 |
Chị Thùy Dương - một cán bộ phụ nữ ở Bến Tre - lên kế hoạch nghỉ hưu trước tuổi để chăm sóc mẹ - Ảnh: Diệu Hiền |
Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để cán bộ nữ khẳng định vai trò lãnh đạo, nâng cao năng lực quản lý, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.
Không ngại thay đổi
Chị Nguyễn Thị Minh Tâm (34 tuổi, cán bộ tại một cơ quan đang trong quá trình sáp nhập) là lao động chính của gia đình. Từ lâu, chị đã chủ động học hỏi và trau dồi thêm nhiều kỹ năng khác để không quá phụ thuộc vào một công việc cụ thể. Chị chia sẻ: “Sắp xếp, tinh gọn bộ máy có thể là cú sốc nếu lâu nay bạn không có sự chuẩn bị. Tôi luôn chuẩn bị cho những tình huống không ổn định và tập trung vào việc nâng cao khả năng thích nghi của bản thân. Cái gì cũng có thể thay đổi, chỉ có khả năng ứng biến của mình là ổn định nhất”.
Anh Võ Minh T. - 36 tuổi, nhân viên một sở tại TPHCM - lại chọn cách thay đổi vai trò trụ cột trong gia đình. Anh nửa đùa nửa thật: “Trước đây, tôi không thích bị vợ quản lý tiền bạc chặt chẽ. Nhưng giờ có thông tin sáp nhập, chưa rõ sắp tới mình sẽ làm công việc gì, tôi mới thấy may mắn vì vợ đã tiết kiệm được một khoản kha khá để có thể ứng phó trong mọi tình huống”.
Vợ chồng anh bàn bạc nếu sắp tới công việc của anh thay đổi, chị cũng không ngại làm trụ cột kinh tế gia đình trong thời gian chờ anh chuyển đổi, thích nghi với công việc mới. Nhờ có vợ tâm lý, động viên kịp thời và chia sẻ gánh nặng gia đình, anh T. cảm thấy vững tâm, thoải mái hơn để đón nhận cái mới sắp tới.
Chị Nguyễn Trúc Quỳnh - 41 tuổi, nguyên phó trưởng phòng thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường một tỉnh - từng trải qua những ngày mất ăn mất ngủ khi cơ quan hợp nhất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, còn cơ quan chồng chị cũng đang trong quá trình sáp nhập. Tuy nhiên, sau đó, chị có cái nhìn tích cực hơn: “Làm lâu năm, tâm lý mình thường ngại thay đổi. Vậy nhưng sau sáp nhập, hiện công việc đã vào guồng. Dù không còn chức phó phòng, thu nhập của tôi có giảm một chút nhưng cơ bản vẫn ổn. Thật ra, sáp nhập không quá căng thẳng như chúng ta nghĩ, chỉ là một sự chuyển đổi và cần thích nghi. Với người thích nghi tốt, mọi việc sẽ sớm trở lại bình thường”.
 |
Những học viên lớn tuổi kiên trì học thêm kiến thức mới tại lớp học công nghệ miễn phí của Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ - Ảnh: Nhã Chân |
Chị Nguyễn Thị Diệu - 47 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM, hiện là phóng viên một tờ báo. Trước thông tin các cơ quan báo chí cũng nằm trong diện cần sắp xếp, tinh gọn, chị Diệu có cái nhìn lạc quan: “Gần đây, bạn bè, người thân cứ gọi điện hỏi thăm tình hình vì lo tôi thất nghiệp. Là mẹ đơn thân nuôi 2 con nhỏ và mẹ già, thú thật tôi không lo lắng nhiều. Tôi tự tin vào năng lực chuyên môn của mình. Nếu không được chọn để tiếp tục công việc hiện tại, tôi nghĩ mình hoàn toàn có khả năng tìm việc ở một nơi khác”.
Thời gian qua, chị Diệu đã chủ động học lên cao học ngành truyền thông đa phương tiện để mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Ngoài ra, thông tin học sinh sẽ được miễn học phí trong năm học sắp tới sẽ giúp gánh nặng của chị nhẹ bớt. Nếu có thay đổi chỗ làm, công việc, chị Diệu tin mẹ con chị cũng sẽ thích ứng để ổn định cuộc sống.
Cơ hội để phụ nữ khẳng định bản thân
Bà Trịnh Thị Thanh - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TPHCM - đánh giá rằng với những chủ trương đúng đắn, phù hợp thực tiễn, việc thực hiện tinh gọn đầu mối tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế thông qua việc mở rộng, tăng quy mô đơn vị hành chính ở các đô thị đã bước đầu đạt những kết quả khích lệ, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị. Dư luận xã hội và bạn bè quốc tế đều ủng hộ chủ trương trên, coi đây là cơ hội lịch sử để phát triển đất nước.
 |
Bà Trịnh Thị Thanh tin tưởng chị em phụ nữ sẽ vượt qua khó khăn với sự năng động, sáng tạo và chịu khó - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Bà Thanh nhìn nhận, bất kỳ sự thay đổi nào cũng có những ưu điểm và khó khăn. Chưa kể, đây là sự thay đổi lớn mang tính lịch sử của đất nước, có tác động lớn đến mọi mặt đời sống, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của phụ nữ và gia đình. Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị có thể sẽ có những thay đổi về vị trí, công việc, mức thu nhập, nơi làm việc… dẫn đến những tác động đối với từng gia đình. Ở đó, phụ nữ - người nắm giữ “trái tim” của mỗi gia đình - không tránh khỏi hoang mang, lo lắng.
“Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để cán bộ nữ khẳng định vai trò lãnh đạo, nâng cao năng lực quản lý, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước. Do đó, cần thể hiện sự quyết tâm, linh hoạt, thích ứng một cách phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của từng người, từng gia đình thay cho tâm lý e ngại thay đổi; tư duy an phận, sợ khó” - bà Thanh nói.
 |
Hàng ngàn cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia đồng diễn áo dài tại phố đi bộ Nguyễn Huệ ngày 8/3/2025 - Ảnh do Hội LHPN TPHCM cung cấp |
Bên cạnh đó, theo bà Thanh, chị em phụ nữ càng phải tiếp tục rèn luyện phẩm chất đạo đức, không ngừng nâng cao trình độ để hội nhập quốc tế, nghiêm túc, sẵn sàng nhận các vị trí công tác khi được bố trí, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ và ngày càng thể hiện tính chuyên nghiệp dù ở bất kỳ vị trí nào.
“Thay đổi là điều tất yếu chúng ta phải thực hiện để đáp ứng sự phát triển chung của xã hội, của đất nước. Với sự năng động, sáng tạo, chịu thương chịu khó, tôi nghĩ rằng chị em phụ nữ sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn, tự tin, sẵn sàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” - bà Thanh nhấn mạnh.
Thùy Dương - Thu Lê