Giá lúa giảm nhưng chưa đáng lo

02/07/2024 - 06:37

PNO - Có 60ha lúa OM 18 sắp đến ngày thu hoạch, ông Nguyễn Thành An (xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) không khỏi lo lắng khi giá lúa hiện nay giảm khoảng 700 đồng/kg so với đầu tháng 6/2024.

Ông Võ Văn Hùng (xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) cho hay, mưa giông liên tục trong mấy ngày qua khiến hơn 2ha lúa sắp thu hoạch bị đổ ngã, giảm năng suất khoảng 20%, còn khoảng 6,5 tấn/ha. Lấy cớ lúa ướt, thương lái ép giá từ mức 7.400 xuống còn 6.900 đồng/kg, là mức thấp nhất kể từ đầu năm 2024 và đã giảm tổng cộng 1.500-2.000 đồng/kg so với lúc đạt đỉnh (tháng 11/2023).

Xuất khẩu gạo ở cảng Mỹ Thới (An Giang) - ẢNH: HUỲNH LỢI
Xuất khẩu gạo ở cảng Mỹ Thới (An Giang) - ẢNH: HUỲNH LỢI

Giám đốc một công ty chuyên xuất khẩu gạo nhận định, giá lúa giảm một phần do mưa nhiều làm giảm chất lượng, một phần do nguồn cung tăng khi vào cao điểm thu hoạch, một phần do giá gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới cũng giảm. Theo thông tin cập nhật ngày 27/6 của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam là 569 USD/tấn, giảm khoảng 11 USD/tấn so với tháng 5/2024.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu được 4,68 triệu tấn gạo (tăng 10,4%), trị giá 2,98 tỉ USD (tăng 32%). Dự báo, trong năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo.

Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành IV - cho hay, giá lúa gạo giảm do một số doanh nghiệp chờ Philippines (thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam) giảm thuế nhập khẩu gạo; chất lượng lúa trong vụ hè thu cũng không bằng vụ đông xuân nên giá chào bán gạo với nhà nhập khẩu không thể cao. Cước phí tàu biển tăng mạnh cũng buộc nhà xuất khẩu gạo giảm giá để chia sẻ áp lực với bên nhập khẩu. Mới đây, Chính phủ Philippines đã giảm thuế nhập khẩu gạo nên có thể giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ nhích lên một chút.
Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch VFA - nhận định, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn rất thuận lợi do nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước vẫn cao, trong khi Chính phủ Ấn Độ vẫn cấm xuất khẩu gạo trắng và sản lượng gạo của một số nước ở khu vực Đông Nam Á giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Theo ông, để tận dụng lợi thế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách khuyến khích xây dựng vùng nguyên liệu, tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, nâng cao năng lực tổ chức của các hợp tác xã. Bộ Công Thương nên tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, công tác thông tin, dự báo để cân đối cung cầu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu gạo Việt.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nửa đầu năm đạt hơn 29 tỉ USD

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỉ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu của ngành đạt khoảng gần 21 tỉ USD. Giá trị xuất siêu đạt 8 tỉ USD, tăng hơn 62% so với cùng kỳ.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tổng số 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD (chiếm 91,4% tổng kim ngạch xuất khẩu) trong nửa đầu năm thì lĩnh vực nông nghiệp đóng góp 7 ngành hàng. Cụ thể là cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ; trong đó gạo và hạt điều là 2 ngành hàng xuất khẩu tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Tính chung, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước 6 tháng đầu năm đạt 368,5 tỉ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu tăng 17%, cả nước xuất siêu 11,63 tỉ USD.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI