Giá gạo ST tăng mạnh, nhiều cửa hàng ngưng nhập

09/08/2024 - 09:37

PNO - Chị Nguyễn Thúy Hà (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) kể, cách đây vài ngày chị mua 10kg gạo ST25 và bất ngờ khi giá loại gạo này tăng khoảng 2.000 đồng/kg, lên 32.500 đồng/kg. Chị được chủ cửa hàng giải thích, giá tăng do các kho báo tăng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ở một số cửa hàng gạo tại TP Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận 5… những ngày qua đã được điều chỉnh tăng.

Chủ vựa gạo Hai Mao tại chợ Bình Triệu (TP Thủ Đức) cho biết, từ đầu tháng 8/2024 đến nay giá gạo được các kho báo tăng liên tục, dù mức tăng không nhiều. Tính đến nay, giá gạo đã tăng từ 500 - 2.000 đồng/kg so với hồi tháng 7/2024, trong đó nhóm gạo ST tăng mạnh nhất.

Cụ thể, gạo ST các loại đã tăng 2.000 đồng/kg, gạo Tài Nguyên tăng 1.500 đồng/kg (lên 24.000 đồng/kg), gạo tấm tăng 1.500 đồng/kg (lên 19.000 đồng/kg), gạo thơm Thái và thơm Lài tăng 500 đồng/kg, có giá lần lượt là 19.500 đồng và 20.500 đồng/kg.

Theo chủ vựa Hai Mao, các kho chỉ báo giá tăng mỗi ngày mà không giải thích lý do vì sao tăng. “Giá gạo tăng, trong khi sức mua chậm nên với nhóm gạo đặc sản ST gồm ST21, ST22, ST24, ST25 tôi không nhập thêm” - chủ cửa hàng này cho biết thêm.

Giá nhiều loại gạo đã điều chỉnh tăng từ 500 đồng/kg - Ảnh Mai Ca
Giá nhiều loại gạo đã điều chỉnh tăng từ 500 đồng/kg - Ảnh Mai Ca

Anh Nguyễn Ngọc Tuấn, chủ cửa hàng gạo Ngọc Tuấn trên đường Bình Quới (quận Bình Thạnh) cho biết, trong 10 ngày trở lại đây, giá gạo các loại đã được nhiều vựa cung cấp báo tăng liên tục. Hiện giá các loại gạo đã tăng bình quân từ 500 - 1.000 đồng/kg, tùy loại. Riêng nhóm ST tăng trên 2.000 đồng/kg nhưng không có số lượng lớn để nhập.

Anh Tuấn cho rằng, giá gạo tăng do gần đây có thông tin Việt Nam mới trúng thầu 185.000 tấn cho thị trường Indonesia. Đối với nhóm gạo ST, giá tăng do mặt gạo đẹp dễ bán, dễ phối trộn với gạo mới. Tuy nhiên, giá tăng mạnh quá nên anh Tuấn không dám nhập nhiều mà còn nghe ngóng thị trường.

Về nguyên nhân nhóm gạo ST tăng mạnh, ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - giải thích, nhóm gạo này chủ yếu trồng vụ đông xuân nên đến thời điểm này nguồn cung còn lại ít. “Do chủ động được nguồn nên chúng tôi vẫn giữ giá các loại gạo này ổn định, tuy nhiên chỉ bán trong hệ thống đại lý của công ty” - ông Bình cho biết.

Giá gạo tại các siêu thị vẫn bình ổn

Trong khi giá gạo ngoài thị trường biến động thì ở các hệ thống siêu thị như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Emart, Winmart/Winmart+… giá gạo vẫn ổn định, thậm chí còn giảm mạnh.

Như tại Co.op Food, gạo Jasmine Co.op Select loại 5kg có giá 195.000 đồng/2 túi (giá chưa giảm là 245.000 đồng/2 túi); tại siêu thị Emart Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) gạo thơm Phù Sa - ST21 giảm 26%, xuống còn 109.000 đồng/túi 5kg…

Theo Sở Công Thương, sở dĩ giá gạo ở các siêu thị không biến động là do TP đã triển khai chương trình Bình ổn thị trường theo nguyên tắc đảm bảo nguồn cung, đảm bảo cân đối cung cầu, kiểm soát thị trường, xây dựng hệ thống phân phối hiệu quả với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người tiêu dùng để đạt được mục tiêu bình ổn thị trường một cách bền vững. Lượng hàng bình ổn chiếm từ 23% - 31% nhu cầu thị trường, khối lượng khoảng 6.641,9 tấn/tháng nên hoàn toàn đủ sức chi phối thị trường.

Ngọc Thùy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI