Giá hàng hóa rục rịch tăng theo lương cơ sở

11/07/2024 - 06:09

PNO - Từ ngày 1/7, lương cơ sở tăng từ mức 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Ngay trước ngày lương tăng, một số mặt hàng thiết yếu ở các chợ truyền thống của TPHCM đã tăng giá nhẹ “đón đầu”.

Giá cà phê, ca cao, hạt tiêu... tăng mạnh

Chủ sạp tạp hóa Y.L. trong chợ Tân Định (quận 1) cho biết, trước ngày 1/7, nhà phân phối thông báo tăng giá đường cát thêm 1.000-2.000 đồng/kg, nâng giá đường Biên Hòa lên 30.000 đồng/kg, đường cát trắng dạng bao lên 25.000 đồng/kg. Trong đợt tăng lương cơ sở vào tháng 7/2023 (tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng), giá đường cũng tăng, sau đó giảm nhẹ rồi tăng trở lại như mức cũ. Nếu tính từ giữa năm 2022 đến nay, giá mỗi ký đường cát trắng đã tăng 9.000 đồng.

Theo chủ sạp này, giá dầu ăn, sữa cũng tăng từ tháng 6/2024: dầu ăn Cái Lân tăng thêm 5.000 đồng/bình 5 lít, lên 145.000 đồng/bình; dầu ăn Meizan Gold tăng 2.000 đồng/chai 1 lít, lên 41.000 đồng/chai. Nếu tính từ giữa năm 2022 đến nay, giá mỗi lít dầu ăn tăng từ 10.000-14.000 đồng/lít.

“Cách đây vài ngày, giá sữa đặc có đường tăng 1.000 đồng/hộp, lên 27.000 đồng/hộp nhưng nhà phân phối thông báo giá sẽ còn tăng nữa. Nhiều chủ cơ sở tăng giá sản phẩm với lý do giá xăng tăng, giá nguyên liệu chế biến tăng. Chẳng hạn, do giá hành và giá dầu ăn tăng nên giá hành phi cũng tăng thêm 20.000 đồng/kg, lên 350.000 đồng/kg” - chủ sạp Y.L. cho hay.

Tiểu thương chợ Tân Định (quận 1, TPHCM) cho biết giá đầu vào nhiều loại hàng hóa đã tăng trong khi sức mua thấp
Tiểu thương chợ Tân Định (quận 1, TPHCM) cho biết giá đầu vào nhiều loại hàng hóa đã tăng trong khi sức mua thấp

Hiện tại, giá bún, mì, hoành thánh cũng tăng thêm khoảng 1.000 đồng/kg so với hồi tháng Năm. Ông Trần Thiện - tiểu thương chợ Tân Định - nói, từ đầu năm 2024 đến nay, giá gạo liên tục tăng với tổng mức tăng 2.000-3.000 đồng/kg so với năm 2023 nên giá các loại thực phẩm được làm từ gạo, bột cũng tăng 3 lần, mỗi lần tăng thêm 1.000 đồng/kg.

Còn theo chủ sạp H.P. trong chợ An Đông (quận 5), cà phê, ca cao và hạt tiêu là 3 mặt hàng tăng giá mạnh nhất. Giá cà phê gói Trung Nguyên tăng thêm 40.000 đồng/bịch 800 gam, lên 165.000 đồng; giá tiêu tăng thêm 100.000 đồng/kg, lên 320.000 đồng/kg, giá bột ca cao tăng 40.000 đồng/kg, lên 140.000 đồng/kg. Do mức tăng khá mạnh nên sức mua các mặt hàng này giảm hẳn.

Dù tăng thấp cũng phải kiểm tra, xử lý nghiêm

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh - nguyên giảng viên Học viện Tài chính - đánh giá, thông thường, hàng hóa thường có 2 lần tăng giá theo lương cơ sở, gồm 1 lần vào trước khi áp dụng quy định, 1 lần vào lúc người lao động nhận tháng lương tăng đầu tiên. Như trong đợt tăng lương này, một số mặt hàng đã rục rịch tăng giá trong tháng Năm, tháng Sáu. Dù mức tăng giá hàng hóa không nhiều nhưng nếu tính tổng số hàng hóa mà người tiêu dùng phải mua mỗi tháng thì số tiền bị đội lên không nhỏ, khiến việc tăng lương giảm mất ý nghĩa.

Ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng, số lượng cửa hàng kinh doanh, hộ tiểu thương, chợ dân sinh rất nhiều, khó kiểm tra từng cơ sở. Do đó, cơ quan chức năng có thể kiểm tra đột xuất ở một số nơi, xử lý nghiêm vi phạm về giá để răn đe chung. “Những năm trước, hễ lương cơ sở tăng thì sau đó giá xăng, điện, các dịch vụ khác đều tăng. Nền kinh tế hiện tại vẫn chưa phục hồi, doanh thu bán lẻ vẫn chưa tăng như kỳ vọng, do đó không nên tăng giá xăng, điện, các dịch vụ khác. Muốn tăng thì phải có lộ trình và phải có thời gian giãn cách” - ông đề xuất.

Ông Nguyễn Ngọc Luận - Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu - cho rằng, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý vẫn chưa đồng bộ, khiến việc tăng giá hàng hóa diễn ra như thói quen, trào lưu mỗi khi có tăng lương. Nếu muốn quản lý tốt giá cả hàng hóa, cần giao chỉ tiêu cho ngành công thương từ cấp bộ xuống tới phòng kinh tế các quận huyện, ban quản lý các chợ truyền thống để quản lý sát sao giá cả của các hộ kinh doanh, tiểu thương.

Ông cho hay, ở nước ngoài, cơ quan chức năng không cần nhiều nhân lực để đi kiểm tra giá cả mà sử dụng công nghệ, tức là có cổng thông tin gồm số điện thoại, email để người tiêu dùng phản ánh. Nếu có vụ việc nghiêm trọng, họ sẽ cử người đến tận nơi, đóng vai khách hàng mua sản phẩm để thu thập bằng chứng, sau đó xử phạt. Theo ông, việc mỗi người tăng giá một ít sẽ tạo ra mức giá chung của thị trường, do đó không nên thấy giá tăng ít mà không kiểm tra. Muốn người tiêu dùng mạnh dạn phản ánh, cần có diễn đàn, cần khuyến khích, lắng nghe và giải quyết thấu đáo phản ánh.

Ngày 22/6, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 61/CĐ-TTg yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước phải ổn định thị trường, giá cả, nắm bắt tình hình để kịp thời có kế hoạch ứng phó, giải pháp phù hợp, hiệu quả, sát thực tiễn.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI