Người kinh doanh kêu trời
Những ngày này, ở TP.HCM nhiều loại nhu yếu phẩm như gạo, dầu ăn đã bắt đầu tăng giá. Chủ lò bún tươi tại địa chỉ 43/10B Phan Văn Đối, ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn cho biết, cơ sở của mình đang đau đầu vì nguyên liệu chính để làm bún là gạo tăng giá.
Cụ thể, gạo dùng làm bún là gạo 2517 đã tăng thêm 1.000đ/kg (giá cũ 9.000đ/kg), gạo 514 tăng thêm 1.500-2.000đ/kg (giá cũ 10.000đ/kg). Mỗi ngày cơ sở phải nhập 500-700kg gạo, xem như phải tốn thêm 500.000-700.000đ, chưa tính phải tốn thêm tiền điện.
Các nguyên vật liệu để pha chế các loại nước uống như đường, cà phê, nước đá, sữa… cũng “dắt tay nhau" tăng giá từ 3.000-15.000đ/thùng sữa hoặc cây đường.
Anh Huỳnh Ngọc, chủ quán cà phê Huỳnh (74 Nguyễn Cư Trinh, Q.1) cho biết, sau khi điện tăng giá, ngày 10/12 anh nhận được giấy báo của đại lý nước đá - Công ty TNHH sản xuất thương mại Hồng Phúc, là sẽ tăng giá nước đá cây thêm 4.000đ/cây (giá cũ 22.000đ/cây), nước đá bao thêm 2.000đ/bao (giá cũ 16.000đ/bao), chưa bao gồm 10% thuế VAT.
Theo chủ Công ty Hồng Phúc, việc sản xuất nước đá tiêu tốn rất nhiều điện năng; vận chuyển lại phải tốn xăng, dầu, nên công ty buộc phải tăng giá để đảm bảo chi phí sản xuất.
Đã vậy, giá đường cát trắng cũng tăng thêm 15.000đ/cây 10kg (giá cũ 175.000đ/cây); sữa Vinamilk tăng 5.000đ/thùng 48 lon loại 380g (giá cũ 650.000đ/thùng). Các mối bán siro thương hiệu Morin dùng để pha chế các loại nước soda, trà đào cũng tăng giá 5.000-7.000đ/chai, tùy loại.
Các sản phẩm bánh kẹo phục vụ tết Nguyên đán cũng đang tăng. Anh Hoài Linh, Công ty TNHH một thành viên thực phẩm Hoài Linh - chuyên phân phối bánh kẹo về các tỉnh miền Tây cho biết, hiện các loại kẹo dẻo bắp Thái Dương, Phúc Hạnh đã tăng thêm 20.000đ/thùng (thùng 10 gói loại 1kg - giá cũ 290.000đ/thùng).
Nguyên nhân được công ty cung cấp giải thích là do giá các loại bắp, bột mì, dầu ăn… đều tăng từ 1.000-2.000đ/kg, cộng thêm giá điện tăng nên giá sản phẩm cũng phải tăng theo.
Theo anh Linh, giá bánh kẹo sản xuất tại TP.HCM tuy có tăng nhưng không bằng các sản phẩm sản xuất tại Hà Nội, vì phải tốn thêm chi phí xăng dầu. “Chỉ cần tăng 500-1.000đ/sản phẩm, người ở nông thôn sẽ chọn sản phẩm khác giá rẻ hơn” - anh Linh lo lắng.
“Té nước theo mưa”, giá cho thuê mặt bằng kinh doanh cũng đang tăng chóng mặt. Hàng loạt quán cà phê ở Q.1 đã được chủ cho thuê thông báo tăng giá. Cụ thể, một căn nhà mặt tiền ở đường Nguyễn Cư Trinh, Q.1, diện tích 4x20m, 3 tầng (chưa tính tầng trệt) có giá thuê bị đội lên thêm 15 triệu đồng/tháng (giá cũ 60 triệu đồng/tháng).
Giá thuê mặt bằng cà phê Vy đang tăng thêm 20 triệu đồng/tháng (giá cũ 60 triệu đồng), cà phê Cao Nguyên (71 Nguyễn Cư Trinh, Q.1) tăng thêm 3 triệu đồng tháng (giá cũ 22 triệu đồng/tháng). Lý do chủ cho thuê đưa ra là do vật giá tăng, chi tiêu gia đình tăng theo nên buộc phải tăng giá cho thuê để bù đắp.
Thế nhưng, dù đầu vào tăng giá, nhiều người sản xuất kinh doanh vẫn cố “cầm cự” không dám tăng giá sản phẩm của mình vì sợ mất khách. Anh Huỳnh Ngọc cho biết: “Tôi đang gồng đợi đến tết - là lúc mọi thứ đều tăng giá mới dám tăng thêm khoảng 2.000đ/ly, nhưng cũng lo khách thấy giá tăng sẽ “một đi không trở lại”. Có thể tôi phải kéo dài thêm thời gian bán trong ngày để có thêm thu nhập bù chi phí hao hụt”.
Một chủ lò bún ở H. Hóc Môn cũng đang “gồng mình” chịu trận vì giá bún bán ra không thể tăng, vẫn giữ mức giá 8.000đ/kg. Nếu tăng đột ngột khách hàng chắc chắn sẽ chuyển sang lấy mối khác.
Không tăng được thì... giảm!
Anh Huỳnh Thanh Phong - chủ quán cà phê C.on Backpackers (23B Ngô Thời Nhiệm, Q.3) cho biết, mối giao nước đá cho anh tuy không tăng giá, vẫn giữ mức cũ là 20.000đ/bao; nhưng bao nước đá “bổng dưng”... rất lỏng lẻo, lượng nước đá hụt đi so với trước và so với các công ty khác. Đá cây thì kích thước cũng nhỏ hơn.
“Thực phẩm được cân đo, đong đếm bằng kg, bằng lít nên các công ty khó ăn gian. Nước đá thì tính theo cây, theo bao nên rất dễ bị “hao hụt”, người mua không để ý cũng khó nhận ra”, anh Phong nói.
Chị T., tiểu thương chợ Vườn Chuối cho biết, mới đây, nhiều hộ may gia công đã giao hàng có đường chỉ thưa hơn, may chỉ đơn thay vì chỉ khít hoặc chỉ đôi.
Một cái cúc áo, nếu trước đây may 6 lượt chỉ thì nay giảm còn 3-4 lượt. Loại chỉ, vải thêu may cũng kém chất lượng hơn để choàng gánh cho chi phí điện.
|
Tương tự, anh Huỳnh Ngọc kể, loại cà phê thương hiệu C. anh thường lấy tuy vẫn giữ mức 150.000đ/kg, nhưng cà phê pha ra không còn vị ngon, đậm đà được như trước. Thậm chí, nhiều quán còn chơi chiêu: “1kg cà phê pha đúng tiêu chuẩn là 36 ly, nhưng sẽ pha ra 40 ly. Đây cũng là một cách để không tăng giá, nhưng phải chấp nhận giảm chất lượng” - anh Ngọc nhận định.
Không chỉ thực phẩm, ngay cả những mặt hàng may mặc như quần áo, nếu không tăng giá thì để có lời phải giảm chi phí cho chất liệu hoặc giảm chi tiết gia công trên sản phẩm để tiết kiệm điện, công may.
Chị T., tiểu thương chợ Vườn Chuối cho biết, mới đây, nhiều hộ may gia công đã giao hàng có đường chỉ thưa hơn, may chỉ đơn thay vì chỉ khít hoặc chỉ đôi. Một cái cúc áo, nếu trước đây may 6 lượt chỉ thì nay giảm còn 3-4 lượt. Loại chỉ, vải thêu may cũng kém chất lượng hơn để choàng gánh cho chi phí điện.
Tuy nhiên, “với những sản phẩm may mặc có thương hiệu, doanh nghiệp vẫn đang tìm cách “co kéo” chứ không dám làm ăn gian dối vì sẽ bị mất khách” - ông Lý Thành Sinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần may thêu Minh Long Hưng, khẳng định.
Thanh Hoa