Giá lúa gạo châu Á có thể tăng nhanh trong thời gian tới

10/07/2022 - 10:52

PNO - Châu Á dự kiến sản lượng lúa gạo sẽ giảm trong thời gian tới do giá phân bón tăng cao. Phần lớn giá gạo phụ thuộc vào vụ lúa ở Ấn Độ, nơi chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu của thế giới.

 

Châu Á, khu vực sản xuất và tiêu thụ gạo nhiều nhất thế giới, dự kiến sẽ giảm sản lượng lúa gạo trong thời gian tới do giá phân bón tăng cao
Châu Á, khu vực sản xuất và tiêu thụ gạo nhiều nhất thế giới, dự kiến sản lượng lúa gạo sẽ giảm trong thời gian tới do giá phân bón tăng cao - Ảnh: Bloomberg

Trung Quốc, nước trồng lúa lớn nhất, đã cảnh báo về tỷ lệ sâu bệnh cao hơn trong vụ mùa năm nay, với một số tỉnh báo cáo diện tích bị ảnh hưởng tăng gần 10%. Việt Nam, đất nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu, cho biết chi phí vận chuyển và sản xuất cao là những thách thức, ngay cả khi kim ngạch xuất khẩu tăng trong nửa đầu năm.

Theo một đơn vị nghiên cứu của ngân hàng nông nghiệp Kasikornbank PCL (Thái Lan), năng suất cây trồng có thể giảm ở Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, do giá phân bón tăng cao.

Ở Philippines, nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2, sản lượng thu hoạch thấp có thể sẽ làm tăng nhu cầu mua hàng từ nước ngoài. Trung Quốc lo lắng về tác động của sâu bệnh đối với mùa màng, trong khi sản lượng của Ấn Độ phụ thuộc vào thời tiết.

Hầu hết gạo trên thế giới được trồng và ăn ở châu Á, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định chính trị và kinh tế trong khu vực. Trái ngược với sự tăng vọt của giá lúa mì và bắp do xung đột Nga - Ukraine, giá gạo đã giảm xuống, nhưng không có gì đảm bảo rằng nó sẽ vẫn an toàn.

Trở lại năm 2008, giá gạo tăng vọt lên trên 1.000 USD/tấn, cao hơn gấp đôi so với mức hiện tại, trong bối cảnh khủng hoảng về nguồn cung.

Trong khi lúa mì, bắp và dầu ăn đã chứng kiến triển vọng nguồn cung dần cải thiện, sản xuất nông nghiệp rõ ràng phụ thuộc vào thời tiết, vốn đang trở nên thất thường hơn do biến đổi khí hậu. Bất kỳ sự gia tăng nào về giá lúa mì và bắp chắc chắn sẽ tác động nhu cầu về gạo, như một lựa chọn lương thực và thức ăn chăn nuôi thay thế.

Trung Quốc, nước trồng lúa lớn nhất, đã cảnh báo tỷ lệ sâu bệnh cao hơn trong vụ mùa năm nay

Trung Quốc, nước trồng lúa lớn nhất, đã cảnh báo tỷ lệ sâu bệnh cao hơn trong vụ mùa năm nay - Ảnh: Xinhua

Phần lớn giá gạo phụ thuộc vào vụ lúa ở Ấn Độ, nơi chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu của thế giới. V. Subramanian - Phó chủ tịch của tổ chức The Rice Trader chuyên phân tích sâu về giá lúa gạo toàn cầu - cho biết: “Nguồn cung toàn cầu đang gặp rủi ro, nhưng hiện tại chúng tôi vẫn có nguồn cung lớn của Ấn Độ để giữ giá”.

Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu lúa mì, nói rằng an ninh lương thực của nước này đang bị đe dọa. Có lo ngại rằng gạo có thể đứng thứ 2 trong danh sách, tuy nhiên điều này phụ thuộc vào thời tiết và sản lượng thu hoạch. 

Hiện tại, xuất khẩu gạo của Ấn Độ đang giúp giảm bớt tình trạng thắt chặt nguồn cung trong khu vực. Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn ở Thái Lan cho biết, giá phân bón cao kỷ lục sau xung đột ở Ukraine là một bước ngoặt đối với nông dân nước này và việc bón ít chất dinh dưỡng cho cây trồng sẽ làm giảm năng suất vào thời điểm nhu cầu ở nước ngoài tăng cao.

Philippines dự kiến ​​sản lượng lúa cũng sẽ giảm trong năm nay do giá phân bón đắt hơn. Chính phủ cũng lo lắng về lạm phát lương thực tăng vọt, bao gồm cả giá gạo, đặc biệt là đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp, những người chi tiêu khoảng 16% chi phí cho các sản phẩm ngũ cốc.

Theo The Rice Trader, “nhìn vào tình hình hiện tại, Ấn Độ đang đóng vai trò như một mỏ neo về giá cả với lượng xuất khẩu lớn của mình”.

Tấn Vĩ (theo SCMP, Bloomberg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI