang phải trả khoản tiền quá lớn để mua nhà, đất cho giới đầu cơ - Ảnh minh họa |
Đánh giá về thị trường bất động sản, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, dù có tín hiệu phục hồi nhưng xuất hiện tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội. Tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra. Doanh nghiệp BĐS tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền.
Ông nhấn mạnh: “Giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối. Giá đất nền có dấu hiệu tăng trở lại ở các thành phố lớn, thậm chí tăng giá cao cục bộ do đầu cơ gây ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở của người dân, người lao động”.
Tình trạng đầu cơ đất đai sẽ dẫn đến một số hệ lụy như người có nhu cầu không thể tiếp cận đất đai; nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị “chôn” vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
“Người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ, người nghèo đang phải chi trả nhiều hơn cho nhu cầu về nhà ở, khiến tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng trầm trọng”, ông lo lắng và đề nghị Chính phủ có giải pháp ổn định tình hình trên. Chính phủ cũng cần thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định.
Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm chưa xử lý dứt điểm Một trong những tồn tại trong việc phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, theo Ủy ban Kinh tế là vẫn còn các quy định, thủ tục hành chính chưa được sửa đổi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Đáng lưu ý, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm chưa được xử lý dứt điểm, kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi còn chưa nghiêm; tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc vẫn diễn ra. Một số vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục còn tồn tại, hạn chế như mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục. Thị trường lao động còn tiềm ẩn rủi ro, xuất hiện tình trạng lao động xin nghỉ việc hàng loạt do tâm lý e ngại chính sách đối với người lao động thay đổi. Tội phạm về trật tự xã hội còn xảy ra nhiều, tội phạm về tham nhũng, kinh tế tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Tình hình trật tự an toàn giao thông chưa có nhiều chuyển biến, vẫn xảy ra những vụ tai nạn lao động, cháy nổ nghiêm trọng, gây thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân, doanh nghiệp. |
Minh Quang