 |
Doanh nhân Tôn Thạnh Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty TNHH Tôn Văn - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Vợ là chỗ dựa cho hành trình lập nghiệp
Lớn lên ở vùng quê nghèo tại tỉnh Quảng Nam, năm 18 tuổi, ông Nghĩa rời quê đến TPHCM học đại học. Ra trường, ông làm việc cho một đơn vị Nhà nước. Ít lâu sau, ông lập gia đình và sống cùng nhà vợ.
“Nhiều người ngại chuyện ở rể nhưng tôi thì không. Ba mẹ vợ rất hiền, cũng chỉ sống với một mình vợ tôi vì em trai vợ sống ở Mỹ.Ông bà có một quán ăn nhỏ, hàng ngày tôi đi làm, rảnh thì phụ ông bà đi chợ, chạy bàn, dọn dẹp bát đũa… Tôi chẳng quan trọng ở nhà ai, chỉ cần mình thương ba mẹ thì ba mẹ cũng sẽ thương mình” - ông Nghĩa nói.
Được hơn 10 năm, khi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam, ông quyết định học thêm tiếng Nhật để tìm việc làm có thu nhập cao hơn. Ở tuổi 35, việc học có phần chậm chạp, nhưng ông không cho phép mình dừng lại. Với nỗ lực không ngừng, ông thành công trở thành phiên dịch tại một công ty của Nhật Bản chuyên sản xuất nút áo bằng vỏ ốc.
“Tôi làm đủ mọi việc từ thủ tục, gặp lãnh đạo, xin cấp phép đầu tư... Nhờ sự nhiệt tình, tôi học được rất nhiều thứ và được các ông chủ Nhật yêu mến. Tôi trở thành phó giám đốc và học được nhiều kỹ thuật từ họ… 4 năm sau, thấy công việc không mới, bản thân lại luôn muốn sáng tạo nên tôi quyết định khởi nghiệp” - ông kể.
Năm 1997, ông quyết định mở một xưởng sản xuất nút ảo nhỏ ngay trên gác nhà ở, bên dưới là chỗ ở của gia đình. Nhớ về xuất thân nghèo khó của mình, ông nhờ ba mẹ ở quê tuyển vài thanh niên khó khăn vào phụ mình sản xuất. Hàng ngày, ông cùng 6 người thợ trẻ cắt từng vỏ sò, vỏ trai và vỏ ốc để làm nút áo xà cừ. Tối về, ông lại mày mò các mẫu mã mới hoặc nghiên cứu cách cải tiến thiết bị. “Vợ tôi là con gái Sài Gòn nên tính tình rất mạnh mẽ, dứt khoát. Còn tôi sinh ra ở quê, gia đình đông con nên rụt rè hơn. Lúc mới mở xưởng, tôi bị một vài người đến làm khó mà không dám nói gì. Vậy là vợ mình đứng ra lý luận để giành lại quyền lợi cho mình” - ông kể.
Trong mắt ông, bà không phải kiểu người nói nhiều lời yêu thương nhưng những việc bà làm cho ông thấy được sự tin tưởng, ủng hộ để ông sẵn sàng tiến về phía trước.
Khi công ty ra những lô hàng đầu tiên, ông đến từng doanh nghiệp trong nước để chào hàng. Nhưng trái ngược với sự kỳ vọng của ông, tất cả doanh nghiệp đều từ chối vì sản phẩm còn xa lạ với thị trường Việt Nam. Đây cũng là thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đang diễn ra, khiến công ty rơi vào tình trạng nợ nần, hàng tồn, không đủ tiền trả lương cho nhân viên.
“Khó khăn chồng chất, nhưng tôi không cho phép mình bỏ cuộc. Tôi còn gia đình, vợ con và nhân công của mình. May mắn thay, thời còn làm ở công ty Nhật, tôi được khách hàng rất yêu quý nên đã liên hệ lại với họ để giới thiệu sản phẩm. Họ chấp nhận mua hàng và chỉnh sửa cho tôi từng chút. Nhờ đó mà sản phẩm của tôi ngày càng chất lượng, được doanh nghiệp biết đến nhiều hơn” - vị doanh nhân nhớ lại.
Sau 10 năm thành lập Công ty TNHH Tôn Văn, ông Nghĩa mua được đất xây dựng xưởng sản xuất riêng và ổn định công việc kinh doanh đến nay. Trong khuôn viên nhà máy rộng 1ha, ông xây dựng nhiều khu vui chơi, hoạt động thể chất để đảm bảo đời sống tinh thần cho nhân viên.
 |
Doanh nhân Tôn Thạnh Nghĩa chụp ảnh cùng các con cháu - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Cho con cơ hội trải nghiệm
Vợ chồng ông Nghĩa có 3 người con, 2 cô con gái sinh đôi và 1 cậu con trai út. Trong suốt thời gian xây dựng và phát triển công ty, ông vẫn luôn dành sự quan tâm lớn lao cho các con của mình. Hàng ngày, ông chở các con đến trường rồi mới đi làm, chiều lại đón con về. Cuối tuần đưa các con đi công viên hoặc đi thăm nhà máy. Mỗi dịp lễ tết, cả nhà lại cùng nhau đi du lịch ở những tỉnh thành xa xôi trên cả nước.
Ông chia sẻ: “Tôi luôn dặn lòng là không mê đắm đồng tiền để các con lạc lõng. Tôi cho con đi khắp nơi để thấy được cái nghèo, cái khổ, để thấy sự may mắn của mình, để thấy được đất nước mình đẹp biết bao. Các con lớn lên trong tình yêu gia đình, quê hương nên sau khi đi du học đều muốn về Việt Nam lập nghiệp”.
Kế thừa những bài học từ cha, chị Tôn Nữ Xuân Quyên - con gái đầu của ông Nghĩa - đã thành lập công ty BLUSAIGON chuyên sản xuất bút thủ công từ ngọc trai, vỏ sò, trai… Nguồn cảm hứng của chị không chỉ đến từ những năm tháng theo cha vào nhà máy mà còn là niềm tự hào khi Việt Nam là quốc gia có 3.260km đường bờ biển. Không chỉ kinh doanh, chị còn tích cực tham gia các chương trình khởi nghiệp gây quỹ, giao lưu, chia sẻ với các thế hệ sinh viên để truyền ngọn lửa kinh doanh đến các thế hệ đàn em.
Con trai út của ông Nghĩa - anh Tôn Thạnh Văn - thì trở thành người nối nghiệp cha mình. Từ khi còn nhỏ, anh đã được gia đình định hướng học ngành cơ khí để trở về làm việc ở Tôn Văn, rồi tiếp tục học bổ sung về tài chính, quản lý… Với cái tên gắn liền với thương hiệu gần 30 năm, anh biết mình có trách nhiệm với hàng trăm công nhân và gia đình của họ nên luôn cố gắng để đưa doanh nghiệp phát triển hơn nữa.
Nghĩ về thế hệ kế thừa, ông Tôn Thạnh Nghĩa không áp lực các con về lợi nhuận mà là trách nhiệm với hàng trăm cán bộ công nhân viên đang làm việc cho mình. Ông bàn giao hết tất cả những gì mình đã gây dựng được cho các con với kỳ vọng các con sẽ trả lại cho xã hội, cho công ty những giá trị cao hơn cái mà các con nhận. Bởi ông luôn tin rằng, chỉ cần làm ăn ngay thẳng thì lợi nhuận sẽ luôn đến, xã hội mới có thể phát triển được.
Giờ đây, khi đã sắp chạm ngưỡng thất thập cổ lai hy, có cho mình 7 đứa cháu, ông Tôn Thạnh Nghĩa vẫn giữ quan điểm gắn kết gia đình từ những điều nhỏ nhất. Giữa nhịp sống hối hả của Sài thành, cả nhà vẫn giữ ít nhất một bữa cơm chung mỗi ngày, để cùng nhau chia sẻ mọi chuyện vui buồn. Cuối tuần, ông lại đưa các cháu đi chơi như ông đã từng làm với các con của mình ngày trước. Con gái lớn của ông lập gia đình ở Mỹ và có 5 người con. Hằng năm, ông đều đón các cháu về nước và cho đi thăm họ hàng, cô bác, đi khắp những tỉnh thành tươi đẹp của Việt Nam.
“Tôi nghĩ rằng khi đã lập gia đình, mỗi thành viên đều phải học cách nhẫn nhịn, có cái nhìn tổng quát trước khi đưa ra quyết định. Giữa công việc và gia đình đôi khi phải có vài sự hy sinh, phải là cả hai cùng muốn làm thì mới tốt được. Giờ đây, cả tôi và vợ đều lui về hỗ trợ các con. Chúng tôi đã trao cho các con hết thảy những gì mình có, và hạnh phúc khi thấy các con vẫn yêu nghề, hết mình với công việc mình đã nhận” - ông nhấn mạnh.
Thể lệ cuộc thi Doanh nhân với chữ hiếu và gia đình Bài viết tham dự cuộc thi phải giới thiệu những tập thể, cá nhân điển hình trong việc giữ gìn nếp sống hiếu đạo đối với bậc sinh thành và người thân trong gia đình, đóng góp cho cộng đồng. Họ có thể là doanh nhân người Việt, gốc Việt đang sinh sống, kinh doanh trong nước và/hoặc các quốc gia khác. Bài viết thể hiện lối sống của doanh nhân đối với người thân là: ông bà, cha mẹ, vợ con, cháu trong gia đình; thông qua các câu chuyện/tình huống ứng xử trong gia đình, giúp doanh nhân luôn cân bằng giữa công việc ngoài xã hội với việc chăm sóc gia đình. Tác phẩm dự thi phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi nào khác, chưa được đăng báo. Nhân vật trong bài viết có thể đã được ghi nhận gương điển hình trong các bài viết trên báo chí, là nhân vật trong các cuộc thi viết khác, giải thưởng khác. Bài viết về doanh nhân phải được sự cho phép của nhân vật. Mỗi tác phẩm từ 800 đến không quá 2.000 chữ, được đánh máy bằng tiếng Việt. Bài viết có hình ảnh (nhân vật, hoạt động liên quan tới việc chăm sóc bậc sinh thành, người thân...) phù hợp với nội dung (cần ghi rõ nguồn, tên tác giả ảnh). Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 20 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 15 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 5 triệu đồng/giải. - 5 giải Khuyến khích, trị giá 3 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết được yêu thích do bạn đọc bình chọn (tính theo lượt like lượt share trên fanpage Báo Phụ nữ TPHCM) trị giá 1 triệu đồng. Cùng với giải thưởng hiện kim, các tác giả còn được trao giấy chứng nhận của ban tổ chức cuộc thi. Các tác phẩm được trao giải và đạt chất lượng sẽ được tuyển chọn để xuất bản thành sách (sách giấy và sách điện tử). Bài dự thi (bao gồm file bài viết, file hình ảnh) gửi về email: doanhnhanvachuhieu@baophunu.org.vn. Điện thoại: 0966182727 |
Trang Thư