Giá gas leo thang, chọn cách để tiết kiệm

02/09/2018 - 06:00

PNO - Chóng mặt bởi giá gas, người tiêu dùng từ xài xen kẽ bếp điện, bình đun điện đến tăng cường dùng nồi ủ, nồi áp suất, thiết bị tiết kiệm gas... Cách nào hiệu quả, hay quan trọng là ở cách dùng?

Hết gas, chị Lan (37 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) gọi cửa hàng chở tới bình gas 12 kg. Nhân viên lắp gas xong, báo giá 374.000 đồng/bình 12 kg. Chị Lan sửng sốt: “Tháng trước cũng tăng, tháng này lại tăng, cứ tăng hoài sao chịu nổi”.

Không riêng chị Lan, nhiều gia đình đang sử dụng bếp gas để nấu nướng cũng than thở khi giá gas tăng liên tục. Từ đầu năm đến nay, các bà nội trợ phải chi trả thêm tới 50.000 đồng khi mua bình gas 12 kg.

Tiết kiệm gas bằng dụng cụ nấu khác

Nhiều bà nội trợ xót ruột, lo ngại thâm hụt tiền chợ nên tìm đủ cách để tiết kiệm gas. Chị Lan cho biết, từ tháng trước khi giá gas tăng thêm 11.000 đồng/bình 12 kg, chị đã chuyển sang nấu nước sôi bằng ấm điện, thậm chí luân phiên xài thêm bếp điện từ.

Song, thay vì bình gas 12 kg xài hết trong 1,5 tháng, tiết kiệm bằng cách trên cũng chỉ kéo thêm được 3 – 5  ngày là hết gas. Chị lại phải trả thêm tiền điện. Cuối cùng, bài toán tiết kiệm gas vẫn chưa tìm ra lời giải.

Gia gas leo thang, chon cach de tiet kiem
Nhiều bà nội trợ sử dụng nồi ủ để hầm xương, canh củ để tiết kiệm gas.

Chị Giang (45 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) chọn cách tiết kiệm gas hiệu quả hơn. Nghe tin giá gas tăng, chị vội vàng mua thêm nồi áp suất và nồi ủ, giá chưa đến 1 triệu đồng.

Chị Giang cho biết: “Hầm xương, canh củ để ăn liền thì tôi dùng nồi áp suất, chỉ cần đun 5 – 10 phút, tắt bếp, để 15 – 20 phút sau mở nắp là xương, canh nhừ. Giảm thời gian đun sẽ tiết kiệm được gas".

Trong trường hợp cần hầm xương chiều hay sáng mai mới ăn, chị dùng nồi ủ. Sáng ủ, chiều ăn, hoặc tối ủ thì sáng hôm sau ăn. Chỉ cần đun sôi xương, củ và đổ vào nồi ủ, đậy nắp. Đến chiều hoặc sáng hôm sau, chỉ cần cho sang nồi khác nấu sôi lên là xong.

"Làm cách này, tôi so sánh thấy giảm được 1/4 lượng gas xài. Cụ thể, trước đây một bình gas 12 kg xài trong 1,5 tháng, giờ xài được 2 tháng mới hết”, chị Giang chia sẻ.

Nhiều chị sau khi được chị Giang “mách nước” cũng đã mua thêm nồi ủ, nồi áp suất hầm xương, canh củ để tiết kiệm gas. Bên cạnh đó, chọn chảo, nồi nấu có kích cỡ phù hợp với lượng thức ăn cần nấu cũng là cách tiết kiệm gas.

Tiết kiệm gas thông qua cách nấu

Nhiều người vì nôn nóng nấu ăn cho nhanh nên vặn gas thật to để nước mau sôi, kho xào thức ăn nhanh chín. Thế nhưng, đây là cách sử dụng “ngốn” gas mau hết.

Ông Lê Quang Tuấn – Giám đốc kinh doanh Pacific Gas, tư vấn: để tiết kiệm gas, người dùng nên mở lửa vừa phải. Khi nước hay canh sôi rồi thì vặn lửa nhỏ liu riu, lúc này nước sẽ vẫn sôi.

Trong quá trình nấu, chị em nên chuẩn bị sẵn các nguyên liệu cần nấu. Tránh mở, tắt bếp liên tục sẽ hao gas. Bên cạnh đó, tránh gió lùa, quạt thổi vào bếp. Chị em cũng đừng quên khóa van bình gas để tránh rò rỉ gas, vừa hao hụt gas, vừa không đảm bảo an toàn.

Ông Tuấn lưu ý thêm, trong quá trình nấu ăn, dầu mỡ, thức ăn có thể bám trên bếp gas gây tắc nghẽn lỗ thoát gas. Vì vậy, chị em cần lau sạch bếp gas sau mỗi lần nấu. Không nên sử dụng bếp gas quá cũ vì thường bị rỉ sét các đường ống, van, dễ gây hiện tượng xì khí gas, dẫn đến hao gas và nguy hiểm.

Gia gas leo thang, chon cach de tiet kiem
Chỉ nên mở ngọn lửa nhỏ khi nấu, sẽ tiết kiệm gas hơn so với mở lửa lớn

Nhiều gia đình chọn xài bếp gas âm (phần thân bếp chìm dưới sàn bếp) vì đẹp, dễ vệ sinh bếp. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, xài bếp gas âm hao gas hơn từ 10 – 15% so với bếp gas dương (bếp được đặt nổi trên sàn bếp). Vì bếp gas âm có công suất lớn, lượng gas tiêu thụ cao.

Một số gia đình chọn xài bếp điện từ thay bếp gas, nhưng anh Hùng – chủ cửa hàng chuyên doanh gas Thanh Hùng, quận 12, TP.HCM cho biết, với giá điện hiện nay thì đúng là xài bếp điện từ khá hiệu quả về bài toán chi phí so với xài gas. Tuy nhiên, về độ bền thì không bằng bếp gas. Vậy nên, so sánh kỹ thì nhiều gia đình vẫn chọn xài bếp gas phổ biến.

“Một gia đình có hai vợ chồng và một, hai con nhỏ thì một bình gas 12 kg có thể xài 4 – 5 tháng mới hết. Còn tiền điện thì phải trả hàng tháng, nên nhiều nhà không dùng bếp điện thay bếp gas”, anh Hùng nói.

Đánh vào tâm lý muốn tiết kiệm gas của bà nội trợ khi giá gas liên tục leo thang, nhiều nơi còn chào bán các thiết bị tiết kiệm gas. Giá dao động từ 400.000 – trên 1 triệu đồng/cái.

Hầu hết các nơi đều khẳng định, sản phẩm tiết kiệm gas giúp tiết kiệm đến 25 - 35% lượng gas tiêu thụ hàng tháng, tạo ngọn lửa cháy xanh và đều hơn; tăng hiệu suất nhiệt của bếp gas, giảm thời gian đun nấu,...

Gia gas leo thang, chon cach de tiet kiem
Để tiết kiệm gas, quan trọng là dùng gas đúng cách chứ không nên tin thiết bị tiết kiệm điện

Theo ông Tuấn, các nơi bán quảng cáo thiết bị tiết kiệm gas đến 25 – 35% là không đúng. Nếu có, cũng chỉ tiết kiệm một lượng gas nhỏ, không đáng kể.

“Tôi đã từng kiểm tra qua một số thiết bị tiết kiệm gas và thấy không có hiệu quả tiết kiệm gas như quảng cáo. Người dùng chỉ có thể tiết kiệm gas bằng sử dụng gas đúng cách trong quá trình nấu như tư vấn ở trên, không nên tin vào quảng cáo về thiết bị tiết kiệm gas”, ông Tuấn nói.

Chưa kể, việc gắn thêm các thiết bị vào đường ống dẫn gas của bếp gas sẽ tăng khả năng gây rò rỉ khí gas, mất an toàn.

Theo dự báo của các công ty chuyên doanh gas, giá gas vẫn đang theo xu hướng tăng, sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới. Vì đang vào mùa đông, nhu cầu sử dụng gas trên thế giới tăng cao nên giá gas tăng. 

Trong khi đó, Iran là nước giàu gas nhưng đang bị cấm vận dẫn đến nguồn cung ứng gas bị hạn chế. Các nước đang tăng cường sản xuất gas để bù lượng thiếu hụt nhưng vẫn không đủ. Các nước cũng lấy giá gas thế giới làm chuẩn, khi giá gas thế giới tăng, giá gas trong nước sẽ tăng theo.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI