Những “bông hồng 05” trên biên giới

Già làng Keo Onl - bà tiên nhỏ ở ấp Bố Lớn

19/05/2021 - 11:38

PNO - LTS: Sau 5 năm Báo Phụ Nữ TP.HCM kích hoạt dự án Biên cương xanh (khởi động từ ngày 19/5/2015) trên tuyến biên giới giáp Campuchia đi qua 10 tỉnh, chuyện vui buồn nhiều không kể xiết. Nhưng nếu phải chọn điều gì để kể sau “một nhiệm kỳ” dự án, tôi sẽ chọn những phụ nữ điển hình, tiêu biểu trong việc “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII). Họ là “những bông hồng 05” bình dị đầy sáng tạo, lung linh mà gần gũi.

Xã Hòa Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh có một ấp của người Khmer - ấp Bố Lớn. Đây là ấp biên giới có cột mốc 148 phân chia giới tuyến với nước bạn Campuchia.

Ấp Bố Lớn có 287 hộ dân sinh sống, phần đông là hộ nghèo, hộ khó khăn. Nhưng chốt trưởng chốt dân quân nơi đây nhiều nhiệm kỳ đều là người Khmer. Năm 2016, chốt trưởng là anh Som Phanl.

Hôm 2/4/2021, có dịp quay lại vùng biên này, tôi tranh thủ ghé ngang thăm chốt. Con đường đất đỏ nắng bụi mưa lầy uốn éo trong vạt rừng cao su ngày nào giờ đã là con đường nhựa phẳng phiu. Tôi phải dừng xe hỏi thăm mấy lần mới biết chính xác đó là con đường xưa mình đã đi qua. 

Già làng Kel Ảnh Ngọc Diêu
Già làng Keo Onl ở ấp Bố Lớn - Ảnh: Ngọc Diêu

Chốt Bố Lớn có dấu hiệu xuống cấp, nhưng hàng mít trồng quanh chốt vẫn tươi xanh và sai trái. Anh Som Phanl vẫn vậy, mái tóc quăn quíu được cắt ngắn, đôi môi đen dày, cặp mắt to tròn và hàm răng trắng lóa. Anh nghiêm túc, chững chạc trong bộ đồ dân quân, nhưng lần này anh là dân quân, còn vị trí chốt trưởng thuộc về cậu Keo Ran. 

Som Phanl cười tươi nói: “Mình già rồi, để lớp trẻ làm tốt hơn! Ờ, mà Keo Ran là em trai của Keo Onl đấy. Còn nhớ Keo Onl không?”. Lại thêm một bất ngờ! Thật sự là lần ghé thăm này chủ yếu để tôi hỏi đường tìm đến nhà Keo Onl xác minh một việc được cơ quan giao. 

Đầu năm 2016, khi dự án Biên cương xanh của Báo Phụ Nữ TP.HCM kích hoạt vài tháng, báo đã có chuyến thăm và tặng quà để anh em dân quân Khmer ở chốt ấm lòng, yên tâm canh giữ đường biên trong dịp tết Nguyên đán.

Lần đó, tôi gặp chị Kà Reo - Keo Onl - tổ trưởng tổ tự quản số 4, kiêm chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Bố Lớn. Đó là người phụ nữ có chiều cao khiêm tốn, nước da ngăm, gương mặt tròn phúc hậu, ánh mắt như biết nói. Chị vui tính, mỗi lần cười hai bên má có hai lúm đồng tiền sâu một cách khó quên. 

Som Phanl dẫn tôi đến nhà chị Keo Onl rồi chia tay vì anh bảo có nhiệm vụ được giao ở ngôi chùa Girikumararam gần đấy. Anh tranh thủ ra dấu cầm ly đưa lên miệng rồi hất lên trời như ám hiệu, xíu nữa, khi xong việc sẽ “phất tầng ót” (tức cạn ly) cùng nhau. Chiếc xe quèn của anh lại rồ ga, xịt khói hướng về phía ngôi chùa “nghèo nhất xóm” nằm trên địa bàn xã lân cận. 

Chị Keo Onl trước mặt tôi không khác mấy so với 5 năm trước, vẫn hai lúm đồng tiền sâu thăm thẳm như ngày nào, ánh mắt lấp lánh, vẫn tiếng cười to giòn, dù miệng thốt lên: “Quán hủ tíu của tôi ế lắm! Từ ngày có dịch COVID-19, công nhân phía Campuchia đâu có được qua đây. Cả ngày có khi không bán được tô nào!”. 

Quả tình, cả ấp ngàn nhân khẩu, chỉ một quán hủ tíu của chị, chỉ cần 1% trong số này đến quán, thì sau khi trừ chi phí, thu nhập của chị cũng từ 100 đến 150 ngàn đồng/ngày. Ít còn hơn không.

Nhưng trước mặt tôi, ngoài chị là chủ quán còn có một cụ bà hàng xóm nằm võng tòn teng và một cô gái đang ngồi bấm smartphone bên cạnh. Tuy vậy, điều đập vào mắt tôi chính là chiếc tủ kính trưng bày các loại bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương, quà tặng lưu niệm từ các cuộc đại hội, giao lưu điển hình tiên tiến cấp xã đến Trung ương. 

