Gia đình tôi quá coi trọng tiền bạc

01/02/2025 - 18:02

PNO - Tất cả mọi tình cảm gia đình đều là một "kho của" tình cảm. Nếu chúng ta biết giữ gìn, chăm chút cho nó, khi già chúng ta sẽ giàu có.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Mẹ và các anh chị em ruột tôi luôn coi trọng tiền bạc hơn tình gia đình. Cụ thể nếu biết tôi kiếm tiền bất chính vẫn sẽ vui khi nhận của tôi. Trái lại, khi tôi nghèo khổ và bệnh tật thì mọi người quay lưng với tôi, kể cả chặn số điện thoại và không muốn gặp vì sợ tôi mượn hay xin tiền (dù rằng tôi chưa bao giờ xin hay mượn). Vậy tôi phải cư xử thế nào với gia đình? Mong cô Hạnh Dung giúp.

Tiến Dũng

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Anh Tiến Dũng thân mến,

Hạnh Dung nghĩ rằng bức thư này anh viết vào lúc tâm trạng hết sức mệt mỏi, buồn phiền, thậm chí bất mãn về một điều gì đó. "Điều gì đó" ấy có thể không phải là lớn lắm và khá cụ thể nhưng lại khiến anh tưởng tưởng, phóng đại, tô màu, suy diễn thêm ra về tình cảm gia đình.

Hạnh Dung nói rằng anh suy diễn vì ngay trong thư, anh có nói gia đình sẽ chặn số anh vì sợ anh xin hay mượn tiền, trong khi đó anh chưa từng làm vậy. Khi anh chưa từng làm vậy thì làm sao anh chắc người thân sẽ chặn số?

Chỉ một tình tiết nhỏ đó khiến Hạnh Dung có thể hiểu rằng anh cứ buồn, ấm ức, bất mãn, rồi nghĩ ra đủ chuyện khiến mình thấy tủi hờn, tức giận thêm chứ sự việc có lẽ không phải hoàn toàn như vậy.

Người ta bảo chén bát trong chạn còn khua. Gia đình nào có yêu thương nhau mấy cũng có khi va chạm, lục đục, cãi vã. Nhưng, máu mủ ruột rà chắc chắn là những mối dây thâm tình không thể nào cắt đứt.

Nếu có cố tình cắt đứt nó, thế nào thịt da chúng ta cũng sẽ đổ máu. Hạnh Dung từng thấy nhiều anh em khi còn trẻ, vì những chuyện va chạm có khi rất nhỏ cũng mâu thuẫn, rời xa nhau.

Ấy thế mà rồi ở tuổi già, thậm chí có khi rất muộn, lúc đã gần đất xa trời, người ta lại tự động tìm tới nhau, ôm lấy nhau, tha thứ cho nhau mà không một lời yêu cầu giải thích hay thanh minh, đòi hỏi... Bởi lúc đó, họ mới thấy tình thâm ruột thịt là trên hết, chuyện giận hờn có lớn bao nhiêu cũng thành nhỏ.

Từ những nhìn nhận, đúc kết đó, Hạnh Dung chia sẻ, mong anh bình tâm, suy nghĩ chậm lại và nhẹ nhàng bỏ qua những điều bất mãn trong tình cảm gia đình. Người ta hay nói rằng con cái là của để dành của cha mẹ lúc về già. Hạnh Dung nghĩ chẳng phải chỉ là con cái mà tất cả mọi tình cảm gia đình đều là một "kho của" tình cảm của chúng ta. Nếu chúng ta biết giữ gìn, chăm chút cho nó, khi già chúng ta sẽ "giàu có".

Sẽ có lúc với mỗi người trong chúng ta, tình cảm đó làm ấm trái tim, làm mềm những chai sạn, mệt mỏi của cuộc đời. Nên lúc nào đó, dù nó không được như ý (mà chắc gì cái ý ta hoàn toàn đúng), ta sẽ cần đến cái kho đó để cảm thấy cuộc sống trọn vẹn và đầy đủ hơn.

Mùa đoàn viên đang về, gần lắm, chỉ còn vài ba ngày nữa. Mong rằng anh có thể bỏ qua mọi suy nghĩ tiêu cực, buồn bã, bất mãn để có một niềm vui chung với những người thân yêu ruột thịt.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI