Hai vợ chồng một đứa con, tằn tiện tích cóp bao năm xây được cái nhà xong là xính vính, vay nợ trước sau. Theo kế hoạch ban đầu có thiếu cũng thiếu ít thôi, nhưng do chồng Lam vài ba lần chặc lưỡi khiến số nợ lên gần trăm triệu. Ban đầu là gạch lát nền, đã thống nhất chọn loại kia rồi, không biết Đức nghe người ta xui khôn xui dại hay quảng cáo sao mà ừ, một câu ừ nhẹ tênh trị giá hơn chục triệu. Rồi đến thiết bị vệ sinh, phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp..., Lam bấn lên đi vay nợ tứ tung, người cho người không nghe đủ mệt, đã thế còn nghe Đức hể hả với bạn: "Đằng nào cũng xây, làm cho ra hồn luôn một thể!"
|
Ảnh Internet |
Về nhà mới với một đống nợ làm sao vui nổi, Lam bàn với chồng là cho thuê nhà này, vợ chồng thuê lại cái nhà bé hơn, tiền chênh lệch một tháng cũng không ít, Đức ngẫm nghĩ bảo để xem đã, nhà mới chưa được ở bao lâu mà cho thuê thì phí. Nhà xây lên bỏ biết bao công sức mà không được ở phải nhà thuê nhà trọ nó ấm ức tủi thân lắm. Lam động viên chồng chịu khó mấy năm, trả bớt nợ rồi tính tiếp.
Chưa kịp làm gì thì Lam lại nghe tin mẹ chồng với thằng cháu con bà chị gái định vào ở cùng cho... vui. Thằng cháu vừa đậu đại học, từ bé nó chưa đi đâu khỏi làng nên cả nhà ai cũng lo cho nó, mẹ chồng Lam là bà ngoại giờ rảnh rang nên vào cùng để chăm cháu ít lâu, sợ nó lạ nước lạ cái. Lam hỏi chồng, mẹ chồng thì không nói làm gì, thằng cháu vào thì ăn ở tính sao, Đức gãi gãi đầu nói hôm trước làm nhà anh có vay của chị Hai ít vàng. Hai chỉ ấy là tài sản tích cóp bao năm của anh chị, em trai xây nhà anh chị rứt ruột cho vay không lời lãi. Nay cháu nó vào, chẳng nhẽ cậu không nuôi được cháu bữa cơm rau? Lam uất ức: “Cơm rau không phải mua bằng tiền à? Nó tắm không dùng nước, ngủ không dùng quạt à? Vàng chị anh rứt ruột còn tiền tôi không rứt à? Rồi nó ở bao lâu? Con tôi trước uống sữa ngoại, nay sữa nội còn không có mà uống!”.
|
Ảnh Internet |
Đức giận dữ ném cái chén đang cầm trong tay xuống đất, những mảnh vỡ văng tung tóe: “Thì sao? Mẹ tôi, cháu tôi, tôi phải ngửa tay lấy tiền ăn hay sao?”. “Nếu cho thuê nhà đi ở chỗ khác bé hơn thì chẳng phải chứa chấp ai, chẳng phải lấy gì của ai!”.
Lam buông thõng, chị vẫn ấm ức khi người ta đến lấy tiền vật tư, gọi về cho mẹ chồng vay tạm, thà bà nói không có, đằng này bà nói bà có mỗi một cây vàng dành dưỡng già, cho mượn nhỡ có chuyện gì biết trông cậy vào đâu. Mặc Lam nói, mẹ còn tụi con, còn các anh chị, mẹ chồng Lam vẫn không là không. Thế mà nhà vừa xây xong đã đùm đùm nắm nắm đòi vào ở nhà mới với con cháu.
Mấy ngày vợ chồng ra vào không nhìn mặt nhau, nhưng nghe Đức nói chuyện điện thoại Lam biết chuyện mẹ chồng và cháu vào vẫn như kế hoạch, còn khoe với hàng xóm láng giềng “Thằng Đức nhà tôi xây được cái nhà to lắm, lát gạch hoa bóng loáng sáng choang, chả cần giường cứ thế lăn khắp nhà mà ngủ”. Lam biết có nói Đức cũng không thay đổi ý định, vì sĩ. Lam thu dọn quần áo của mình và con, thuê một phòng trọ bên ngoài, Lam để lại hết cho Đức, kể cả chuyện nhà anh cùng những tờ giấy vay nợ. Phải lo cho mình, cho gia đình đủ mệt rồi, Lam không đủ sức lo cho những người theo cô là… không liên quan.
|
Ảnh Internet |
Chị Hoa thì khác, sau "phi vụ" bắt được chồng tình tang với người kém mình mười mấy tuổi, anh chồng rối rít xin tha thứ vì đàn ông chỉ vui chơi qua đường chứ có ý định lâu dài gì đâu. Nhìn vẻ co ro cúm rúm của chồng, chị Hoa càng ức, đàn ông tham lam là thế, dám làm chuyện tày trời phản bội người từng hứa hẹn là vợ mình, là mẹ của đám con mình, là người lo cho mình từ cái tăm đến đôi dép. Chị biết mình còn cần chồng, là cần thôi, hai đứa con cần được nuôi dạy, mình chị không kham nổi chi phí ở thành phố đắt đỏ, còn tình với nghĩa chị không nói chính xác được. Nhưng nhìn vẻ khúm núm của anh, chị thấy khinh. Anh chuộc lỗi với chị bằng cách chịu khó làm việc nhà, nấu cơm rửa chén tưới cây, cho chị thấy là anh đã “cạch” hẳn vụ kia, toàn tâm toàn ý lo cho gia đình.
Bữa chiều, nhìn trái ớt phập phồng trong tô canh chua, chị lấy đũa gẩy ra, bâng quơ: "Thắm thiết gớm, còn học được kiểu nấu miền Nam!" anh nhỏ giọng: "Có trái ớt vào át mùi tanh!" Chị trừng mắt: "Con nào ăn được ớt chứ con này thì không! Thối tha thế còn chịu được nói gì tanh!", chị buông bát đứng dậy sau khi mát mẻ thêm vài câu. Bữa ăn cứ thế tan.
|
Ảnh Internet |
Khuya, anh choàng tay qua người, chị hất văng: "Thèm thì đi kiếm chỗ khác, con này sợ bẩn!", thấy anh lủi thủi quay mặt vào trong mà chị hả hê. Hả hê nhưng vẫn ức, thêm cả khinh ghét, thứ đàn ông lang chạ bên ngoài trăm phần trăm là thứ chẳng ra gì. Chị tự cho mình cái quyền to hơn chồng, nhà bẩn, chị bóng gió: “Ở đây nhà bẩn phải quét, không như ở đó giường bẩn cũng lăn lộn được!”.
Chiều, chị về thấy nhà vắng tanh, đồ đạc trong nhà còn nguyên, chỉ mất quần áo của anh và một số đồ dùng cá nhân, thư anh để lại cho chị: “Tôi sai, tôi nhịn nhưng tôi không chịu nhục được!”.
Đặng Quỳnh Anh