Già làng Keo Onl hướng dẫn trẻ đội mũ bảo hiẻm đúng cách - Ảnh: Hồng Thắm
Già làng Keo Onl hướng dẫn trẻ đội mũ bảo hiẻm đúng cách - Ảnh: Hồng Thắm

Chị nói vui: “Nhà xuống cấp quá, không còn chỗ treo, mới đặt thợ đóng, hết 5 triệu đồng”.

Có lẽ, chiếc tủ ấy với chị như một gia tài, quý giá còn hơn căn nhà đang cư ngụ. Bởi căn nhà ấy, nền thấp hơn mặt đường gần nửa thước, từ mái tôn, ánh nắng mặt trời xiên xéo khắp nơi, một cái thùng to góc nhà đang lấp lánh nước dột từ mái nhà từ cơn mưa đêm qua… Không khí ẩm ướt, đặc quánh.

Vật dụng bên trong nhà giống kho chứa hơn là nhà ở. Trong khi chiếc tủ kính, được chị mang ra quán ăn, đặt nơi sáng sủa, sạch sẽ mà bất kỳ ai muốn ngồi vào bàn ăn cũng phải nhìn. Tôi nhìn thấy tầng trên của tủ trưng bày các ảnh, tượng Bác Hồ, cờ Tổ quốc cùng các loại bằng khen. 

Nào là bằng khen của Bộ trưởng chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng bà Keo Onl vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc.

Nào là bằng khen Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tặng bà Keo Onl vì thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước.

Hai bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh tặng cho bà vì thành tích xuất sắc, đóng góp vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh và vì thành tích xuất sắc trong việc tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm ấp khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2015.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tây Ninh khen bà Keo Onl, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh khen bà Keo Onl… Hàng loạt giấy khen các cấp, lớp đứng, lớp nằm chật kín chiếc tủ kính cao năm tầng, bề ngang hai thước hai. 

Chừng nào trong xóm hết người cần nhà thì mình xin cũng không muộn… Keo Onl bên phải - Ảnh: Ngọc Diêu
Chừng nào trong xóm hết người cần nhà thì mình xin cũng không muộn… ( già làng Keo Onl ngồi rìa phải) - Ảnh: Ngọc Diêu

Chị bảo, cái tủ kính không phải để khoe những việc mình làm. Sự ghi nhận trong cộng đồng người Khmer ở ấp Bố Lớn mới là điều khiến chị vui hơn cả.

Chị Kà Reo - Keo Onl thuộc thế hệ 7X. Chị nói Kà Reo là tên “nhà xài”. Còn Keo Onl là tên đi… họp (tên khai sinh).

Trong cộng đồng dân tộc Khmer ấp Bố Lớn, nhiều người cao tuổi hơn, nhưng chị Kà Reo đã được cộng đồng dân tộc Khmer bầu làm “già làng”. Chính quyền tỉnh cũng liên tục hàng năm ra quyết định công nhận: Bà Keo Onl ấp Bố Lớn là người có uy tín với dân tộc Khmer nơi đây.

Già làng nhận bằng khen của tỉnh uỷ Tây Ninh - Ảnh Hồng Thắm
Chị Kà Reo - Keo Onl, già làng - người có uy tín ấp Bố Lớn là một trong những gương tiêu biểu thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị . Trong hình: chị Keo Onl tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 do tỉnh Tây Ninh tổ chức - Ảnh Hồng Thắm

Từ năm 2009, khi chị tham gia công tác Hội Phụ nữ, thường xuyên cùng các lực lượng du kích, công an, bộ đội biên phòng đi tuần tra quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc… góp phần giữ an ninh trật tự xóm ấp; thường xuyên vận động người dân tham gia bảo vệ tốt tuyến đường biên giới Việt Nam - Campuchia, không vượt biên, không mua bán, vận chuyển hàng lậu… và làm rất nhiều việc cụ thể cho bà con trong ấp.

Chỉ tính trong vòng 5 năm trở lại đây, già làng Kà Reo - Keo Onl đã vận động các nhà hảo tâm tặng hơn 500 phần quà các dịp tết Nguyên đán Việt Nam, tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của dân tộc Khmer… trị giá hơn 150 triệu đồng cho người dân trong ấp, các ấp lân cận và hội viên các ngành trong xã. 

Chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tại Đại hội các dân tộc thiểu số lần thứ II  (tháng 12/2020) tại Hà Nội.
Nữ già làng Keo Onl chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tại Đại hội Các dân tộc thiểu số lần thứ II (tháng 12/2020) tại Hà Nội.

Riêng năm 2019, chị vận động xây tặng bốn căn nhà tình thương (trị giá 55 triệu đồng/căn), chín nhà vệ sinh tự hoại với tổng trị giá 90 triệu đồng. Chị xin đất đổ nền xây nhà cho bà con nghèo, sửa lại đường đi, xin hỗ trợ bò cho nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn trong ấp… 

Nhìn mái nhà lợp tôn thủng lỗ chỗ, nắng chiếu xiên như qua cái rổ xảo, cột kèo mối mọt bu đầy, quán xá ế ẩm… tôi buột miệng hỏi: “Nhà chị cũng đang xuống cấp, sao chị không xin chính quyền hỗ trợ?" 

Chị cười rồi bảo: “Mấy anh bộ đội biên phòng Phước Tân cũng có tặng cho mấy con heo rừng để nuôi rồi còn gì. Còn nhà… thì ưu tiên cho mấy hộ khó khăn đã. Chừng nào trong ấp hết người cần được giúp xây nhà, mình xin cũng đâu muộn…”. 

Nguyễn Thiện 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI