Gia đình vợ không trân quý những gì tôi đã làm cho họ

20/03/2024 - 19:16

PNO - Đừng so đo, tiếc nuối những gì mình đã làm, đòi hỏi mọi người phải đối xử đặc biệt với mình, nhất là khi ai cũng đang có những khó khăn riêng.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Em và vợ đến với nhau lúc gia đình vợ đang rất khó khăn. Em làm ăn có tiền là gửi phụ nhà vợ. Vì em hiểu trước khi lấy em, vợ em cũng lo kinh tế cho gia đình, nhưng vừa cưới xong là cô ấy có bầu, nên không thể phụ cha mẹ được.

Gia đình vợ xây nhà, em cũng phụ tiền, phụ hồ cho đỡ tốn. Rồi vợ xin tiền mua xe mới cho cha mẹ, em còn bảo vợ mua hẳn xe xịn cho cha mẹ vui.

Đến giờ em làm ăn kém đi, rồi cha vợ cũng gặp tai nạn, nên vợ chồng em về chăm cha, cho mẹ tập trung buôn bán.

Nhưng từ khi về sống ở nhà vợ, em thực sự rất hối hận. Bởi em cảm giác như mình và các con bị cô lập. Vợ em suốt ngày dặn em không được thế này, không được thế kia, vì mẹ không thích. Dặn con không được đùa nghịch, không được nói to để ông bà nghỉ ngơi.

Mà mẹ vợ đi đâu về cũng chỉ hỏi vợ thích ăn gì bà mua. Bà chỉ chăm chăm phục vụ vợ em mà chẳng bao giờ hỏi em và các cháu thích gì.

Trong khi 8 năm vợ chồng, chưa bao giờ em bảo vợ phải làm này làm nọ cho bố mẹ em. Lúc nào em cũng nói tốt để 2 bên hòa hợp. Em cảm thấy mình như một thằng ngốc.

Em cứ nghĩ mình lấy vợ nghèo thì người ta sẽ sống tình cảm với mình, và mình tốt với họ như thế sẽ được họ yêu quý, trân trọng. Giờ em chỉ biết chịu đựng, không biết giải quyết sao. Mong chị cho em lời khuyên ạ.

Hùng Sơn

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Anh Hùng Sơn thân mến,

Người ta thường bảo rằng, người cho đi là người hạnh phúc, chỉ khi nào họ cho đi mà không tính toán thiệt hơn, đòi hỏi sự đáp đền, anh Hùng Sơn ạ. Khi đọc bức thư của anh, Hạnh Dung chợt nhớ tới điều đó.

Theo tất cả những lời anh kể, Hạnh Dung cảm nhận được rằng anh là một chàng rể tốt. Anh đã không so đo gì, mà còn cùng vợ lo toan cho gia đình vợ, từ vật chất tới tinh thần suốt 8 năm trời.

Thế nhưng giờ đây, anh lại bắt đầu thấy ân hận về những điều mình đã làm, thấy mình là thằng ngốc, thấy những lo toan của mình là phí hoài, thấy mình không được trân trọng xứng đáng với công mình bỏ ra. Tất cả vì hoàn cảnh thay đổi, anh không còn dư giả như trước nữa, và giờ vợ chồng chuyển về sống chung trong những điều kiện khó khăn hơn.

Những điều anh kể về cách đối xử của nhà ngoại khiến anh bất mãn, là người ngoài nhìn vào, Hạnh Dung không thấy có gì là quá đáng. Cha vợ đang bị tai nạn nằm một chỗ, phải được chăm sóc, thì chuyện vợ muốn trong nhà yên tĩnh, con nhỏ không đùa nghịch, cũng là chuyện bình thường. Trẻ con thường vô ý làm ầm ĩ trong nhà, người đau bệnh làm sao chịu nổi?

Hai vợ chồng anh ở nhà, mẹ vợ phải ra ngoài buôn bán kiếm tiền, chắc là có nhiều mệt mỏi, vợ muốn cho mẹ được thoải mái nên dặn dò anh đừng làm gì cho mẹ buồn lòng, cũng là chuyện bình thường. Nếu không xét nét, thì chính ra điều này lại rất tốt, vì vợ cũng chỉ muốn cho chồng và mẹ vợ được sống hòa hợp với nhau, không xảy ra xung đột.

Mẹ đi về hỏi xem vợ anh thích gì, muốn ăn gì, cũng là bình thường. Thông thường xưa nay, ông bà có câu: "Dâu là con, rể là khách", cách đối xử với chàng rể bao giờ cũng có phần lễ nghi, xa cách hơn, chẳng thể thân mật theo kiểu con à con ơi, con muốn ăn gì. Mẹ đi làm đã mệt, về vẫn quan tâm tới con gái, là một cách thể hiện tình yêu thương với gia đình con rồi.

Hạnh Dung nghĩ rằng, anh đang trong giai đoạn nhạy cảm, vừa làm ăn không còn được như trước, vừa phải sống chung với gia đình vợ. Những cảm xúc chắc chắn phải khác so với lúc còn kiếm ra nhiều tiền và sống riêng, được làm chủ gia đình, được tự do sinh hoạt, nói cười, theo ý mình.

Những cảm giác khó chịu, ngột ngạt của anh lúc này, Hạnh Dung nghĩ cũng là bình thường. Người đàn ông nào trong tình huống của anh cũng sẽ vậy thôi. Chỉ có điều, anh đừng đẩy việc lý giải những cảm xúc đó đi theo chiều hướng so sánh, tiếc nuối, oán trách vợ và gia đình vợ. Nó làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của những gì mình đã làm.

Thay vì vậy, anh hãy tìm cách thay đổi cuộc sống của mình. Hãy thu xếp để vợ ở nhà chăm sóc cha và con cái, còn mình đi tìm công việc, quay lại với chuyện kiếm tiền, làm trụ cột gia đình. Thậm chí, anh có thể để vợ ngày ngày chạy về chăm cha, còn gia đình vẫn sống riêng, để anh không có cảm giác phụ thuộc...

Không biết rõ chi tiết về hoàn cảnh, đời sống của vợ chồng anh hiện nay, nên Hạnh Dung cũng chỉ nêu ra hai phương án đơn giản nhất vậy thôi. Còn giải quyết mọi việc thế nào phải tùy vào tình hình thực tế của gia đình.

Điều quan trọng Hạnh Dung muốn nói với anh là, hãy nhìn mọi việc một cách độ lượng, bao dung, nhẹ nhàng. Có gì không bằng lòng thì hãy trò chuyện thẳng thắn với vợ. Hãy coi cha mẹ vợ thật sự là cha mẹ mình. Đừng so đo, tiếc nuối những gì mình đã làm, đòi hỏi mọi người phải đối xử đặc biệt với mình, nhất là khi ai cũng đang có những khó khăn riêng.

Tình yêu thương gia đình là một con đường rất dài. Khi phải trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, thì ai cũng nỗ lực làm việc mình cần làm trước đã. Đến đoạn tươi sáng, được cùng nhau nghỉ ngơi, thì mới có thời gian mà tính công trạng. "Gái có công thì chồng chẳng phụ", huống hồ là "trai có công", anh nhé.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(9)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI