Giá gạo, xăng dầu, gas, vàng... đẩy chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng 1,04%

29/02/2024 - 13:34

PNO - Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2024 tăng 1,04% so với tháng trước, tăng 1,35% so với tháng 12/2023 và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2023.

Nguyên nhân khiến CPI tháng 2/2024 tăng mạnh là do nhu cầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ dịp tết Nguyên đán tăng, giá gạo trong nước tăng theo giá xuất khẩu, giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới.  

Trong 9 nhóm hàng hóa tăng giá thì nhóm giao thông tăng cao nhất: 3,09%. Do nhu cầu đi lại dịp tết tăng, giá vận tải đường sắt tăng 151%, vận tải đường hàng không tăng hơn 39%, vận tải hành khách đường bộ và các đường kết hợp tăng từ 5-7%. Các chỉ số giá xăng cũng tăng hơn 5,8% so với tháng trước, dầu diezel tăng hơn 5%.

Xếp vị trí thứ hai trong nhóm tăng giá cao nhất là giá vàng, tăng hơn 2%. Tính đến ngày 25/2, bình quân giá vàng thế giới tăng 1,11% so với tháng vừa qua do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ sau chiến dịch tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát; nhu cầu mua vàng tăng do căng thẳng địa chính trị kéo dài, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Tại thị trường trong nước, nhu cầu mua vàng ngày Thần Tài tăng làm chỉ số vàng trong tháng 2 tăng hơn 2% so với tháng trước, tăng hơn 4% so với tháng 12/2023 và tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước.

Giá lương thực thực phẩm xếp vị trí thứ 3 trong nhóm tăng giá cao nhất. Hiện giá gạo trong nước vẫn tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ gạo ngon dịp tết tăng nên chỉ số giá gạo tiếp tục tăng hơn 2,1% so với tháng trước. Hiện gạo tẻ thường đã lên 15.000 - 19.000 đồng/kg, gạo tẻ ngon từ 22.000 - 24.500 đồng/kg. Các loại bún, phở, miến, bột mì cũng đều tăng giá trên 1%.

Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, giá vàng đã tăng 16%, là một trong những yếu tố làm chỉ số CPI tăng.
Chỉ trong 2 tháng đầu năm, giá vàng đã tăng hơn 16%, là một trong những yếu tố làm chỉ số CPI tăng - Ảnh: Thanh Hoa

Giá thịt heo cũng tăng cao gần 4%, hiện giá heo hơi đang dao động từ 54.000 - 58.000 đồng/kg; gà, vịt, trứng, thủy sản cũng tăng từ 1 - 2,2%; các loại trái cây tăng hơn 5,6%.

Trong tháng qua, chỉ có 2 nhóm dịch vụ giảm giá là bưu chính viễn thông giảm 0,17% và giáo dục giảm 0,42%.

Lạm phát cơ bản tháng 2/2024 tăng 0,49% so với tháng trước và tăng 2,96% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 2 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản tăng 2,84% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,67%) chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI