Gia đình là nơi trở về, là nơi nuôi dưỡng và hình thành các chuẩn mực đạo đức có giá trị tốt đẹp: lòng yêu nước, yêu quê hương, kính già, yêu trẻ, thủy chung, nghĩa tình... Tuy nhiên, hiện nay các gia đình đang đứng trước nhiều khó khăn, chất kết dính giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẽo, tệ nạn xã hội tấn công, trẻ em hư hỏng, bạo lực...
|
Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM - nhấn mạnh: “Lâu nay khi nhắc đến xây dựng gia đình hạnh phúc là người ta hay nghĩ đến người phụ nữ...". |
Để không đánh mất giá trị văn hóa gia đình Việt, chiều ngày 6/1/2020, Ban thường trực MTTQ Việt Nam TP.HCM (gọi tắt là Ban Thường trực) tổ chức tọa đàm "Xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững".
|
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Văn hóa và Thể thao, Hội LHPN TP.HCM tham gia chủ trì tọa đàm. |
Bà Triệu Lệ Khánh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM - cho biết: để chuẩn bị cho buổi tọa đàm, Ban Thường trực đã liên hệ các đơn vị, các nhà nghiên cứu viết tham luận với những nội dung xoay quanh thực trạng, giải pháp và những vấn đề được xã hội quan tâm về gia đình và đã nhận được 52 bài tham luận.
Có những tham luận miêu tả rất rõ thực trạng gia đình Việt Nam hiện nay, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hạnh phúc gia đình ở nhiều góc độ từ trách nhiệm, triết lý trong giáo dục, văn hóa nhường nhịn; vấn đề mẹ chồng nàng dâu; vai trò của chính quyền địa phương và của hộ gia đình; sự biến đổi của gia đình ở TP.HCM…
Ths Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Giảng viên Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa TP.HCM - cho biết: “Tại TP.HCM, gia đình đã có sự biến đổi về quy mô, cấu trúc. Gia đình chủ yếu hai thế hệ cha mẹ và con cái, gia đình ba thế hệ chiếm tỷ lệ nhỏ. Mặt khác, TP.HCM hiện nay được xếp vào nhóm 17 tỉnh có mức sinh rất thấp. Tỉ suất sinh năm 2018 là 1,33 con/người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tỷ lệ kết hôn ngày càng giảm vì nhiều người có xu hướng không kết hôn, kết hôn chậm và lại có nhiều gia đình đơn thân. Tình trạng ly hôn gia tăng, các vụ án ly hôn tập trung từ 25 đến 35 tuổi. Các gia đình đã có sự biến đổi về ứng xử của các thành viên trong gia đình kể cả sự biến đổi về chức năng gia đình”.
|
PGS.TS Nguyễn Văn Trình - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM: Việc tổ chức gia đình và giáo dục tốt sẽ tác động lớn đến việc hình thành nhân cách của trẻ |
PGS.TS Nguyễn Văn Trình - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cũng đồng tình và cho biết thêm: việc tổ chức gia đình và giáo dục tốt sẽ tác động lớn đến việc hình thành nhân cách của trẻ. Theo một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM thực hiện về những yếu tố tác động đến hành vi vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên ở TP.HCM cho thấy: “Có một tỷ lệ khá lớn trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật có yếu tố gia đình bất ổn thì trong đó có 15,1% em có bố mẹ ly hôn hoặc ly thân, 19,8% mất bố/mẹ và gia đình các em có ít nhất một người vi phạm pháp luật, các em phải sống trong hoàn cảnh gia đình khiếm khuyết...
Theo ông Trình, giải pháp quan trọng nhất để xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí của gia đình và phải chuẩn bị tốt để làm chủ sự thay đổi từ gia đình 3 - 4 thế hệ sang gia đình 2 thế hệ nhưng vẫn giữ được quan hệ, đạo lý truyền thống tốt đẹp.
Ths Ánh nói: “Để xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững, cần đưa nội dung giáo dục văn hóa gia đình vào các chương trình đào tạo, trang bị những kiến thức về giới tính, gia đình, xung đột và giải quyết mâu thuẫn, các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam và vận dụng kiến thức ấy thành nhân cách và cách ứng xử trong gia đình của chính mình”.
Đã 40 năm xây dựng gia đình, đến nay gia đình chị Trần Thị Thu Thủy, quận Thủ Đức chung sống vui vẻ, hòa thuận với 3 thế hệ. Cũng như bao nhiêu gia đình khác, các thành viên ai nấy cũng có công việc và những mối quan hệ xã hội của riêng mình, nên thời gian dành cho nhau không nhiều, đôi lúc bữa cơm cũng không được đầy đủ thành viên. Để gắn kết các thành viên trong gia đình, cô Thủy thành lập nhóm “My Family”. Đây là kênh thông tin của gia đình, ai có việc gì vui, buồn cũng chia sẻ lên nhóm. Các thành viên trong gia đình cũng thường xuyên quan tâm và hỏi thăm sức khỏe, động viên nhau trong cuộc sống lẫn công việc.
|
Chị Thủy chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc. |
Ông Hứa Văn Nhơn, một cán bộ hưu trí ở huyện Củ Chi, suy nghĩ: một gia đình hạnh phúc phải đảm bảo 2 yếu tố: tinh thần và vật chất và phải được sự chung tay góp sức của các thành viên trong gia đình. Để xây dựng gia đình hạnh phúc, thì tình yêu thương, sự quan tâm, tôn trọng, thấu hiểu, nhìn về cái tốt của nhau là chưa đủ mà phải thấy và phải sống chung với những điều chưa tốt, chưa hài lòng để giúp nhau cùng tốt. Và đó cũng là cách ông xây dựng gia đình mình hạnh phúc mấy chục năm qua.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, nhấn mạnh: “Lâu nay khi nói đến "xây dựng gia đình hạnh phúc" là người ta hay nghĩ đến người phụ nữ. Tuy nhiên, hiện nay, ở góc nhìn bình đẳng giới đã thay đổi. Để xây dựng gia đình hạnh phúc cần có sự chung sức của toàn xã hội và từng thành viên trong gia đình. Gia đình sẽ là nơi hướng về để gặp gỡ, yêu thương, thông cảm. Mỗi người phải cảm nhận hạnh phúc của mình thì mới làm cho người khác hạnh phúc được”.
Thiên Ân