Khi tuyển thủ... về nhà
Trên sân cỏ, trên đường đua họ có thể là người hùng nhưng chỉ cần về tới bậc thềm nhà, họ trở về là đứa trẻ bé bỏng thèm được ăn món mẹ nấu, thèm hơi ấm gia đình.
Nhiều người trong số họ rời gia đình từ khi còn rất nhỏ để theo đuổi niềm đam mê bóng đá. Cho đến khi thành công, số thời gian sinh hoạt cùng đội tuyển còn nhiều hơn số ngày sống cùng bố mẹ. Một cái Tết cùng gia đình, đôi khi cũng trở thành xa xỉ. Trong khi nhiều người hối hả xuôi về nhà, họ lại vác ba lô ra đi, phải rời nhà vào khoảnh khắc người người rộn rã với bánh chưng, nem chua... bên bố mẹ.
|
Dù cái tên Quang Hải, Công Phượng, Văn Lâm được nhắc đến nhiều nhất trong năm qua, gương mặt được bầu chọn là số 1 của thể thao Việt Nam năm 2018 là một cô gái: Bùi Thị Thu Thảo.
Nhà vô địch châu Á đi bán khoai lang, gói bánh chưng thuê
Hai năm qua là hai năm thành công rực rỡ của “nữ hoàng nhảy xa” Bùi Thị Thu Thảo. 2017, chị giành HCV tại Giải Vô địch Điền kinh châu Á, HCV tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á, HCB ở Đại hội Thể thao trong nhà và Võ thuật châu Á; năm 2018, chị giành HCV và HCĐ ở Giải Vô địch Điền kinh trong nhà châu Á, HCV Đại hội Thể thao châu Á.
|
"Cô gái vàng" của đội tuyển Điền kinh nói riêng và của Thể thao Việt Nam nói chung. |
Những hình ảnh rực rỡ chiến công ấy của Thảo như đối lập với hình ảnh Thảo “bò vàng” (biệt danh của Thảo) suốt những ngày này. Trọn ngày tập ở Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia, về nhà trọ, cơm nước xong là Thảo “biến” thành một shipper thứ thiệt. Những túi khoai lang chất đầy trên xe máy, áo khoác thể thao tối màu, khẩu trang kín mít, chị chạy khắp nơi giao hàng.
Cô gái đất Ba Vì vẫn vẹn nguyên cái chân chất, thô mộc, giản dị đến xuề xoà hệt như ngày mới rời đất bán sơn địa về phố, dù thời gian ấy đã 14 năm. Cười kết cỡ, Thảo khoe đã bán được 1,5 tấn khoai lang giúp bố mẹ. Thấy ở quê khoai được mùa mà mất giá, gia đình đem bán rất vất vả, chị bèn nghĩ đến việc giúp mẹ bán khoai qua Facebook, chẳng ngờ bán rất chạy, lại được giá hơn so với bán ở quê.
|
"Nữ hoàng nhảy xa" vẫn vẹn nguyên nét mộc mạc, chân quê. |
Hơn một tháng bán khoai, vợ chồng Thảo thay nhau chở xe máy từ Ba Vì xuống Hà Nội, rồi cặm cụi đóng thành từng túi nhỏ theo đơn đặt hàng của khách. Tôi hỏi vui: “Thảo có ngại không khi mọi người nhận ra mình là “nữ hoàng nhảy xa?”. Thảo lại cười lớn: “Ngại ngần gì đâu, mọi người vui khi nhận ra tôi, và tôi cũng vui vì điều đó. Được cái lần đầu tiên “kinh doanh”, nhưng kết quả lại ngoài sức tưởng tượng. Khoai ở nhà vẫn còn, tôi phải hẹn khách để ra tết bán tiếp”.
Khi mọi người về ăn tết, nghỉ xả hơi sau cả năm trời tập luyện, thi đấu, Thảo lại xắn tay vào gói bánh chưng, luộc bánh rồi mang ra chợ bán cùng mẹ chồng. Cả xã Đồng Thái quê gốc và Vạn Thắng quê chồng đều bảo: “Cái Thảo vẫn nguyên xi “hương đồng gió nội” như ngày nào”.
Tuổi thơ lam lũ, đóng gạch, phụ hồ
Thôn Tri Lai, xã Đồng Thái, ngôi nhà hai tầng của gia đình ông Bùi Văn vừa hoàn thiện sơn để đón tết. Dáng ông lòng còng, chân tay run run, ông bảo cái chứng viêm đa khớp đã hành hạ ông suốt mười mấy năm nay, rồi bệnh gan, bệnh phổi đã cướp đi của ông sức khoẻ, mọi gánh nặng trong gia đình đều dồn cả lên vai bà Mọc – vợ ông. Nói đoạn, ông ngước nhìn ngôi nhà khang trang: “Nó thực sự là giấc mơ, nếu không nhờ cái Thảo thì vợ chồng tôi không bao giờ dám nghĩ đến chuyện xây nhà”.
|
Nhờ những bước nhảy, chị đã giúp bố mẹ xây được ngôi nhà khang trang. |
Thảo là con gái út, gia đình nghèo khó nhất làng, mẹ vừa gánh kinh tế, vừa chăm sóc bố ốm đau nên anh em Thảo từ nhỏ đã trở thành lao động chính. Mọi công việc đồng áng, ruộng vườn, Thảo đều thoăn thoắt như bất cứ người nông dân Đồng Thái nào. Những ngày nông nhàn, cô bé Thảo 11-12 tuổi, một buổi đến lớp, một buổi đi đóng gạch thuê để đỡ đần bố mẹ.
Thảo cười khì khỉ, bộc tuệch: “Ngày nhỏ tôi nghịch ngợm như con trai, các môn đá bóng, đá cầu… của các bạn nam trong lớp, tôi đều tham gia”. Năng khiếu thể thao của Thảo đã được bộc lộ từ những trò chơi tưởng như là nghịch ngợm. Lớp 7, Thảo giành ba giải Nhất ở cả ba nội dung đá cầu, điền kinh và bơi lội của huyện Ba Vì. Sau thành tích ấy, Thảo được gọi về Trung tâm Huấn luyện TD-TT của tỉnh Hà Tây (cũ). Về Trung tâm, Thảo vừa tập luyện, vừa học văn hoá; lương vận động viên ba cọc ba đồng, thành tích trong tổ chạy cự ly dài vẫn chưa có gì đáng kể; trong khi ở nhà “bố tôi bị bệnh đã lâu năm, giờ lại thêm chứng khớp; vừa chán, vừa thương bố mẹ, tôi đã bỏ Trung tâm đi làm phụ hồ”.
Thảo bảo khi đó chị nghĩ cái nghiệp thể thao đã thực sự khép lại, nhưng chính ông Nguyễn Trọng Hổ (Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao - Tổng cục TDTT), khi đó là HLV Trưởng của Đội tuyển Điền kinh Hà Tây đã nhìn được đúng tố chất của chị, ông thuyết phục chị trở lại Trung tâm, tập luyện nhảy xa. Đó vừa là bước ngoặt, vừa là động lực rất lớn trong sự nghiệp thể thao của Thảo.
Từ “bò vàng” thành “cô gái vàng”
Biệt danh “bò vàng” gắn với Thảo từ khi chị về Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia, cái giọng luyến láy “quê em ở Bá Vi” (quê em ở Ba Vì) khiến mọi người cười ngặt nghẽo, dân gian lại có câu “Bá Vi có con bo vàng” (Ba Vì có con bò vàng) để trêu chọc chất giọng khê nồng nơi đây. Bị gọi là “bò vàng”, Thảo không những không tự ái mà còn lấy làm tự hào, chị quyết tâm “bò vàng sẽ phải giành được giải vàng”.
|
Hạnh phúc của bố mẹ Thảo trước thành tích và tấm lòng hiếu nghĩa của cô con gái. |
Năm 2014, lần đầu tiên Thảo được tham dự ASIAD, với… vé vớt, việc giành HCB của Thảo đã là kỳ tích. Song năm đó, Thảo đã thua Maria Londa của Indonesia vào phút cuối – Maria có cú nhảy “xuất thần”, hơn thành tích của Thảo 0,11m. Đêm đó Thảo mất ngủ, tự dằn vặt mình và tiếc nuối khôn nguôi, bởi khi đó bệnh của bố Thảo rất nặng, trong suốt những ngày luyện tập và thi đấu, chị đã nhủ phải giành được HCV cho bố.
Suốt ba năm, cả Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia đều không hiểu vì sao Thảo “bò vàng” lại luôn xin tập thêm giờ, bất kể nắng như đổ lửa hay rét cắt cứa thịt da. Ba năm miệt mài đã cho trái ngọt, năm 2017, Thảo đánh bại Londa ở tất cả các giải đấu. Khi cầm trên tay chiếc HCV đầu tiên trên đất khách (Giải vô địch Điền kinh châu Á tổ chức ở Ấn Độ), câu đầu tiên của Thảo là: “Bố ơi, con đã làm được rồi”.
|
Cả trong luyện tập, Thảo cũng luôn nỗ lực hết sức. |
Sau này, khi biết gia đình luôn giấu việc bố phải nằm viện trước mỗi kỳ mình tập trung thi đấu, Thảo lại càng quyết tâm. Có lẽ vì những khó khăn của gia đình, vì sức khoẻ của bố, vì sự lam lũ của mẹ; mà cô gái luôn thấp bé nhất so với các đối thủ đã lập nên nhiều kỳ tích.
Không giấu giếm, Thảo tâm sự hình ảnh người bố đau yếu luôn chiếm trọn tâm trí của chị trong từng buổi tập, nhất là trước những kỳ thi đấu. Và chị luôn quyết tâm phải giành được huy chương để có tiền mang về cho bố chữa bệnh. “Tôi là vận động viên, chỉ biết trông vào lương tháng tập luyện, bây giờ lương mới lên được 10 triệu đồng/tháng, nên tôi luôn thúc giục chính mình phải cố gắng, phải nỗ lực trong từng bước nhảy để giành huy chương, để có tiền thưởng gửi thêm về cho bố mẹ”.
Hỏi có điều gì đặc biệt ngoài hoàn cảnh gia đình khiến Thảo quyết tâm đến quyết liệt như thế không? Thoáng chốc, cái thô mộc của Thảo như mềm lại: “Năm lớp 7, khi tôi đi thi môn bơi lội của huyện, giá trị giải Nhất năm đó chỉ là 20.000đ; nhưng bố tôi đã đi vay mượn để mua cho tôi bộ đồ bơi đến 60.000đ, đó là bộ đồ có giá trị nhất, ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi. Bố đã vì năng khiếu thể thao của tôi mà làm tất cả, thì không có lý do gì để tôi không dốc hết sức mình vì thể thao. Và giá trị của những tấm huy chương là tiền chữa bệnh cho bố, sửa sang nhà cửa cho bố mẹ; thì không có lý do gì để tôi không gạn chắt, dồn tận lực vào những cú nhảy!”.
Năm 2018, với thành tích là tấm HCV ASIAD đầu tiên cho đội tuyển Điền kinh của Bùi Thị Thu Thảo, chị đã được vinh danh là một trong mười công dân ưu tú của Thủ đô Hà Nội. Cũng trong năm 2018, chị đã xuất sắc giành giải VĐV tiêu biểu của năm. |
Ngọc Minh Tâm