Chấp nhận giảm lợi nhuận, thay vì tăng giá đầu ra
Công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 20/6 cho thấy, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 22.617 đồng (tăng 15 đồng). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 22.700 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.276 đồng (tăng 16 đồng).
Đầu giờ sáng 20/6, một số ngân hàng thương mại tăng tỷ giá ngoại tệ đồng đô la Mỹ thêm 3 đồng so với cùng giờ phiên liền trước, phổ biến ở mức 22.815 đồng (mua) và 22.885 đồng (bán).
So với trước Tết, tỷ giá đồng đô la Mỹ trong hệ thống ngân hàng tăng 130 – 150 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Riêng giá USD trên thị trường chợ đen đứng ở mức cao: 22.980 - 23.020 đồng/USD.
Trước giá USD bất ngờ tăng cao như “ngựa bất kham” này, nhiều doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu lo ngại sẽ gặp không ít khó khăn trong thời gian tới.
Ông Trần Bá Dũng – Quản lý kinh doanh Công ty Nhựa Nét Việt (Bình Dương) cho biết giá USD tăng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty vì ảnh hưởng trực tiếp đến giá đầu vào nhập nguyên phụ liệu vải, nhựa,..; đặc biệt, nhựa nguyên sinh công ty phải nhập 100%. Trong khi, bảng giá, các đơn hàng công ty đã chào đến đối tác từ tháng 3, 4/2018.
“Với mức tăng tỉ giá đô vừa rồi, chúng tôi phải nhập nguyên liệu đầu vào tăng tương ứng nhưng lại không thể tăng giá nguyên liệu, thành phẩm bán ra vì đối tác không chấp nhận. Chúng tôi chỉ còn cách chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ mối quan hệ làm ăn lâu dài với khách, nhưng không biết sẽ cầm cự giữ giá được bao lâu nếu giá đô cứ tiếp tục đà tăng trong thời gian tới”, ông Dũng lo ngại.
|
Giá đô tăng, doanh nghiệp chọn cách giảm lợi nhuận thay vì tăng giá để giữ khách hàng. |
Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp đã nhập nguyên liệu từ trước khi giá đô chưa tăng, nên sẽ không ảnh hưởng đến giá đầu ra. Song, theo ông Dũng, chỉ những doanh nghiệp lớn mới có vốn nhiều để nhập nguyên liệu dự trữ và chủ động trong sản xuất, xuất khẩu các đơn hàng lớn.
Còn các doanh nghiệp nhỏ khó khăn về vốn nên nhập nguyên liệu theo mùa vụ. Chưa kể, tỉ giá tăng sẽ càng tăng thêm gánh nặng về vốn vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Cộng thêm tác động từ giá xăng tăng trước đó, chi phí đầu vào đội lên từ 5 – 10%, chúng tôi đã đề xuất tăng giá nguyên liệu cung cấp cho ngành túi xách lên 0,5 – 1% nhưng đối tác phản ứng quá, phương án tăng giá thất bại, chỉ còn chờ dịp có thể tăng hợp lý theo xu hướng để khách hàng dễ dàng chấp nhận”, ông Dũng nói.
Tương tự, tổng giám đốc một công ty sản xuất tôn lo ngại trong bối cảnh sức mua tại thị trường nội địa không cao như hiện nay thì việc tăng tỉ giá sẽ càng “nặng gánh” cho doanh nghiệp, khi trung bình mỗi tháng công ty ông phải chi gần 20 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu.
Về việc điều chỉnh giá bán trong thời gian tới, theo ông, “phải xem xét thật kỹ lưỡng mới quyết định; nếu không, sẽ mất khách hàng. Phương án chấp nhận giảm lợi nhuận được tính đến nhiều hơn”.
Theo y kiến nhiều doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu khác cũng cho thấy, giải pháp trước giá đô tăng là doanh nghiệp phải chấp nhận thiệt hại nhất định trước mắt; sau tùy tình hình thị trường sẽ chọn thời điểm thích hợp để điều chỉnh tăng giá theo giá tăng của nguyên liệu đầu vào.
Một số doanh nghiệp thì chọn phương án cân bằng cán cân xuất – nhập khẩu để bảo tồn mức lợi nhuận hiện có. Vì, doanh nghiệp khi xuất hàng đi sẽ nhận lại bằng ngoại tệ mà phần lớn bằng đồng USD, khi tỉ giá tăng, họ chuyển sang tiền đồng nên rất có lợi.
Giá đô sẽ tiếp tục tăng
Đó là nhận định của Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu về xu hướng tỉ giá đô từ nay đến cuối năm.
“Năm nay, tỉ giá đô có thể biến động từ 1 – 3%. Đây là biến động mạnh so với năm ngoái, có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu và bất lợi lớn cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Tùy vào khả năng chịu đựng của doanh nghiệp. Nếu tỉ giá đô tăng 1 – 3%, trong khi tất cả đầu vào của doanh nghiệp đều nhập khẩu, thì mức tăng 1 – 3% này sẽ ăn vào lợi nhuận của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp không thể tăng giá đầu ra. Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp có mức lợi nhuận thấp thì mức giảm lợi nhuận xuống dù chỉ 1% cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp, vì tính lợi nhuận sau thuế trừ tất cả các chi phí, thì mức giảm 1% này sẽ tương ứng với mức giảm 3 – 4% tỉ lệ lợi nhuận”, Tiến sĩ Hiếu phân tích.
Cụ thể, nếu lợi nhuận 10%/tổng doanh thu, khi chi phí đầu vào tăng 1%, đồng nghĩa với ảnh hưởng 3 – 4% lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, những công ty nếu không chỉ nhập khẩu từ nước ngoài mà có sử dụng cả nguyên liệu nội địa, hay có xuất khẩu hàng thì sức ảnh hưởng, tác động từ giá đô tăng sẽ nhẹ nhàng hơn so với các công ty nhập khẩu 100% nguyên liệu.
“Nếu công ty vừa nhập khẩu nguyên liệu đầu vào vừa xuất khẩu bán ra thành phẩm thì có thể cân bằng được trước tác động giá đô tăng, nhưn với đều kiện đầu ra vẫn giữ vững được thị trường, từ đó tạo cân bằng về lợi nhuận”, Tiến sĩ Hiếu nhìn nhận.
Lý giải về dự báo giá đô tăng từ 1 – 3% từ nay đến cuối năm, tiến sĩ Hiếu cho biết vì có những nguyên nhân chủ quan, khách quan. Theo ông, tỉ lệ lạm phát có khả năng tăng cao hơn năm ngoái, giá trị tiền đồng giảm đi so với đồng tiền khác, giá đô sẽ tăng. Bên cạnh đó, nếu tiếp tục nhập siêu tăng cũng sẽ đẩy giá đô tăng.
Nguyên nhân khách quan, ngoài việc ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ đánh tiếng sẽ tiếp tục tăng lãi suất lần hai thì tác động từ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các nước sẽ ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, ngành nhôm, thép chịu thuế tới 25%, thu nhập ngoại tệ qua xuất khẩu giảm sẽ tạo áp lực lên tỷ giá đô.
Trước xu hướng tỉ giá tăng, người dân nên dự trữ tiền, vàng hay ngoại tệ để có lời?
Theo tư vấn của tiến sĩ Hiếu, với mức lãi suất 7%/năm của các ngân hàng hiện nay thì việc gửi tiền mặt sẽ đảm bảo lợi nhuận cao hơn so với dự trữ đô, vàng.
Theo ông, giả thiết lạm phát 4% sẽ làm tiền đồng mất giá tương ứng, cộng với tỉ giá đô tăng 3% theo dự báo vào cuối năm nay thì việc dự trữ đô cũng không lãi bằng mức lãi tiền gửi 7% từ ngân hàng.
|
Nguyễn Cẩm