Giá gạo Việt giành lại “ngôi vương” thế giới

13/08/2024 - 08:57

PNO - Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong những ngày đầu tháng 8/2024 đã có sự bứt phá ngoạn mục.

Đáng chú ý, trong khi giá gạo các loại của Thái Lan và Pakistan xu hướng giảm mạnh thì Việt Nam lại “ngược dòng” tăng. Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 12/8, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đã tăng 8 USD/tấn, lên mức 570 USD/tấn; trong khi đó gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan giảm 4 USD/tấn, xuống còn 561 USD/tấn; tương tự gạo cùng phẩm cấp của Pakistan giảm 7 USD/tấn, xuống 548 USD/tấn.

Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh Công Hân
Thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: Công Hân

Theo VFA, dù đã tăng trở lại song mức giá này vẫn thấp hơn 70 USD/tấn so với mức đỉnh của năm 2023 là 640 USD/tấn. Tuy nhiên, dữ liệu từ VFA cũng cho thấy, việc tăng giá liên tục trong tháng Tám đã giúp gạo Việt giành lại ngôi vương xuất khẩu, đồng thời bỏ cách Thái Lan 9 USD/ tấn và Pakistan là 22 USD/tấn.

Lý giải nguyên nhân giá gạo tăng trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, do các quốc gia nhập khẩu truyền thống của Việt Nam là Philippines, Indonesia… vẫn tiếp tục tăng nhập khẩu trong năm 2024.

Trong đó, với Philippines, FAO dự báo lượng gạo nhập khẩu năm 2024 của nước này vào khoảng 4,1 triệu tấn, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước. Và theo dữ liệu từ Cục Thực vật và Công nghiệp (BPI), tính đến ngày 31/7, Philippines đã nhập khẩu 2,44 triệu tấn gạo. Việc tăng nhập của nước này nhằm giữ ổn định giá gạo trong nước bởi giá gạo nội địa ở Philippines đã tăng mạnh từ tháng 2/2023 đến tháng 4/2024 do giá quốc tế tăng cao và các lo ngại về tác động của El Nino. Mặc dù tháng 5-6/2024 giá đã ổn định hơn nhưng vẫn cao hơn mức cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, Indonesia vẫn đang gia tăng nhập khẩu gạo cho nhu cầu của người dân trong nước khi một số gia đình tại nước này đang chuyển sang dùng mì ăn liền để ứng phó với giá gạo cao. Theo đó từ đầu năm 2024 đến tháng 7/2024, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) đã nhập khẩu 2,5 triệu tấn gạo trong số 3,6 triệu tấn được phép nhập khẩu trong năm. Các nguồn nhập khẩu gạo chính của Indonesia đến từ Thái Lan (41%), Việt Nam (28%), Pakistan (17%) và Myanmar (11%). Lần công bố nhập gần đây nhất của Indonesia là vào cuối tháng 7/2024 và Việt Nam đã trúng thầu 185.000 tấn gạo trắng 5% tấm.

Ngoài 2 quốc gia trên, Nhật Bản gần đây cũng đã công bố sẽ nhập khẩu 21.000 tấn gạo; còn ở Trung Quốc, do nhiệt độ cao trên 40°C, đặc biệt là ở các tỉnh nội địa như Hồ Bắc, Hồ Nam và Chiết Giang, cũng đang đe dọa mùa vụ của người dân nước này…

Những yếu tố nói trên được cho là nguyên nhân khiến thị trường gạo thế giới sẽ tiếp tục giữ giá cao trong những tháng tới và gạo xuất khẩu từ Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi.

Nhận định về giá gạo sắp tới, ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cho rằng, nhu cầu của các nước vẫn cao, nếu chúng ta quyết tâm giữ ổn định chất lượng thì giá gạo sẽ không giảm.

Năm 2024 xuất khẩu gạo có khả năng vượt 5 tỉ USD

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được trên 5,1 triệu tấn gạo, với kim ngạch đạt 3,2 tỉ USD, tăng 25% về lượng và 5,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 sẽ vượt con số 5 tỉ USD.

Điều đáng nói là giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm nay tăng cao vượt trội so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, giá xuất khẩu gạo trung bình của Việt Nam hơn 6 tháng qua có mức cao kỷ lục: 636 USD/tấn, tăng 18% so với mức giá bình quân 538 USD/tấn của 6 tháng đầu năm 2023.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI