Giả mạo ngân hàng lừa đăng ký tiêm vắc xin để đánh cắp tài khoản

18/06/2021 - 22:23

PNO - Lợi dụng nhu cầu tiêm vắc xin COVID-19 của người dân, các đối tượng giả mạo ngân hàng, các tổ chức y tế mời đăng ký tiêm vắc xin rồi chiếm đoạt tài sản.

Một số ngân hàng vừa đồng loạt ra cảnh báo thủ đoạn lừa đảo tiêm vắc xin để đánh cắp tài khoản. Cụ thể, theo Ngân hàng HSBC Việt Nam, một số đối tượng sẽ gọi điện thoại hoặc gửi thư điện tử cho khách hàng mời chào đăng ký tiêm vắc xin COVID-19. Nếu khách đồng ý đăng ký thì phải cung cấp thông tin thẻ tín dụng, tài khoản, mã OTP hoặc phải chuyển trước một khoản tiền cọc.

Lợi dụng tâm lý muốn tiem vắc-xin COVID-19, các đối tượng đã mạo danh ngân hàng, các tổ chức y tế để chiếm đoạt tiền
Lợi dụng tâm lý muốn tiêm vắc xin COVID-19, các đối tượng đã mạo danh ngân hàng, các tổ chức y tế để chiếm đoạt tiền. (Ảnh minh hoạ/Bộ Y tế)

HSBC cho rằng, lợi dụng tâm lý muốn tiêm vắc xin COVID-19 của nhiều người nên các đối tượng này có thể giả vờ nhân viên ngân hàng, tổ chức uy tín để tiếp cận khách hàng và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân.

“Việc tiêm vắc xin COVID-19 đã được chính phủ lên kế hoạch và sắp xếp, khách hàng hãy tìm hiểu thông tin từ các phương tiện truyền thông chính thống, không nên tin vào các đối tượng mời chào qua điện thoại hoặc tin nhắn. Các tin nhắn hoặc email có đường link đăng ký tiêm vắc xin thực chất là link chứa phần mềm độc hại tấn công máy tính của khách và ăn cắp dữ liệu cá nhân, do đó khách tuyệt đối không chia sẻ với các đối tượng bất kỳ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản thẻ, thẻ ATM, thẻ tín dụng, tên đăng nhập, mật khẩu của thiết bị, mã OTP...” – HSBC thông tin.

Không chỉ HSBC, mới đây Bộ Y tế cũng phát đi cảnh báo hiện nay xuất hiện nhiều dạng tin nhắn, tờ rơi, mạng xã hội mời người dân đăng ký tiêm vắc xin, sau đó lừa đảo chuyển tiền rồi chiếm đoạt tài sản… Các đối tượng này tự nhận có thể tiếp cận được nguồn vắc xin của các hãng sản xuất hoặc mua lại của một số nơi dư thừa.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người dân tuyệt đối không tiêm chủng những loại vắc xin phòng COVID-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép. Khi phát hiện các thông tin liên quan đến tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 không rõ ràng hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, hãy báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan y tế địa phương.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI