Già mới phải vui: Già mới vui đó chứ!

30/05/2021 - 09:36

PNO - Nhiều người già không muốn phiền con cháu, ngại phiền con cháu nhưng thực lòng rất sợ phải sống một mình.

Khi nhận được câu hỏi “Già thì làm gì để vui?” của tôi, dì cười ngay: “Bây hỏi kỳ ghê. Dì thấy về già mới vui đó chớ…”.

Dì Ba, dì ruột tôi, vừa bước qua tuổi 80, giọng vẫn trong, sang sảng. Sáng sáng, dì vẫn một vòng xe đạp đi chợ, về nấu ăn cho chồng, trưa đến ngồi bên hiên nhà mát rượi nhìn ra đường hẻm nắng chói chang, véo von nói chuyện qua Zalo với dì út mới qua tuổi 70 đã đau khớp nên hạn chế đi lại.

Chiều dịu trời, dì ngoắc cái dù nhỏ vào tay, xỏ giày vải, ra công viên chờ thằng cháu nội trượt patin; lúc nào dì cũng mang theo một bình nước chanh, hạt chia, bỏ thêm mấy lá bạc hà.

Khi thằng cháu nội tu ừng ực vừa hết chai nước cũng là lúc mẹ nó, dâu út của dì, tin tin còi xe sát vỉa hè rồi nhấc thằng bé đi, dì lại đi bộ về nhà, dáng vẻ chẳng có gì là một bà cụ vào chiều muộn của cuộc đời.

Cả gia đình dòng họ luôn coi dì là tấm gương cho các “cán bộ hưu trí”. 

Cần chuẩn bị thật kỹ để có một tuổi già hạnh phúc - Ảnh mang tính minh họa: Shutterstock
Cần chuẩn bị thật kỹ để có một tuổi già hạnh phúc - Ảnh mang tính minh họa: Shutterstock

“Má coi dì Ba sống tích cực vậy nên mới khỏe đó. Dì Ba đi bộ nhiều hơn tụi con mỗi ngày. Chân khỏe, đi được, tập thể dục được thì mới bớt mấy bệnh già. Má phải chữa cho dứt cái khớp gối chứ sợ mổ, sợ đau thì sẽ đau dài dài…” - chúng tôi vẫn thường lấy dì làm gương để khuyên mẹ đi điều trị khớp gối.

Dì Ba cập nhật công nghệ liên tục, có cả Facebook để trò chuyện với bạn bè cũ, tham gia mấy nhóm tình nguyện hỗ trợ dạy trẻ em nghèo trong phường miễn phí. Có trẻ con tương tác, dì vui hơn, khỏe hơn…

Khi nhận được câu hỏi “Già thì làm gì để vui?” của tôi, dì cười ngay: “Bây hỏi kỳ ghê, kiểu mặc nhiên là người già thì buồn vậy đó. Dì thấy về già mới vui đó chớ… Ờ, nhưng mà phải chuẩn bị kỹ cho mình mọi thứ thì mới vui được”.

Dì có 5 KHÔNG là bí quyết riêng đây:

1. Không rảnh rỗi; chịu khó lấp đầy thời gian trống bằng việc học. 

Từ khi về hưu, 28 năm nay, dì chưa ngồi không ngày nào hết. Giỗ chạp, lễ tết đi mua sắm nấu nướng phụ giúp dâu con đã đành, ngày thường dì vẫn dành ra ít nhất vài tiếng cho việc học.

Học nhiều nhất là những việc mình muốn làm khi còn trẻ mà không có thời gian: trang điểm, làm bếp, làm vườn. Gì chứ rau câu 3D là sở trường của dì đó nhé! Đi du lịch thì thăm thú, khám phá cũng là học, mà xem ai đó thiệt giỏi chỉ cách làm trên YouTube cũng là học…

Hoạt động vừa đủ khiến người già chậm lão hóa. Tôi chợt nhớ, dì đã học piano vào năm 58 tuổi. Bây giờ, thỉnh thoảng dì vẫn chơi vài bản hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ mà tôi mê mệt với vẻ hạnh phúc không giấu giếm. Già mới có thời gian cho những sở thích riêng, già mới vui là phải rồi!

2. Không ở chung nhưng phải ở gần. 

Ở riêng là cách tránh va chạm với con dâu, con rể, cháu vì cách sống của người già với người trẻ khác nhau. Mình làm sao nhanh được như chúng nó. Thế nhưng già hẳn đi thì lại cần có con cháu, mà con cháu để ông bà sống ở xa cũng không yên tâm.

Nhiều người già không muốn phiền con cháu, ngại phiền con cháu nhưng thực lòng rất sợ phải sống một mình. Không ở chung nhưng ở gần con cháu sẽ dung hòa được các mong muốn này. Ở gần con cháu, người già sẽ không sợ bị “bắt nạt” bởi các thủ tục hành chính, các thông tin mới, kỹ năng sống mới cần có của cuộc sống hiện đại.

