Gia đình sẽ nhẹ nhàng nếu bỏ đi chữ 'phải'

24/06/2017 - 06:30

PNO - Phải vâng lời, phải hiếu kính… những chữ “phải” ấy đã và đang làm cho mô hình gia đình trở nên nặng nề, căng thẳng, vô lý.

Truyền thống Việt Nam đã tạo ra nhiều chuẩn mực cho gia đình, lưu truyền hết thế hệ này sang thế hệ khác, được xem như nền tảng chuẩn mực của dân tộc. Vì thế, khi chạm đến các “giá trị” ấy, chúng ta có thể gặp phải những phản ứng rất mạnh của cộng đồng; nhưng nếu không mạnh dạn nhìn lại để điều chỉnh những yếu tố lỗi thời, ta sẽ không thể theo kịp thế giới văn minh.

Chẳng hạn, nếu giờ này mà ai còn yêu cầu phụ nữ phải “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu…”, thì có thể bị mọi người nhìn như một kẻ vừa từ hang đá bước ra, còn chưa kịp rụng đuôi.

Gia dinh se nhe nhang neu bo di chu 'phai'
Con cái phải vâng lời cha mẹ...

Con cái phải vâng lời cha mẹ. Đó là “đạo lý” đã thành điều tất nhiên, được mọi phụ huynh ủng hộ trong việc giáo dục con cái. Thế nhưng, đoạn clip phỏng vấn các học sinh lứa tuổi trung học vừa được tung lên mạng đã cho thấy, một trong những câu nói của phụ huynh mà các em xem là “khủng khiếp nhất” lại là: “Sao tao nói mãi mà mày không nghe?”.

Tư duy phải vâng lời cha mẹ được nhồi nhét vào trí óc con cái từ thơ ấu đến trưởng thành, thậm chí kéo dài đến khi những đứa trẻ ngày xưa đã thành cha mẹ, thành ông bà; nhưng chưa ai đặt câu hỏi: "Cha mẹ đã nói những gì, đã yêu cầu điều gì và tại sao đứa trẻ buộc phải nghe theo?".

Liệu một đứa trẻ có nên nghe những lời khuyên kiểu: “Nếu ở trường có ai ăn hiếp con, hãy… đánh lại”? Một thanh niên có nên từ bỏ ý định kết hôn chỉ vì cha mẹ bảo “nhà nó không xứng với nhà mình” hay “tuổi hai đứa không hợp”?

Tâm lý con cái buộc phải “nghe lời” vì “chữ hiếu”, bất kể cha mẹ nuốn thế nào, đã biến không ít phụ huynh thành người độc đoán, gây ra bao ức chế, thậm chí hủy hoại cả bao điều tốt đẹp của con cái. Nếu những đứa trẻ cứ chăm chăm “cố gắng vâng lời cha mẹ”, bất chấp điều mình biết, mình nghĩ thì cuộc sống này rồi sẽ ra sao?

Phải vâng lời, phải hiếu kính… những chữ “phải” ấy đã và đang làm cho mô hình gia đình trở nên nặng nề, căng thẳng, vô lý. Kể cả chuyện anh chị em phải che chở cho nhau, bảo vệ nhau cũng có thể trở nên tệ hại nếu người được che chở trở nên ỉ lại, sống bám, hoặc tệ hơn là phạm pháp, gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Gia dinh se nhe nhang neu bo di chu 'phai'
 

Thay vì xét từng sự việc, từng người cho có tình có lý, chúng ta lại buộc nhau phải chấp nhận, phải chịu đựng chỉ vì "cái sự giáo điều đó" là cha mẹ, là anh chị hoặc là vợ chồng. Khi một cô gái đăng bảng chiêu phu với các tiêu chuẩn rõ ràng về sức khỏe, tài chính, tính cách… người ta mắng cô không tôn trọng các giá trị truyền thống mà quên mất, giá trị truyền thống cũng từng nhắc nhở chuyện xem tông, xem giống khi chọn dâu rể.

Người ta đặt ra các luật lệ và ép từ bé gái đến người đàn bà phải cúi đầu chấp nhận mà không hề quan tâm đến hậu quả của chúng. Để rồi lại chính những người đàn bà thụ động đó, lại ép buộc con gái mình vào cái vòng kim cô đó, hết đời này sang đời khác.

Việc bồi đắp lại nền tảng gia đình Việt không nhất thiết cần phải hô hào, không cần đến những hội thảo khoa học hay chương trình hành động gì gì đó thật ghê gớm; chỉ cần đơn giản là bỏ đi những gánh nặng - những chữ “phải” đầy áp đặt, để mỗi thành viên trong gia đình được nhìn nhận một cách bình đẳng trong mối tương quan của tình yêu thương.

Thay vì phải vâng lời cha mẹ để được tiếng trẻ ngoan, con cái cần được cha mẹ lắng nghe, hướng dẫn. Nếu sai, trẻ cần được dẫn dắt, nâng đỡ để vượt qua và rút kinh nghiệm để trưởng thành hơn; thay vì bị đổ lỗi là “không biết vâng lời”. Chỉ thế thôi, từng bước chúng ta sẽ bồi đắp dần một nền tảng khác cho mô hình gia đình Việt Nam, vẫn bền vững, nhân ái, yêu thương nhưng văn minh và biết xem trọng con người hơn.

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI