1. Facebook của chị Q. không thiếu những bức ảnh được nhận xét: “Thần thái như ngôi sao”, “Thế này thì chồng mê lắm”. Những chuyến đi du lịch, những cữ cà phê sang chảnh với bạn bè thượng lưu, khung hình vợ chồng nhìn nhau âu yếm cười… của chị Q. luôn khiến bạn bè ganh tỵ.
Thế nhưng ít ai biết, nhiều đêm chị ngồi một mình trong phòng, khóc lóc vật vã vì điện thoại cho chồng không được. Mỗi lần đi công tác, chồng chị lại đi cùng với một cô đồng nghiệp và họ luôn ở chung phòng.
Chị ghen tuông, khổ sở và nhiều lần đã muốn dứt áo ra đi. Nhưng rồi cuối cùng, chị chọn ở lại “sống chung với lũ”.
Việc duy nhất khiến chị có thể vui là ăn ngon mặc đẹp, gặp gỡ bạn bè, chụp ảnh sống ảo và tạm quên đi nỗi đau của mình qua những lời khen, những lời tán thưởng.
2. D. là người tôi quen khi tham gia một khóa học online về kỹ năng viết. D. luôn thể hiện mình trẻ đẹp, tự tin và sống theo thời gian biểu lành mạnh: sáng sáng ngồi quán cà phê làm việc, chiều chiều chạy bộ thể thao, cơ thể 3 vòng bốc lửa, kiêu kỳ phớt lờ những lời tán tỉnh để tập trung khởi nghiệp.
Khi thân hơn với D., tôi biết chuyện cô có một đứa con gái đang ở quê. D. đang mệt mỏi trong giai đoạn tranh chấp quyền nuôi con với chồng cũ…
D. kể cho tôi nghe về một cuộc sống “không hạnh phúc như trên Facebook” và thực tế là mỗi ngày cô vẫn phải cố lao vào những thứ khác để quên đi nỗi nhớ con quay quắt. Không đêm nào cô ngủ yên vì day dứt và thương con.
D. bảo tôi: “Cậu đừng nhìn vào Facebook mà nghĩ cuộc sống của tớ chỉ toàn màu hồng. Thực tế tệ lắm”.
|
Ảnh minh họa |
3. Tôi nhắn tin đùa với H.: “Dạo này có vẻ sống tốt quá ha! Ngày nào cũng đăng ảnh sống ảo thế kia. Nhìn qua người ta lại cứ tưởng không làm gì, suốt ngày chỉ ăn chơi đấy!”. H. cười: “Cậu hiểu quá rồi mà!”.
Ừ tôi hiểu chứ, hiểu đằng sau mỗi bức ảnh của H. là một lần cô ấy buồn. H. luôn chọn cách post một bức ảnh để tìm “tương tác” với bạn bè khi trống vắng.
H. cũng đầu tư cho khoản "ảnh ọt" lắm. Đi đến đâu, trong đầu cô cũng nảy số ý tưởng về việc sẽ chụp như thế nào, tạo dáng sao cho dịu dàng thục nữ, toát lên được thần thái, sao cho có thể kiếm được hơn trăm cái "like".
Cô từng bảo: “Nếu chồng tao cũng như trên Facebook thì chắc yêu vợ lắm đấy, đằng này…”. Dấu ba chấm của H. thể hiện sự bất lực trong mối quan hệ vợ chồng đã đi đến hồi kết, lý do “Chồng tốt với cả thế giới, trừ tao ra. Mọi cuộc nói chuyện với tao, hắn đều quay về chì chiết và chửi “đồ ngu”.
Câu chuyện của chị Q., của D. và của H. nhắc tôi về câu nói từng nghe: “Giá như ai cũng hạnh phúc như trên Facebook”.
Chúng ta chỉ nhìn những hạnh phúc trên Facebook mà không thể thấy giọt nước mắt phía sau. Hình ảnh cuộc đời toàn màu hồng trên mạng từng khiến ta có cảm giác thế gian này ai nấy đều suôn sẻ, hạnh phúc, chỉ riêng mình vất vả, bất hạnh.
|
Ảnh minh họa |
Ta quên rằng, những hình ảnh trên Facebook chỉ là một vài lát cắt và nó không phản ánh toàn bộ cuộc sống của một con người. Ngoài chuyện nhà Q., D. và H., còn rất nhiều gia đình rất hạnh phúc trên Facebook nhưng thực tế lại là những đổ vỡ, mục ruỗng, chẳng qua người trong cuộc không muốn phơi bày.
Biết đâu phía sau một cô gái xinh đẹp, tự chủ và có cuộc sống bao người mơ ước lại là ám ảnh về quá khứ, mất hoàn toàn niềm tin vào tình yêu.
Biết đâu phía sau một người chồng thương và chăm sóc con từng li từng tí trong những bức ảnh post trên Facebook lại là gã đàn ông ngoại tình suốt nhiều năm…
Để tạo nên một hình ảnh hoàn hảo trên Facebook, nhiều người sẵn sàng chọn cách tô vẽ quá đà. Nhưng cuộc đời vốn không có nút “pause” (nút dừng), mình dừng lại sống ảo là bỏ lỡ khoảnh khắc được sống thật trọn vẹn trong khoảnh khắc đó.
Không ít người chú tâm chụp một bức ảnh mà mặc kệ con khóc bên cạnh, hay bỏ bê việc cần hoàn thành để đăng cho xong một nội dung. Không ít người dành phần lớn thời gian ở bên cha mẹ để chỉnh ảnh thay vì giao tiếp sau nhiều ngày xa biền biệt.
Tôi cho rằng, những bức ảnh nếu để chia sẻ một khoảnh khắc hạnh phúc, lưu giữ làm kỷ niệm và cập nhật thông tin cho bạn bè, người thân... thì rất ý nghĩa, nhưng nếu đánh đổi bằng cách cắt đứt câu chuyện dở dang với người bên cạnh dường như quá lãng phí.
Một người bạn từng nói với tôi rằng: “Ngày xưa, mình vào Facebook nhiều lắm và càng nhìn bạn bè đẹp đẽ, lung linh, mình càng thấy bất hạnh. Khi bị bắt buộc và cố gắng phải “cai” Facebook theo chỉ định của bác sĩ, mình bắt đầu ngừng nhìn sang người khác và so bì, ganh tỵ. Từ khi tập trung sống cho mình, sống thật, cuộc đời mình mới tươi đẹp trở lại”.
Linh Nguyễn