Giá dừa tăng gần gấp ba, doanh nghiệp “đỏ mắt” tìm hàng

31/12/2024 - 07:14

PNO - Thời gian gần đây giá dừa trái ở Bến Tre tăng hàng ngày. Nếu như khoảng 3 tháng trước, 1 trái dừa khô chỉ có giá gần 6.000 đồng, nay đã lên hơn 15.000 đồng, dù vậy doanh nghiệp vẫn khó mua được nguyên liệu để sản xuất.

Giá dừa tăng cao

Giá dừa trái ở Bến Tre đang tăng cao đột biến. Qua khảo sát ở một số huyện, giá dừa khô đã lên đến 15.000 đồng/trái, cao gần gấp 3 lần thời điểm 3 tháng trước, và cao gấp 5 lần mức giá thấp nhất của năm 2023. Giá dừa xiêm uống nước cũng tăng gần gấp đôi, lên mức trên 10.000 đồng/trái (mua tại vườn).

Dù giá dừa lên cao, nhưng nhiều thương lái và doanh nghiệp khó mua đủ nguyên liệu để sản xuất hoặc cung cấp cho đối tác. Nhiều nông dân cũng không được hưởng lợi từ giá dừa vì vườn bị sâu hại tàn phá, không có thu hoạch.

Giá dừa ở Bến Tre tăng mạnh. Ảnh: Văn Phước
Giá dừa ở Bến Tre tăng mạnh - Ảnh: Văn Phước

Gia đình ông Lợi (66 tuổi, huyện Mỏ Cày Nam) có 0,7ha vườn dừa. Hồi giá dừa chỉ 6.000 đồng/trái, khu vườn đều đặn cho hoa lợi mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng. Nhưng do sâu đầu đen phá hại đến mức không thể cứu chữa, nên 3 tháng trước ông phải ngậm ngùi đốn bỏ khu vườn.

Những ngày qua, biết giá dừa khô tăng cao kỷ lục, ông Lợi càng thêm xót xa. “Giá như cứu được khu vườn thì nay thu nhập của gia đình tôi phải trên 10 triệu đồng/tháng…” - ông Lợi luyến tiếc.

Cách nhà ông Lợi khoảng 30km, gia đình bà Tư (70 tuổi, ở huyện Giồng Trôm) có 1ha dừa nhưng năm nay thất thu.

“Năm nay vườn dừa bị xâm nhập mặn, trái rụng gần hết, nay cây vẫn chưa hồi phục nên trái ít. Ngoài chăm sóc cho cây tốt lại, tôi còn phải mua thuốc và thuê người phun trừ sâu đầu đen, nên không có lãi gì” - bà Tư nói.

Bà Tư cho biết, theo kinh nghiệm của người trồng, thì vườn dừa bị xâm nhập mặn phải mất vài năm mới hồi phục. Dù giá dừa tăng cao, nhưng không được hưởng lợi gì nhiều.

Nhiều vườn dừa bị sâu đầu đen tấn công gây thất thu. Ảnh: Văn Phước
Nhiều vườn dừa bị sâu đầu đen tấn công gây thất thu - Ảnh: Văn Phước

Dọc những trục đường chính qua các huyện Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Bình Đại, Châu Thành của tỉnh Bến Tre, không khó để bắt gặp những vườn dừa nối nhau liên tiếp bị sâu ăn khiến lá héo khô, chết trụi. Những vườn dừa lâu năm, cây cao càng thiệt hại nặng vì các biện pháp phun xịt thuốc trừ sâu không mang lại hiệu quả.

Doanh nghiệp chế biến thiếu nguyên liệu

Tháng 10/2024, dừa được ngành chức năng Trung Quốc chính thức cấp phép nhập khẩu chính ngạch. Sau sự kiện, giá dừa nguyên liệu bắt đầu tăng, thương lái và doanh nghiệp ráo riết mua hàng.