Già mà không có con cháu để tương tác thì càng lão hóa nhanh hơn, lại thêm bi quan vì mình bị bỏ quên, không còn có ích gì. Tuy nhiên, già mà ở cùng con cháu thì cũng mệt cho cả hai, cả hai sẽ cùng già nhanh hơn và chán sống hơn.

Không muốn kiểm soát mọi việc trong đời sống con cháu, tôn trọng các quyết định của con cháu khi chúng đã trưởng thành - hình như đó mới là ý nghĩa của việc dì tôi không sống chung ngay khi các con lập gia đình. 

3. Không tích lũy tài sản thêm sau 70 tuổi và không cho hết con cái khi mình đang còn sống. 

Các thủ tục khi mua bán tài sản có thể khiến người già (thường rất cẩn thận) lo lắng đến mất ngủ hoặc trầm cảm.

Dì đã từng một mình không tham vấn ai, đi đặt cọc mua căn hộ ven biển, thấy thủ tục pháp lý nhân viên kinh doanh đưa dày cả xấp, dấu đỏ chót, rồi bỏ vào cả tỷ bạc, mấy năm trời không thấy họ xây, lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Dì vừa lo mất tiền vừa lo bị con cháu la rầy.

Đến khi dự án bị hủy, chủ đầu tư trả lại tiền cọc, chưa cần lãi ngân hàng, dì đã mừng gần chết, từ đó thôi, nghĩ việc đầu tư cần hiểu biết thị trường, sao mình lại không tin tưởng con cái mà đưa hết tài sản cho người dưng.

Song, giao hết tiền bạc, tài sản cho con vừa có thể làm con ỷ lại, vừa khiến mình không yên tâm vì lỡ đâu lúc bệnh tật lại đòi con trả thì kỳ, nên dì bỏ vào một gói bảo hiểm sức khỏe và một sổ tiết kiệm.

Theo dì, xài hết chỗ tiền ấy mà vẫn chưa chết thì chắc cũng qua 100 tuổi rồi! Lo cho con cái học hành đầy đủ, tử tế, dựng vợ gả chồng cho các con xong thì chỉ cần lo cho chính mình thôi.

Già là phải yên tâm về tài chính, tự chủ về tài chính mới thanh thản được. Trẻ lo nuôi con, kiếm tiền; già chỉ lo tiêu tiền sao cho phù hợp, cho ý nghĩa, cho đúng, cho thú vị… Già đúng là mới vui!

4. Không đến khám ở bác sĩ lạ. 

Nếu không sáng suốt và không có nơi đáng tin cậy tư vấn thì người già luôn trở thành nạn nhân của nhiều dịch vụ và sản phẩm không uy tín.

Dì đều đặn đi khám tổng quát ở những bệnh viện uy tín, nếu các chỉ số có gì bất thường thì đến các bác sĩ chuyên khoa đã quen mấy chục năm nay. Răng, xương khớp… quan trọng không khác gì nội khoa nhưng cứ nghe lời tư vấn của các bác sĩ lạ thì có khi chuốc thêm bệnh vào người. 

5. Không ăn ngọt, béo (và trong bếp phải có chiếc cân sức khỏe). 

Già rồi thì phải chú ý đến chế độ ăn uống, dinh dưỡng, nghĩa là phải ăn uống kỹ lưỡng hơn. Ăn ít nhưng không được qua loa. Thừa chất với người già thì nguy hiểm mà thiếu chất cũng nguy hiểm không kém. 

Dì vẫn ăn rau, cá nhiều nhất; không ăn đồ chiên xào và nhất là hạn chế các loại đường, kể cả đường ăn kiêng. Mật ong dùng thay đường nhưng cũng chỉ 1-2 tách trà có mật ong mỗi tuần. Trái cây ngọt như xoài chín, mít… dì cũng chỉ ăn thơm thảo cho vui. Cam ngọt cũng không quá một trái/ngày, bưởi ngon cũng chỉ vài múi tráng miệng… 

Tinh bột lành như khoai, bắp cũng vẫn là tinh bột nên dì vẫn hạn chế. Ăn ít cơm mà cả đĩa khoai thì cũng vẫn quá nhiều tinh bột với người già. Ăn gì cũng nên nhìn ngó lượng ca-lo mà biết bớt lại. Nhưng, già mới có thời gian chế biến món này món kia, bày lên mà ngắm chán mới ăn, chứ không ăn vội vàng như thời còn trẻ. 

Tôi muốn được như dì biết mấy! Già vẫn vui. À quên, già mới vui chứ! 

Lê Lan Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI