Phố Đinh Liệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội là một trong những con phố nổi tiếng lâu đời về kinh doanh các mặt hàng khăn, mũ, găng tay được làm từ len, lụa và các sản phẩm từ vải khác.
Con phố này chỉ cách cửa hàng Khaisilk địa chỉ 113 Hàng Gai chưa đầy một trăm mét và được bày bán tràn lan các loại khăn được làm từ lụa với giá từ 25.000 đồng loại rẻ nhất và đắt nhất cũng chỉ vài trăm ngàn đồng.
Theo khảo sát, loại khăn vuông có hình dạng và kích thước 50 x 50 cm (loại giống với lô khăn công ty V. mua từ Khaisilk và phát hiện vừa có mác "Made in China" vừa có mác "Khaisilk Made in Vietnam" được bán với giá 644.000 đồng/chiếc) được bày bán ở hầu khắp các cửa hàng thuộc con phố này.
Giá cả cũng dao động tuỳ từng cửa hàng nhưng loại rẻ nhất có giá 25.000 đồng và đắt nhất có giá 80.000 đồng một chiếc, người bán đảm bảo đây là "lụa "xịn" chất lượng cao của Trung Quốc".
Nhiều doanh nghiệp "treo đầu dê, bán thịt chó" kiếm lợi khủng từ tơ lụa
Rất nhiều làng quay tơ (sơ chế kén tằm thành sợi) ở Hà Nam, Nam Ðịnh, Bắc Ninh... đã phải "bạc mặt" vì lỗ, nhiều hộ gia đình phải bỏ nghề vì làm ăn không hiệu quả. Ngay đến làng dệt Nha Xá (Duy Tiên - Hà Nam) cũng lao đao vì làm nghề không có lãi.
Giá thành phẩm của một chiếc khăn lụa tơ tằm, ít nhất là 600.000 đồng, chiếc áo bình thường cũng hơn một triệu đồng. Thế nhưng, người mua đến chợ lụa Vạn Phúc (Hà Nội) vẫn có thể tìm được những chiếc khăn giá 150.000 đồng, mà chủ hàng bảo là hàng "xịn" thì thật khó tin.
|
Khăn lụa là mặt hàng dễ bị nhái để bán giá cao nhất tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Internet. |
Không chỉ vậy, giá thành của lụa tơ tằm Việt còn bị Trung Quốc cạnh tranh gắt gao. Theo một số chủ cơ sở dệt lụa, lụa Duy Xuyên - làng lụa tơ tằm 300 năm giữa phố cổ Hội An - bán với giá thành 60.000 đồng/m cho các shop ở Hội An, Đà Nẵng. Những tiệm này bán lại cho khách từ 80.000-90.000 đồng/m.
Trong khi đó, lụa Trung Quốc, tơ bóng Trung Quốc sản xuất theo lối công nghiệp bán với giá rẻ hơn từ 17.000-20.000 đồng/m, mẫu mã lại đẹp nên du khách ưa chuộng hơn, mặc dù lụa công nghiệp này mau phai màu, cứng, không đẹp bằng lụa tự nhiên Duy Xuyên.
Lụa Vạn Phúc và gốm Bát Tràng là hai thương hiệu nổi tiếng. Thế nhưng, vì lợi nhuận, vì sự biến động của thị trường, không ít chủ hàng đã "treo đầu dê, bán thịt chó", hoặc nhập hàng Trung Quốc bán kèm với hàng truyền thống, gây khó khăn, bức xúc cho người mua và ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu làng nghề. Từ lâu đây là một vấn đề nhức nhối của thị trường lụa Việt.
“Khác với thị trường Việt Nam, lụa tơ tằm ở Trung Quốc cực kỳ phổ biến. Không chỉ khăn, áo, váy, mà ngay cả các đồ dùng nội thất như gối, ga đệm, rèm cửa cũng lấy lụa làm chất liệu để sử dụng”, Đỗ Khải Ly, Giám đốc truyền thông của Hoi An Silk Group cho hay.
Việt Nam phải nhập tơ tằm từ Trung Quốc mỗi năm
Theo Hiệp hội dâu tằm tơ Việt Nam, thị trường Việt Nam không nhỏ, nhưng hiện nay mỗi năm phải nhập khẩu cả 1.000 tấn tơ từ Trung Quốc, Brazil… để làm gia công cho Công ty Matsumura (Nhật Bản) xuất khẩu.
Tại đại hội Hiệp hội dâu tằm tơ Việt Nam, nhiệm kỳ 2017 - 2022 (ngày 15/4, tại TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng), ông Đặng Vĩnh Thọ, Chủ tịch Hiệp hội dâu tằm tơ Việt Nam, Phó tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty dâu tằm tơ Việt Nam, cho hay: “Hiện nay cả nước có khoảng 7.000 - 8.000 ha dâu. Nếu nông dân đầu tư thâm canh cây dâu tốt, năng suất đạt 30 tấn/ha và nuôi tằm không bị bệnh thì lượng kén thu về cũng không đủ đáp ứng với công suất máy móc mà các doanh nghiệp và các hộ đã đầu tư…”.
Không chỉ vậy, ngành dâu tằm tơ Việt Nam hiện còn phải lo đối phó từ các thương nhân Trung Quốc “núp bóng” doanh nghiệp Việt Nam tràn sang. Ông Phạm Phú Bình, Giám đốc Công ty tơ tằm Phú Cường (xã Đại Lào, TP.Bảo Lộc), cho biết: “Hiện nay bên Trung Quốc máy móc cũ đang dư ra và họ gần như cho không và bằng đường nào đó đã “chạy” sang Việt Nam, người dân, doanh nghiệp đầu tư nhiều gây ra thiếu nguyên liệu trầm trọng".
|
Sản phẩm khăn lụa bán tại Khaisilk có dấu hiệu bị cắt tag. Ảnh FB Đặng Như Quỳnh. |
Hiện nay, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu đến 95% nguyên liệu bông, 100% hóa chất nhuộm và thiết bị cho ngành dệt may. Đó chính là lý do các sản phẩm may mặc của Việt Nam thường có giá cao hơn Trung Quốc. Ngoài ra, nước ta cũng không sự “bắt tay” giữa ngành dệt và may. Bên cạnh những khó khăn về việc chủ động nguyên liệu dệt tơ, điều này không khó hiểu khi hầu hết các doanh nghiệp lựa chọn con đường giàu nhanh bằng nhập “nguyên kiện” từ Trung Quốc.
Người Việt Nam muốn nhập hàng, có thể liên hệ trực tiếp với các cơ sở ở đây để sở hữu hoàn toàn mẫu mã và chất lượng theo giá thành. Sản phẩm có thể vận chuyển theo đường bộ và vận chuyển về Việt Nam.
Hàng hóa Quảng Châu – Trung Quốc đã không còn quá xa lạ với nhiều người dân Việt Nam bởi không chỉ đa dạng về mẫu mã mà giá cả lại phải chăng.
Với sự bùng nổ của thương mại điện tử trong những năm gần đây, việc mua hàng online đã trở nên quen thuộc, nhưng không phải ai cũng biết cách săn nguồn hàng Trung Quốc.
Tháng 10 hằng năm, thành phố Hàng Châu tấp nập khách hàng đến từ các thương hiệu lụa nổi tiếng để thăm dò thực lực sản xuất và ký những hợp đồng cho năm sau.
Hầu hết các thương hiệu lụa nổi tiếng và lâu đời nhất châu Âu đã phải chấp nhận để cho người Trung Quốc làm hàng để tăng mức cạnh tranh.
Tại Trung Quốc có sẵn một “chợ lụa” lớn. Con đường tơ lụa Hàng Châu tọa lạc phố Qinghefang, chỉ là đoạn đường vài trăm mét mà hai bên san sát cửa hàng bán sỉ.
Nhưng đó là con đường bán sỉ lớn nhất thế giới, khi từ đây cung cấp lụa, hàng thời trang và sản phẩm lưu niệm từ vải và lụa ra khắp châu Á, châu Phi và Đông Âu.
Chợ lụa ở phố Qinghefang ngày ngày vẫn bán sỉ từ vài trăm cái khăn lụa vài ba đô la Mỹ mỗi cái đến các loại khăn giả những nhãn hiệu thời trang cao cấp nhất thế giới với giá 10 USD mỗi sản phẩm.
Những chiếc khăn hàng hiệu, dù nó là những nhãn hiệu lâu đời của Thái Lan, của Pháp, dù nó là niềm tự hào của bất cứ thương hiệu nào, nó cũng có thể được sản xuất chính danh tại Tô Châu hoặc Hàng Châu - thủ phủ tơ lụa 2000 năm của Trung Quốc.
|
Thái Nguyễn (Tổng hợp)