Một thương lái chuyên thu mua dừa cho các vựa ở Bến Tre cho biết, giá dừa xiêm để uống nước đang tăng từng ngày. Chỉ mới tuần trước vẫn còn mua được dừa tươi với giá hơn 6.000 đồng/trái, nay đã lên hơn 10.000 đồng/trái nhưng không thể gom đủ hàng.

Ông Nguyễn Thanh Dũng - chủ một nhà máy chế biến dừa ở TP Bến Tre - cho biết, mỗi tháng nhà máy của ông chế biến khoảng 70.000 trái dừa khô. Tuy nhiên, những tháng gần đây, dù đã dùng hết cách vẫn không thể mua đủ nguyên liệu cho nhà máy hoạt động.

Ông Dũng kể, thấp điểm năm 2023, giá dừa khô xuống còn 3.000 đồng/trái, loại xấu thậm chí nông dân phải đổ bỏ.

“Giá tăng từng ngày, 1 tuần trước là hơn 10.000 đồng/trái, nay đã gấp rưỡi nhưng nguồn hàng gần như cạn kiệt, không thể mua được.

Năm ngoái dừa nguyên liệu từ Indonesia nhập về cũng nhiều, nhưng năm nay họ giống mình, bị thất mùa, vì vậy giá dừa quốc tế cũng đang bị đẩy cao” - ông Dũng cho biết thêm.

Thương lái và doanh nghiệp thu mua dừa ở Bến Tre. Ảnh: Văn Phước
Thương lái và doanh nghiệp thu mua dừa ở Bến Tre - Ảnh: Văn Phước

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam - cho biết: "Ngành chế biến dừa Việt Nam đang thiếu nguyên liệu nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp chế biến dừa tại Bến Tre phải đóng nhà máy hoặc hoạt động cầm chừng".

Theo bà Thanh, không chỉ doanh nghiệp trong nước gom hàng, thương lái cũng đang thu mua lượng dừa nguyên liệu rất lớn để bán thô sang Trung Quốc khiến tình trạng khan hiếm dừa thêm trầm trọng.

Phía Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cho hay, diện tích dừa của địa phương khoảng 80.000ha, chiếm trên 40% tổng diện tích dừa cả nước.

Năm 2024, khoảng 1.000ha dừa ở Bến Tre bị sâu đầu đen phá hại, dẫn đến năng suất suy giảm. Tỉnh này đang thực hiện nhiều biện pháp để dập dịch sâu đầu đen, có khoảng 50% diện tích bị sâu tấn công được cứu…

Ông Huỳnh Quang Đức - Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre - nhìn nhận, dừa là cây trồng chủ lực và nguồn thu nhập của hơn 200.000 hộ dân nông thôn của tỉnh.

Hiện dừa xiêm xanh Bến Tre được cấp giấy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và chứng chỉ quốc gia về chỉ dẫn địa lý.

Toàn tỉnh có 133 vùng trồng dừa được cấp mã số với diện tích hơn 8.300ha. Có 14 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc...

Bến Tre tăng cường sản xuất dừa hữu cơ phục vụ xuất khẩu... Ảnh: Văn Phước
Bến Tre tăng cường sản xuất dừa hữu cơ phục vụ xuất khẩu... - Ảnh: Văn Phước

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT), dừa là 1 trong 6 đối tượng nằm trong đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 được Bộ NN-PTNT ban hành.

Hiện nay, cả nước có gần 200.000ha dừa, tập trung chủ yếu ở các tỉnh duyên hải miền Trung và ĐBSCL.

Nếu như năm 2010, ngành dừa Việt Nam xuất khẩu với con số khiêm tốn chỉ 180 triệu USD, thì sau đó đã phát triển mạnh mẽ và đạt khoảng 900 triệu USD vào năm 2023; trong năm 2024 kim ngạch xuất khẩu dừa từ 900 triệu USD trở lên…

Anh Thơ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI