Giá nhà cứ vươn cao, làm sao mua nổi?

11/11/2024 - 06:29

PNO - Phải mất ít nhất 25 năm, một gia đình tiết kiệm được 5 triệu đồng/tháng mới mua được căn hộ chung cư 50m2 ở vùng ven TPHCM với giá 1,5 tỉ đồng. Giá nhà quá cao khiến những gia đình có thu nhập trung bình và thấp khó bề mua nổi.

“Mua được nhà, già trước tuổi”

Lấy nhau 15 năm, đứa con đầu lòng nay 12 tuổi, anh chị Nguyễn Thanh Quang - Lưu Cẩm Hoan mới mua được căn nhà trả góp ở quận Tân Phú, TPHCM. Anh Quang đến từ tỉnh Quảng Trị, còn chị Hoan đến từ tỉnh Thanh Hóa. Lúc mới cưới, anh Quang làm việc cho một đoàn phim, chị Hoan làm nhân viên văn phòng. Do phải tốn chi phí thuê nhà, giúp đỡ 2 bên nội ngoại, mỗi tháng, anh chị chỉ dư được khoảng 8 triệu đồng. Từ khi có con, số tiền dư càng ít ỏi hơn.

Anh Quang kể: “Để có tiền mua nhà, tôi phải làm ngày, làm đêm, hết việc tay phải, liền làm nghề tay trái. Vợ tôi cũng đầu tắt mặt tối, vừa chăm con, vừa kinh doanh. Vậy mà cũng phải mất 15 năm, tụi tôi mới gom đủ tiền để mua căn hộ nhỏ theo dạng trả góp”. Chị Hoan góp chuyện: “Lúc mang bầu, vợ chồng tôi cứ trăn trở mãi, nghĩ đến cảnh con mình sống trong căn phòng trọ chật chội mà xót xa. Tôi nghĩ, nếu làm nhân viên văn phòng, hưởng lương thì không biết đến bao giờ mới đủ tiền mua nhà. Thế là tôi nghỉ việc, ở nhà chăm con và thuê mặt bằng mở quán ăn. Giờ mua được nhà thì mừng nhưng phải chi tiêu tằn tiện để trả nợ góp hằng tháng”.

Một dự án chung cư vừa xây dựng ở quận Tân Bình, TPHCM. Với giá nhà như hiện nay thì người có  thu nhập trung bình phải tích cóp vài chục năm mới mua nổi một căn chung cư 50m2 - ẢNH: PHÙNG HUY
Một dự án chung cư vừa xây dựng ở quận Tân Bình, TPHCM. Với giá nhà như hiện nay thì người có thu nhập trung bình phải tích cóp vài chục năm mới mua nổi một căn chung cư 50m2 - Ảnh: Phùng Huy

Vợ chồng anh Lê Văn Hùng (quê ở tỉnh Hà Tĩnh) và chị Trần Thị Mai (quê ở tỉnh Quảng Trị) cùng làm việc trong một công ty truyền thông có tiếng. Ngoài công việc chính, anh Hùng còn phụ vợ bán hàng online. Anh chị dành dụm, chắt bóp trong 7 năm, mới được hơn 1 tỉ đồng, bèn vay mượn thêm để mua căn nhà trên 3 tỉ đồng trong một ngõ nhỏ ở quận Đống Đa, TP Hà Nội. Ngôi nhà không chỉ là ước mơ, mà còn như món quà mà họ dành tặng đứa con đầu lòng sau nhiều năm hiếm muộn.

Thế nhưng, từ khi có nhà, anh chị Hùng - Mai phải làm việc cật lực hơn để lo nuôi con, trả lãi vay ngân hàng. Áp lực kiếm tiền đè nặng khiến không khí gia đình luôn căng thẳng, vợ chồng sinh ra cãi vã, nặng nhẹ với nhau. Được chừng 1 năm, không thể chịu được áp lực, anh chị quyết định bán nhà để trả hết nợ. 2 năm nay, gia đình họ ở nhà thuê nhưng cả vợ lẫn chồng đều thấy như trút được gánh nặng. Hiện tại, họ sinh thêm 1 bé nữa nên rất mong có được căn nhà. “Cứ mơ vậy chứ với giá nhà như bây giờ, không biết tới bao giờ, tụi tôi mới mua được” - chị Mai ngậm ngùi.

Từ bỏ ước mơ sở hữu nhà

Hơn 10 năm làm việc ở TP Hà Nội, chị Đỗ Thu Trang (quê ở tỉnh Nghệ An) chuyển phòng trọ 5-6 lần. Năm 2022, người quen của chị muốn bán căn hộ chung cư 40m2, giá 1,3 tỉ đồng. Khi đó, chỉ có 500 triệu đồng, chị Trang hỏi vay mượn bạn bè, người thân nhưng chưa “xoay” đủ tiền thì đã có người mua mất.

“Bây giờ, mỗi khi đọc thông tin giá nhà đất tăng, tôi hầu như không còn nghĩ đến việc mua nhà nữa vì với thu nhập 17 triệu đồng/tháng, dù không chi tiêu đồng nào, tôi cũng phải mất 10 năm mới mua được căn hộ chung cư cũ ở khu HH Linh Đàm, quận Hoàng Mai” - chị Trang buồn rầu.

Nhà ở xã hội tại khu đô thị Thanh Hà ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội - ẢNH: UÔNG NGỌC
Nhà ở xã hội tại khu đô thị Thanh Hà ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội - Ảnh: Uông Ngọc

Rời tỉnh Vĩnh Long đến TPHCM học rồi lập nghiệp, chị Trần Nguyên Khánh đặt mục tiêu mua được nhà trước 32 tuổi. Nhưng đến nay, ở tuổi 30, mục tiêu đó gần như phá sản. Chị Khánh tốt nghiệp đại học ngành dược, làm nhân viên kinh doanh cho một công ty dược phẩm, lương hiện tại khoảng 18 triệu đồng/tháng. Do không bị bó buộc thời gian ở công ty nên chị tranh thủ kinh doanh quần áo qua mạng, bán thêm đặc sản quê kiếm lời.

Nhờ siêng năng, sau 6 năm, chị dành dụm được khoảng 800 triệu đồng. Thế nhưng, giá căn hộ chung cư ở quận ven đã lên 2 tỉ đồng, nếu mang số tiền dành dụm trả trước một phần rồi trả góp thêm hằng tháng thì cũng có được căn nhà, nhưng coi như đứt vốn, không thể kinh doanh. Mà thu nhập bị trục trặc thì không thể trả góp tiền nhà. Chị Khánh từng có ý định mua nhà ở xã hội nhưng theo quy định, người độc thân có thu nhập không quá 15 triệu đồng/tháng mới đủ điều kiện mua. Thế là chị đành ngậm ngùi từ bỏ ước mơ sở hữu nhà ở TPHCM.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản (BĐS) TPHCM - nhận định, giá nhà ở đô thị cao gấp 20-25 lần thu nhập hằng năm của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp. Trong khi đó, ở các nước tiên tiến, mức chênh lệch này chỉ dưới 5 lần. Không những vậy, phân khúc nhà ở xã hội lại rất thiếu. Năm 2020, số căn nhà ở xã hội được mở bán chỉ chiếm 1%, trong khi số căn hộ cao cấp chiếm đến 76% số căn hộ mới. Từ năm 2021 đến nay, số căn hộ cao cấp được mở bán luôn chiếm trên 70% nhưng không có thêm căn hộ xã hội nào. Việc nhà ở cao cấp chiếm lĩnh thị trường đang đi ngược với quy luật phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững.

Nhiều người lao động sống ở TPHCM hàng chục năm nhưng không thể mua nhà do giá quá cao so với mức thu nhập - ẢNH: PHÙNG HUY (chụp tại chung cư D1 ở khu dân cư Phú Lợi, phường 7, quận 8, TPHCM)
Nhiều người lao động sống ở TPHCM hàng chục năm nhưng không thể mua nhà do giá quá cao so với mức thu nhập - Ảnh: Phùng Huy (chụp tại chung cư D1 ở khu dân cư Phú Lợi, phường 7, quận 8, TPHCM)

Theo Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2014-2022, tiền lương tăng khoảng 7%/năm, còn theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trong cùng giai đoạn này, giá nhà tăng khoảng 11 - 16%/năm tùy loại. Điều này cho thấy, mức tăng giá nhà bỏ xa mức tăng tiền lương.

Nhã Chân - Minh Tuệ

Tạo điều kiện cho dân nâng cấp nhà trọ

Ở TPHCM, từ năm 2018 đến nay, do các dự án BĐS bị ách tắc, số căn hộ mới liên tục sụt giảm. Quy định tại điểm c, khoản 2, điều 22 và khoản 1, khoản 4, điều 23 Luật Nhà ở năm 2014 đã dẫn đến hệ quả là trong giai đoạn 2015-2020, cả nước có hàng trăm dự án xây nhà ở thương mại không thể thực hiện, gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung, đẩy giá nhà tăng liên tục và làm gia tăng tình trạng mất cân đối về các phân khúc nhà trên thị trường. Người dân khó mua được nhà chủ yếu do thị trường BĐS mất cân đối cung cầu, cụ thể là thiếu nguồn cung nhà giá rẻ. Thêm vào đó, chi phí xây dựng tăng, đa số doanh nghiệp BĐS bị vướng thủ tục pháp lý để triển khai dự án.

Thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, UBND TPHCM đã đăng ký xây dựng 79.000-96.000 căn và đặt mục tiêu phát triển 35.000 căn trong năm 2025. Vì vậy theo tôi, giá nhà sẽ dần được cải thiện trong thời gian tới. Để giúp người dân - đặc biệt là những người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp - ở các đô thị có điều kiện sở hữu nhà, cần tăng ưu đãi vay cho người thuê, mua nhà ở xã hội. Theo tôi, mức lãi suất cho vay 6%/năm như hiện nay vẫn còn quá cao, nên giảm xuống mức 4,8% hoặc 3%. Việc thêm ưu đãi về vốn, lãi suất cho vay đối với những chủ đầu tư nhà ở xã hội cũng là điều cần thiết.

TPHCM hiện có khoảng 60.000 chủ nhà trọ. Những đối tượng này chưa được hưởng ưu đãi tín dụng để cải thiện không gian cho thuê. Nếu được hỗ trợ vốn để sửa chữa, nâng cấp nhà trọ, họ sẽ góp phần tạo không gian sống tốt hơn, giúp người lao động yên tâm làm việc trong thời gian tích lũy tiền để mua nhà.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM

Thuế là công cụ hữu hiệu để giảm giá ảo

Có thể nói, thị trường BĐS đang đóng băng. Từ năm 2020 đến nay, việc phê duyệt dự án xây chung cư bị ách tắc, số dự án “treo” rất nhiều. Nguồn tiền từ việc bán BĐS hình thành trong tương lai không còn, các nguồn vốn khác cũng mắc kẹt, lượng giao dịch BĐS cũng rất thấp nhưng giá lại bị thổi lên rất cao (để giới kinh doanh bù vào phần bị lỗ). Như vậy, trong giá nhà, đã có giá ảo tích tụ. Sử dụng thuế để giải quyết tình trạng này là giải pháp mà nhiều nước đã áp dụng. Cần phải xây dựng được luật thuế BĐS hợp lý, mang tính khả thi cho thị trường nhà đất của Việt Nam. Đó chính là công cụ để lọc phần giá ảo trong giá BĐS.

Những người có nhiều nhà, đất chắc chắn không muốn có thuế đánh vào BĐS thứ hai. Nếu vẫn giữ mức thuế như hiện nay thì khoản thuế mà họ phải nộp không đáng là bao so với tốc độ tăng giá nhà, đất. Đó là sự đầu tư siêu lợi nhuận, khiến tiền của dân tập trung hết vào nhà, đất và nằm yên. Đây là điều bất hợp lý và có hại cho sự phát triển của nền kinh tế. Do đó, dù muốn hay không, cần đánh thuế để ngăn những trường hợp có nhà, đất mà không đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không đạt hiệu quả. Giá đất luôn có xu hướng tăng. Việc đánh thuế BĐS thứ hai sẽ không làm giảm giá nhà, đất mà giảm được giá trị ảo bị tích tụ trong đó, đưa về đúng giá trị thực.

Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Số hóa dữ liệu thị trường, phát triển nhà ở xã hội

Các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay cần số hóa, xây dựng được kho dữ liệu lớn về thị trường BĐS, từ đó điều hành, quản lý giá nhà, đất phù hợp. Khi đó, việc đánh thuế BĐS thứ hai mới có ý nghĩa và có tác dụng. Các thông tin quy hoạch dự án cũng cần được công khai, minh bạch để người dân tra cứu được ngay.

Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc đồng bộ và quyết tâm của cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp để hoàn thành đề án xây 1 triệu căn nhà ở xã hội. Trong đó, cần tập trung cho kế hoạch phát triển nhà 5 năm và hằng năm ở từng địa phương, đặc biệt là quy hoạch các dự án xây nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở. Các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng cần đảm bảo quy hoạch dài hạn để có thể xây dựng và phát triển thành các khu đô thị phù hợp, có đầy đủ cơ sở hạ tầng và kết nối giao thông thuận tiện.

Chính quyền các địa phương cần khẩn trương tổng hợp các vướng mắc vượt quá thẩm quyền giải quyết của mình để đề xuất với các bộ liên quan, với Chính phủ, Quốc hội để có các biện pháp cơ cấu lại thị trường BĐS, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án xây nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cần đẩy nhanh quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, lựa chọn chủ đầu tư phù hợp, bàn giao mặt bằng để rút ngắn thời gian chuẩn bị cũng như giảm chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa, chi tiết hóa và hướng dẫn đầy đủ các thủ tục, quy trình để các chủ đầu tư dự án xây nhà ở xã hội, nhà ở công nhân dễ dàng tiếp cận với các cơ chế, chính sách ưu đãi khi thực hiện các dự án này. Đồng thời, cần nhanh chóng xác định rõ các dự án xây nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và các đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất để các chủ đầu tư nhanh chóng tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 120.000 tỉ đồng, nhằm giảm chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh, hạ giá bán.

Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp của Học viện Tài chính

Minh Tuệ - Nhã Chân (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI